Kinh doanh chính lỗ nặng, VEAM vẫn kiếm ngàn tỷ từ Toyota, Honda, Ford

06/11/2018 11:15 AM | Kinh doanh

Lợi nhuận của VEAM chủ yếu đến từ lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết ôtô xe máy, bao gồm Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam với tổng mức lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết là 4.763 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018.

VEAM có hoạt động kinh doanh cốt lõi là sản xuất động cơ và máy móc nông nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận đến từ các công ty liên kết sản xuất xe máy và ôtô hàng đầu của Việt Nam, bao gồm Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam. Cụ thể, VEAM không hoạt động trực tiếp trong ngành sản xuất và phân phối xe du lịch và xe máy, nhưng lại là đại diện phần vốn nhà nước tại các liên doanh lớn gồm: Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam và Ford Việt Nam với tỷ lệ góp vốn lần lượt là 20%, 30%, và 25%.

Theo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018 của VEAM, doanh thu 9 tháng đầu năm của công ty đạt 4.682 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng đầu năm 2018 của VEAM tăng mạnh 35% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.844 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận của VEAM chủ yếu đến từ lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết ôtô xe máy, bao gồm Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam với tổng mức lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết là 4.763 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh cốt lõi là sản xuất động cơ và máy móc nông nghiệp của công ty lại thua lỗ 94 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 8 tỷ đồng.

Dựa theo thông tin công bố từ Honda, ước tính Honda đã tăng thị phần xe máy từ 70% trong 9 tháng đầu năm 2017 lên 75% trong 9 tháng đầu năm 2018 nhờ sự thống trị trong mảng xe tay ga đang tăng trưởng nhanh chóng.

Doanh số xe ô tô du lịch của Honda tăng mạnh 80% so với cùng kỳ lên 17.579 chiếc trong 9 tháng 2018. Honda chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ trong tất cả các phân khúc, bao gồm các mẫu chính như Honda City (sedan B), Honda Civic (sedan C), và Honda CRV (cross-over). Mẫu xe Honda CRV tận dụng việc nhập khẩu khó khăn của Toyota Fortuner (SUV) để tăng mạnh 77% trong 9 tháng 2018 lên 5.965 chiếc. Ngoài ra, doanh số xe ôtô của Honda cũng được hỗ trợ từ việc triển khai dòng xe hatchback, Honda Jazz.

Trong khi đó, doanh số xe du lịch của Toyota bị ảnh hưởng bởi việc nhập khẩu chững lại của dòng xe Fortuner nhưng đã hồi phục trở lại trong quý 3/2018. Nghị định 116 về nhập khẩu ôtô nguyên chiếc (CBU) vào Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, đã khiến Toyota gặp trở ngại trong việc nhập khẩu xe vào Việt Nam, dẫn đến sự chững lại của mẫu xe nhập khẩu chính là Fortuner trong 6 tháng 2018.

Tương ứng, doanh số xe du lịch của Toyota giảm mạnh 13% trong 6 tháng đầu năm 2018, trong đó xe nhập khẩu nguyên chiếc sụt giảm 97% chỉ còn 263 chiếc, xe CKD (xe lắp ráp trong nước) tăng mạnh 30% lên 25.487 chiếc.

Tuy nhiên, khi Toyota nhập khẩu CBU trở lại trong tháng 7/2018, doanh số đã tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 15% trong quý 3/2018 so với quý liền trước, đạt 15.258 chiếc. Thị phần của Toyota nhờ đó cũng được cải thiện lên 24% tính đến cuối tháng 9/2018 so với mức 23% tại thời điểm cuối tháng 6.

Kinh doanh chính lỗ nặng, VEAM vẫn kiếm ngàn tỷ từ Toyota, Honda, Ford - Ảnh 1.

Ford Việt Nam cũng chứng kiến mức cải thiện nhẹ so với quý trước trong quý 3/2018, nhưng doanh số vẫn giảm so với cùng kỳ trong bối cảnh nhập khẩu kém tích cực và cạnh tranh gay gắt trong mảng xe du lịch.

Tương tự Toyota, Ford đã nhập khẩu trở lại xe CBU trong tháng 7/2018, dẫn đến mức tăng 21% của doanh số bán hàng (bao gồm cả xe du lịch và xe thương mại - CV) trong quý 3/2018 so với quý 2/2018.

Tuy nhiên, doanh số lũy kế trong 9 tháng 2018 của Ford chỉ đạt 14.636 chiếc, giảm mạnh 32% so với cùng kỳ. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán VietCapital (VCSC), Nghị định 116 làm giảm mạnh 61% doanh số xe CBU của Ford, còn 4.863 chiếc, trong khi doanh số xe CKD tăng 12% đạt 9.773 chiếc. VCSC cho rằng Ford sẽ mất thị phần trên thị trường xe du lịch do danh mục sản phẩm hạn chế trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu khác.

Theo ước tính, thị phần xe du lịch của Ford giảm từ 4% trong năm 2017 về 3,6% trong 9 tháng đầu năm 2018, trong khi thị phần xe thương mại giảm từ 21% trong 9 tháng đầu năm 2017 còn 15% trong 9 tháng đầu năm 2018.

Biên lợi nhuận của các công ty liên kết ô tô xe máy cải thiện trong 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm ngoái. VCSC cho rằng mức tăng biên lợi nhuận có thể đến từ xe tay ga, cạnh tranh về giá giữa các hãng ôtô hạ nhiệt và việc giảm thuế nhập khẩu xe CBU từ các quốc gia ASEAN từ năm 2018.

Theo Nguyễn Tuân

Cùng chuyên mục
XEM