Kinh doanh BĐS du lịch: Dù quản lý từ xa, nhiều chủ homestay vẫn “thắng đậm” nhờ bí quyết này

02/01/2019 11:17 AM | Kinh doanh

Một khía cạnh khác của kinh doanh homestay là không ít nhà đầu tư (NĐT) phải quản lý mô hình này từ xa. Làm thế nào để vừa quản lý tốt được doanh thu, chất lượng nhân sự đến mối quan hệ với khách du lịch?

Làm thế nào để không xảy ra tình trạng chồng chéo phòng thuê

Theo ghi nhận, homestay được xem là hình thức kinh doanh ngoài giờ, rất nhiều NĐT mở ở những tỉnh thành khác nơi mình sinh sống, làm việc. Chính vì hình thức kinh doanh dịch vụ nên nếu lơi lỏng quản lý sẽ dẫn đến thất thu hoặc không nắm được tình trạng doanh số cũng như chất lượng nhân sự. Chưa kể, có những mâu thuẫn lớn với mối quan hệ khách hàng nếu không có phương pháp quản lý từ xa theo quy trình.

Theo các chuyên gia, kỷ nguyên internet, chúng ta có thể ngồi từ xa để làm việc. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là có thể điều khiển công việc từ xa dễ dàng thì thách thức đối với chủ homestay cũng không hề nhỏ khi tình trạng chồng chéo khách thuê có thể xảy ra.

Kinh doanh BĐS du lịch: Dù quản lý từ xa, nhiều chủ homestay vẫn “thắng đậm” nhờ bí quyết này - Ảnh 1.

Theo các NĐT homestay lâu năm, có nhiều ứng dụng, hê thống giúp NĐT quản lý cụ thể về BĐS cho thuê mang lại hiệu quả trong kinh doanh

Do đó, NĐT quản lý từ xa phải biết phối hợp hài hòa giữa công nghệ quản lý tự động với đội ngũ nhân sự tại địa phương, đặc biệt có phương pháp phối hợp với khách hàng để giúp việc quản lý dễ dàng hơn.

Hiện tại hầu hết các nhà quản lý homestay đều chọn các ứng dụng công nghệ quản lý lưu trú OTA ( Online travel Agency) với các ứng dụng phổ biến như Expedia, Booking.com, airbnb… các dứng dụng này cho phép quản lý số lượng khách, số lượng đặt phòng. Tuy nhiên theo các NĐT, không nên trông cậy hoàn toàn vào nền tảng này bởi vì khi sử dụng các nền tảng này cùng một lúc có thể xảy ra vấn đề như không thể cập nhật nhanh chóng thông tin về tình trạng phòng thuê. Do đó, tình trạng chồng chéo phòng rất dễ xảy ra. Đó là lý do hiện nay có một số ứng dụng chuyên quản lý về BĐS cho thuê ra đời như cloudbeds, inroad…

Ông Võ Hoàng Hải, CEO chuỗi Bare Boutique Stays, một trong số các NĐT homestay thành công hiện nay đã chia sẻ bí quyết quản lý BĐS du lịch từ xa. Theo NĐT này, có nhiều hệ thống giúp chủ homestay quản lý cụ thể về mô hình cho thuê với chi phí hợp lý, giải quyết được nhiều thứ.

Kinh doanh BĐS du lịch: Dù quản lý từ xa, nhiều chủ homestay vẫn “thắng đậm” nhờ bí quyết này - Ảnh 2.

Với những NĐT quản lý homestay từ xa, nếu không có hệ thống quản lý theo quy trình rất dễ dẫn đến thất thu hoặc không nắm được tình trạng doanh số cũng như chất lượng nhân sự

Cụ thể, kết nối các kênh khi phát sinh bất cứ booking nào. Đồng thời quản lý về mặt vận hành, chẳng hạn như bao nhiêu khách check in, bao nhiêu khách check out, tránh được tình trạng chồng chéo thuê phòng. Từ đó, NĐT quản lý về mặt doanh thu hoặc khách hàng thanh toán qua kênh nào. Đặc biệt, với các ứng dụng chuyên về BĐS cho thuê NĐT có thể quản lý về mặt tương tác với khách hàng, nghĩa là NĐT có được dữ liệu về số điện thoại, email của khách hàng lưu lại.  

Những lưu ý nào khi NĐT quản lý homestay từ xa?

Theo các NĐT, để vận hành từ xa điều không thể bỏ qua là NĐT phải tìm ít nhất một người cộng sự quản lý homestay tại địa phương đầu tư homestay.

Ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS cá nhân nhấn mạnh, chủ homestay cần phải xây dựng dàn khung nhân sự cứng, và có ít nhất có 1 trainer để đào tạo những nhân viên làm part -time. Với kinh doanh từ xa, cuối tuần chỉ cần thuê nhân sự làm part-time để tiết kiệm chi phí. Nếu chủ homestay không có mặt tại địa phương thì người trainer đó sẽ trực tiếp điều tiết nhân sự và quản lý sơ bộ những cái chung phát sinh tại địa điểm kinh doanh.

Kinh doanh BĐS du lịch: Dù quản lý từ xa, nhiều chủ homestay vẫn “thắng đậm” nhờ bí quyết này - Ảnh 3.

Đây là loại hình kinh doanh rất khó tìm được khách hàng trung thành, do đó để giữ chân khách NĐT nên phối hợp với độ ngũ thiết kế chuyên nghiệp để thường xuyên có sự đổi mới về hình ảnh homestay.

Ngoài ra, dù quản lý trực tiếp hay từ xa thì sự chỉn chu trong thiết kế, sắp xếp homestay rất quan trọng. Theo các chuyên gia, nếu homestay được chăm chút kỹ lưỡng về hình thức sẽ nhận được thái độ tốt của khách hàng ngay lần đầu ghé thuê.

Đây là loại hình kinh doanh rất khó tìm được khách hàng trung thành vì khách đến với mô hình lưu trú này thường có xu hướng thích trải nghiệm những điều mới mẻ. Do đó, để giữ chân họ nhà sáng lập nên phối hợp với độ ngũ thiết kế chuyên nghiệp để thường xuyên có sự đổi mới về hình ảnh homestay.

Bên cạnh đấy, chủ homestay cần tăng giá trị lưu trú bằng không gian sinh hoạt và vui chơi chung, giới thiệu với khách địa phương những trải nghiệm thú vị. Ông Phan Công Chánh ví dụ, chẳng hạn khách du lịch ở homestay Long An được thăm vườn lúa chín, hái trái cây, xuống ao bắt cá, nấu bữa cơm trưa bằng chính những cái mình thu hoạch. Những trải nghiệm kiểu đó khách du lịch sẽ không bao giờ quên.

Tiết lộ về việc quản lý homestay từ xa nhưng dịch vụ vẫn tốt, doanh thu vẫn đảm bảo, ông Hải cho rằng: NĐT nên tập trung đầu tư một lần sẽ giảm được rất nhiều chi phí mà lại hiệu quả.

Chẳng hạn, chỉ đường cho khách đến homestay của mình bằng cách xây dựng một hướng dẫn chung ngay từ đầu (ví dụ chụp hình, vẽ đường…), hay xài một ứng dụng mà mỗi người có một mã. Lên đến phòng nhắn mã và lấy key vào phòng. Thậm chí, khi khách check out, tiền hay chìa khóa để trong phòng (theo dõi bằng ứng dụng) chủ homestay đến lấy sau. "NĐT nên chuẩn bị sẵn những điều đó ngay từ đầu để tiết giảm được thời gian vận hành hay đưa đón khách các kiểu…", ông Hải nhấn mạnh.

Theo các NĐT lâu năm, quản lý homestay từ xa rất cần sự chuẩn bị kỹ càng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh khi vận hành như: tăng doanh thu hoặc để lại cho khách hàng hình ảnh homestay thân thiện, chuyên nghiệp. Đó cũng là bí kíp kéo khách đến với homestay của mình những lần sau, đồng nghĩa với việc tăng hiệu quả trong kinh doanh lâu dài.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM