Ấn Độ: Khủng hoảng vàng

26/12/2013 10:18 AM |

Tầm quan trọng của vàng trong Ấn giáo và thói quen không thích gởi tiền trong ngân hàng là nguyên nhân chính giải thích cơn khát vàng.

Ấn Độ rất mê vàng, nhưng họ chỉ sản xuất được 10 tấn trong khi nhu cầu 870 tấn của năm 2012. Vì thế Ấn Độ là nước nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới.

Cơn khát vàng vô độ này đã gây ra hơn phân nửa thâm thụt cán cân tiền tệ lưu hành, lên đến 4,8% GDP vào quý 3-2013, chiếm gần 90 tỉ đôla. Nó làm cho tỉ lệ tăng trưởng rơi xuống dưới 5%, sau một thập niên liên tục gần 9%. Tầm quan trọng của vàng trong Ấn giáo và thói quen không thích gởi tiền trong ngân hàng là nguyên nhân chính giải thích cơn khát vàng.

Nhiều nhà kinh tế không ngần ngại nói thẳng, như Deepak Nayyar, giáo sư kinh tế tại Trường Đại học Jawaharlal Nehru: “Phải ngưng nhập khẩu vàng, bởi đó là một chi tiêu hoàn toàn vô ích”. Nhưng ông quên nó được chính phủ xếp loại là hồ sơ cực kỳ nhạy cảm.

Trong báo cáo gởi Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, nhóm chuyên gia phụ trách kế hoạch cảnh báo: mọi ý đồ thay đổi nhu cầu vàng đều là gay go và phức tạp, vì các lý do văn hóa, tôn giáo, kinh tế và xã hội. Ai dám đối đầu với cơn giận dữ của thần giữ của Kubera và thần tài Lakshmi, khi tấn công vào tinh hoa văn hóa Ấn Độ?

Một nhà kim hoàn tại cửa hàng Zaveri Bazaar giải thích: “Vàng được tôn thờ trong tôn giáo và xã hội. Muốn cầu xin thần thánh phù hộ, hay tạ ơn đều phải cúng vàng. Muốn gả con gái cũng phải có vàng làm của hồi môn. Càng cho nhiều vàng, nó càng có nhiều uy tín với nhà chồng và tương lai được bảo đảm”.

Người Ấn Độ tiêu thụ gia tăng hàng năm nhiều tấn vàng. Tháng 5-2013, chính phủ phải bãi bỏ thuế nhập khẩu vàng. Từ tháng 6 trở đi lượng vàng nhập khẩu giảm. Mặc dù nhà nước năn nỉ dân giới hạn tiêu thụ vàng, nhu cầu vẫn cao. Nạn buôn lậu vàng của các tổ chức tội ác trong thập niên 70 và 80 nay bùng phát trở lại từ mùa hè 2013. Phó giám đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Pramod Sahasrabudhe quả quyết: khi nhập khẩu giảm, buôn lậu lại gia tăng.

Để giảm nhập khẩu vàng và gia tăng giá trị đồng rupee, nhà kinh tế học người Pháp Jean-Joseph Boillot, chuyên gia về Ấn Độ nhận xét: Ấn Độ muốn đưa tài sản vàng của dân chúng lưu thông trong nền kinh tế. Họ nghĩ đến phát hành trái phiếu trị giá bằng vàng, nhưng tấm gương thất bại của nước Pháp vào năm 1973 khiến đành phải bỏ cuộc. Tại Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, Pramod Sahasrabudhe ước tính có 25.000 - 35.000 tấn vàng nằm ngủ yên trên cả nước. 

Nhưng trong các ngôi đền, số lượng vàng cất giấu mới là vấn đề. Tại ngôi đền Ganpati Mandir, ở Ganesh gần Bombay, tượng thần voi đứng bên dưới mái vòm bằng vàng khối. Người giữ đền quả quyết: có 10kg vàng gởi trong ngân hàng, và 150kg ngay bên trong tòa nhà, do khách thập phương dâng cúng. Một nhà kim hoàn nhận xét: có thể còn nhiều hơn nữa. 

Người ta nói ngôi đền giàu nhất nước là Tirupati, ở miền nam Ấn Độ, có số vàng tương đương 90 tỉ đôla. Nhà kinh tế học John Maynard Keynes đã từng giận dữ nói: “Yêu vàng tại Ấn Độ là loại tình yêu tàn mạt của một tàn tích dã man”. Một thế kỷ sau, niềm đam mê này vẫn sâu sắc, phi lý và... tệ hại.

Theo Bảo Long

khanhnt

Cùng chuyên mục
XEM