Kim cương - Từ "cù lừa marketing thế kỷ" đến hiện thực tàn khốc: Giá rớt 40%, khách hàng "chọn kim cương nhân tạo cho rẻ" hoặc "mua vàng cho chắc ăn"

03/10/2023 15:45 PM | Kinh doanh

Người Trung Quốc vốn mua kim cương thường xuyên hơn bất kỳ ai khác trên thế giới nhưng nay ngay cả họ cũng quay lưng.

Những ngày qua, chủ đề kim cương rớt giá tới 40% đang được lan truyền trên các trang báo lớn của thế giới. Tại Trung Quốc, tình hình cũng không mấy khả quan hơn. Các cửa hàng kim cương ở thủ đô Bắc Kinh vắng tanh. Và những cặp đôi trẻ tuổi sắp kết hôn thì lại quan niệm rằng “bỏ tiền mua kim cương là dại”.

Kim cương không còn là “vĩnh cửu”

“Kim cương là vĩnh cửu”, đây là tên chiến dịch kiêm lời quảng cáo quen thuộc do De Beers - tập đoàn từng nắm gần như độc quyền nguồn kim cương ở châu Phi - nghĩ ra và quảng bá.

Kim cương - Từ "cù lừa marketing thế kỷ" đến hiện thực tàn khốc: Giá rớt 40%, khách hàng "chọn kim cương nhân tạo cho rẻ" hoặc "mua vàng cho chắc ăn" - Ảnh 1.

Marilyn Monroe trong bài hát “Diamonds Are a Girl's Best Friend”.

Trước đây, do có sự thao túng của các tập đoàn lớn như De Beers, kim cương trở nên khan hiếm và được gắn liền với sự vĩnh cửu. Nó được quảng cáo để trở thành biểu tượng của tình yêu và lãng mạn. Cùng với sự quảng bá mạnh mẽ của nữ diễn viên nổi tiếng Marilyn Monroe trong bài hát “Diamonds Are a Girl's Best Friend”, quan niệm “không kim cương, đừng cưới hỏi” đã nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới.

Người Trung Quốc vốn mua kim cương thường xuyên hơn bất kỳ ai khác trên thế giới. Tỷ lệ cô dâu Trung Quốc nhận được một viên kim cương đã thay đổi từ 0 lên 47% trong vòng chưa đầy 30 năm, cho thấy kim cương đã được người tiêu dùng Trung Quốc đón nhận nồng nhiệt. 

Theo Báo cáo Insight của De Beers’, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ kim cương lớn thứ hai thế giới. Số liệu từ Tập đoàn Askci cho thấy nhu cầu kim cương của Trung Quốc liên tục tăng và đạt 70,7 tỷ NDT vào năm 2020.

Trung Quốc cũng là nơi có trữ lượng kim cương lớn nhất ở châu Á. Trong 50 năm qua, hơn 100 mỏ kim cương được phát hiện ở Trung Quốc. Hiện trữ lượng kim cương của các mỏ được phát hiện ước tính khoảng 23 triệu carat, tập trung gần 90% ở hai tỉnh Liêu Ninh và Sơn Đông.

Tại trung tâm trang sức và vàng quốc tế Wante ở Bắc Kinh, Trung Quốc, các quầy kim cương đều giảm giá với danh nghĩa “khuyến mại lấy may”. Các mặt hàng chủ yếu là trang sức kim cương cao cấp bao gồm nhẫn, mặt dây chuyền, khuyên tai với đơn giá từ vài nghìn đến vài chục nghìn nhân dân tệ. Dù nằm ngay cạnh lối ra vào của trung tâm mua sắm, những quầy kim cương này vẫn hầu như không có ai ghé vào.

Kim cương - Từ "cù lừa marketing thế kỷ" đến hiện thực tàn khốc: Giá rớt 40%, khách hàng "chọn kim cương nhân tạo cho rẻ" hoặc "mua vàng cho chắc ăn" - Ảnh 2.

Quầy kim cương vắng khách ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Mạng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc cũng có vô số những bài viết than thở về sự mất giá của kim cương. Có người mua vào bằng 8.000 NDT nhưng khi bán đi chỉ thu về được 600 NDT. Một chủ tiệm chuyên thu mua nhẫn kim cương cho biết: “ Một viên kim cương nước H 1 carat vào năm 2021 có giá hơn 40.000 NDT nhưng hiện tại thì chỉ là 20.000 NDT mà thôi ”.

Trên thực tế, những viên kim cương tự nhiên bị mất giá nhiều nhất đều dưới 1 carat. Giá của những viên từ 5 đến 10 carat hay to hơn thì vẫn tương đối ổn định. Lý giải cho việc này là nhu cầu tiêu dùng của người có kinh tế vừa phải đang giảm, nhưng những người giàu có thì vẫn không thay đổi nhiều.

Thủ phủ kim cương nhân tạo ở Trung Quốc

Ngoài việc suy thoái kinh tế toàn cầu khiến sức mua sụt giảm, người tiêu dùng ngày càng lo ngại trước những vấn đề xã hội, môi trường do khai thác kim cương tự nhiên gây ra, từ đó giảm bớt việc mua sắm loại mặt hàng xa xỉ này.

Bên cạnh đó, lý do quan trọng nhất khiến kim cương tự nhiên mất giá trầm trọng là sự trỗi dậy của kim cương nhân tạo. Trong vài năm gần đây, do giá sinh hoạt tăng mạnh nên người châu Âu không còn kén chọn chất lượng của nhẫn kim cương nữa. Hai năm trước, kim cương nhân tạo rẻ hơn 40% so với kim cương tự nhiên, sau đó là 60% và đến năm nay là 70-80%.

Kim cương - Từ "cù lừa marketing thế kỷ" đến hiện thực tàn khốc: Giá rớt 40%, khách hàng "chọn kim cương nhân tạo cho rẻ" hoặc "mua vàng cho chắc ăn" - Ảnh 3.

Biểu đồ cho thấy tiêu thụ kim cương nhân tạo ngày càng tăng trong khi kim cương tự nhiên ngày càng giảm (Ảnh: Sohu).

Ngày càng có nhiều sản phẩm kim cương nhân tạo trên thị trường với chất lượng tuyệt vời. Khách hàng không nhất thiết phải bỏ ra cả đống tiền để mua kim cương tự nhiên nữa. “Đứa con cưng” của thị trường xa xỉ đã rớt giá mạnh trong nhiều thập kỷ. Trong tháng 7 năm 2023, giá kim cương thô 2-4 carat dùng làm nhẫn cưới của De Beers đã giảm 15%.

Trung Quốc hiện là nhà sản xuất kim cương tổng hợp lớn nhất thế giới với hơn 600 công ty hoạt động trong ngành. Các nhà máy này sản xuất tới 400 triệu carat kim cương nhân tạo hàng năm.

Tại Trung Quốc, tỉnh Hà Nam được coi là thủ phủ của kim cương nhân tạo. Năm 2019, viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã tìm ra những công nghệ đột phá để làm ra kim cương nhân tạo và thực hiện thí điểm tại huyện Giá Thành, Hà Nam. Những viên kim cương nhân tạo ở Giá Thành có hình thức đẹp đẽ không thua kém gì hàng tự nhiên mà còn có phần vượt trội về chất lượng, chỉ số khúc xạ và độ tán sắc. Điều quan trọng là giá của chúng “rẻ như bèo”, chỉ bằng 20% so với hàng tự nhiên. Giá thấp nhất của một viên kim cương rời 1 carat trên thị trường Trung Quốc là 30.000 NDT, còn một viên kim cương nhân tạo Hà Nam cùng chất lượng chỉ là 8.000 NDT.

Kim cương - Từ "cù lừa marketing thế kỷ" đến hiện thực tàn khốc: Giá rớt 40%, khách hàng "chọn kim cương nhân tạo cho rẻ" hoặc "mua vàng cho chắc ăn" - Ảnh 4.

Năm 2021, sản lượng kim cương nhân tạo toàn cầu là 9 triệu carat, riêng huyện Giá Thành, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã góp vào con số này tới 4 triệu carat. Nhờ lợi nhuận khổng lồ từ kim cương nhân tạo, huyện này đã có hai công ty kim cương nhân tạo lên sàn là Liliang Dimaond vào năm 2021 và Huifeng Dianmond vào năm 2022.

Báo cáo thường niêm năm 2022 cho thấy thu nhập hoạt động của Liliang Diamond là 906 triệu NDT, tăng 81,85% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận ròng là 460 triệu NDT, tăng 92,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỉ suất lợi nhuận gộp mặt hàng kim cương nhân tạo của công ty này lên tới 80%, cao hơn tỉ suất lợi nhuận gộp của các gã khổng lồ hàng xa xỉ như LV và Prada trong cùng thời kỳ. Kim cương nhân tạo đang chứng minh khả năng kiếm tiền vô song của mình.

Người trẻ Trung Quốc: “Tôi thực dụng, tôi thích vàng”

Ngoài những lý do trên, sự mất giá của kim cương tại Trung Quốc còn liên quan tới một vấn đề nan giải: giới trẻ nước này ngày càng ít quan tâm tới kim cương.

Số liệu trong ngành trang sức cho thấy, 58% nguồn cầu kim cương chủ yếu đến từ tiêu dùng hẹn hò và hôn nhân. Những người trẻ sinh vào những năm 1990 hay 2000 đang nắm trong tay quyền quyết định số phận của thị trường kim cương. Nhưng họ lại không còn tin kim cương tượng trưng cho tình yêu nữa. Thay vào đó, họ quan niệm rằng “bỏ tiền ra mua kim cương là dại".

Các cặp đôi trẻ tuổi ở Trung Quốc đang ngày càng thể hiện rõ xu hướng “đám cưới thực dụng”. Họ chủ yếu mua vàng vì không sợ mất giá và có thể bán lấy tiền một cách dễ dàng bất cứ lúc nào. Ngoài ra, hiện nay trang sức vàng ở Trung Quốc đã được nâng cấp lên rất nhiều. Không chỉ có kiểu dáng cổ điển “dành cho người cao tuổi”, người tiêu dùng trẻ bây giờ có thể tìm thấy nhiều loại có tính thẩm mỹ phù hợp với cá tính của mình.

Kim cương - Từ "cù lừa marketing thế kỷ" đến hiện thực tàn khốc: Giá rớt 40%, khách hàng "chọn kim cương nhân tạo cho rẻ" hoặc "mua vàng cho chắc ăn" - Ảnh 5.

Kim cương - Từ "cù lừa marketing thế kỷ" đến hiện thực tàn khốc: Giá rớt 40%, khách hàng "chọn kim cương nhân tạo cho rẻ" hoặc "mua vàng cho chắc ăn" - Ảnh 6.

Theo "Báo cáo phát triển ngành trang sức Trung Quốc năm 2022" do Hiệp hội công nghiệp trang sức và đá quý Trung Quốc công bố, tổng quy mô thị trường của ngành trang sức Trung Quốc vào năm 2022 đạt khoảng 719 tỷ NDT. Trong số đó, quy mô thị trường của các sản phẩm vàng là khoảng 410 tỷ NDT, quy mô thị trường của ngọc là khoảng 147 tỷ NDT, còn quy mô thị trường của các sản phẩm kim cương chỉ khoảng 82 tỷ NDT.

Theo đó, giá vàng ở Trung Quốc cũng có sự tăng lên đáng kể. Tính đến ngày 19 tháng 9 năm nay, giá vàng của Trung Quốc đóng cửa ở mức 469,80 NDT/gram.

Kim cương - Từ "cù lừa marketing thế kỷ" đến hiện thực tàn khốc: Giá rớt 40%, khách hàng "chọn kim cương nhân tạo cho rẻ" hoặc "mua vàng cho chắc ăn" - Ảnh 7.

Những người trẻ tuổi ở Trung Quốc không còn dễ bị “đánh lừa” bởi những lời quảng cáo nữa, họ chú ý hơn đến tính thực dụng và tính cá nhân hóa. Theo cách nói của họ, thay vì bỏ hàng chục nghìn nhân dân tệ để mua một viên kim cương “vô dụng”, mua hàng “free ship” trên mạng còn hời hơn gấp bội.

Tham khảo từ: Net Ease

Thùy An

Cùng chuyên mục
XEM