"Kim bài miễn tử" Tenure - Cách người Nhật bảo vệ quyền lợi trọn đời cho giáo sư đại học

21/11/2016 11:16 AM | Sống

Việc học tiến sỹ và phấn đấu trở thành giáo sư là mơ ước cháy bỏng của hàng chục nghìn người trẻ Nhật nhưng chỉ có rất ít người làm được.

Tháng 5/2016, báo Nhật Asahi Shimbun chạy một bài báo trên trang lớn với dòng tít: Bê bối tại một trường đại học tư lớn của Nhật, tiếng xấu cho môi trường học thuật.

Nội dung bài báo nói về vụ việc một nữ sinh người Indonesia bị nam sinh viên người Afghanistan tấn công tình dục và cố ý hiếp dâm. Nhà báo cáo buộc lãnh đạo của trường tư này đã không đưa ra các biện pháp đủ tốt để bảo vệ an toàn cho nữ sinh viên trong trường dẫn đến xảy ra vụ việc trên.

Khỏi cần phải nói, ở một đất nước mà phụ nữ có thể kiện đàn ông quấy rối tình dục và làm cho anh ta tan nát sự nghiệp thậm chí không cần đến bằng chứng, vụ việc trên như một quả bom. Lập tức phóng viên hàng loạt báo khác đi sâu vào điều tra vụ việc, tìm hiểu tiếng nói của các bên liên quan.

Cuối cùng kết quả của các cuộc điều tra đều cho thấy thực ra nữ sinh người Indonesia không phải “nạn nhân” đáng thương như cáo buộc trong bài báo, nam sinh cũng không phải hoàn toàn là kẻ xấu, và trường đại học nơi hai người đó học đã đưa ra các biện pháp đảm bảo đủ an toàn cho nữ sinh đạt chuẩn của các trường đại học Nhật.

Ngay chính đại sứ quán Indonesia cũng đã đích thân tìm hiểu vụ việc, và khi họ biết được rằng chính nữ sinh trên đã nhiều lần uống rượu, say xỉn và có những hành vi cợt nhả với đàn ông nhiều lần nơi công cộng.

Sau đó, họ đồng thời tìm hiểu được rằng chính cô này cũng từng quan hệ tình dục nhiều lần với nhiều bạn trai khác nhau trong cùng trường đại học đó. Ngoài ra, đối với vụ việc liên quan đến nam sinh người Afghanistan, cô gái đó cũng từng chủ động mời gọi anh ta bằng nhiều ngôn ngữ khiêu khích, thậm chí rủ anh ta đến phòng riêng khi chỉ có 2 người.

Khi tất cả các cuộc điều tra được hoàn tất, đại sứ quán Indonesia kết luận cô gái đã không sống đúng với chuẩn mực đạo đức của phụ nữ nói chung và đặc biệt đi ngược lại những chuẩn mực về hành vi, ứng xử tối thiểu của người đạo Hồi, đại sứ quán Indonesia đã chính thức gửi lời xin lỗi đến đại diện trường và Bộ Ngoại giao Nhật về vụ việc của công dân nước họ.

Vụ bê bối đã được giải quyết ổn thỏa, gia đình cô gái chấp nhận kết luận của cơ quan điều tra cũng như Đại sứ quán Indonesia từ tháng 1/2016 nhưng đến tháng 5/2016 nó lại được bới lại, lý do tại sao và ai đứng đằng sau nó?

Người đứng đằng sau lôi kéo rất nhiều nhà báo cũng như sinh viên cũ của trường vốn ở xa và không hiểu chuyện để đào xới lại câu chuyện quá khứ nhằm làm mất uy tín của trường chính là giáo sư A. Takahashi, người từng bị lãnh đạo trường tư đó đuổi việc vào tháng 4/2016. Và đó chính là cách trả thù của ông giáo sư đó nhằm làm mất uy tín của trường và hòng trục lợi từ việc đứng sau giật dây gia đình cô gái người Indonesia kiện trường.

Vụ việc cuối cùng cũng đã khép lại. Thế nhưng qua đó, người ta có thể thấy được ở trong môi trường học thuật quốc tế, với sự trợ giúp của báo chí tư nhân, quyền lực của giáo sư đại học lớn như thế nào. Giáo sư A. Takahashi hay bất kỳ giáo sư nào khác có thể hoàn toàn tự do theo đuổi các vụ kiện tụng chống lại các trường đại học hay bất kỳ một cá nhân, công ty nào mà không hề bị ảnh hưởng đến công việc mà người đó đang làm.

Yếu tố giúp ông Takahashi có thể tự tin kiện lại chính trường cũ đã từng sa thải mình là “tenure” hay hiểu cách đơn giản nhất, nó tương đương với cụm từ cơ chế tuyển dụng vĩnh viễn. Tenure được đưa ra để đảm bảo tối đa quyền tự do học thuật cho các giáo sư mà không sợ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ cơ quan tổ chức nào.

Và sau khi được cấp tenure tại trường đại học này, cơ chế đó sẽ được áp dụng tại tất cả các trường đại học sau đó mà giáo sư tham gia giảng dạy, không phân biệt loại hình trường đại học công tư, bất kỳ trường đại học nào cũng không được phép đuổi việc giáo sư mà không có kết luận và bằng chứng rõ ràng về sai phạm mang tính hệ thống trong học thuật hay hình sự.

Khái niệm tenure được Hiệp hội giáo sư đại học Mỹ (American Association of University Professors) đề xuất lên chính phủ Mỹ vào năm 1940. Tenure mang đến cho giáo sư chức vụ vĩnh viễn suốt đời. Tenure nhằm đảm bảo quyền tự do tri thức (academic freedom) cho các nhà khoa học và giáo sư đại học.

Khi đó, giáo sư hoàn toàn có thể tự do theo đuổi bất kỳ nghiên cứu nào họ thích, trường đại học không có quyền can thiệp, đồng thời họ cũng hoàn toàn có quyền phát biểu những ý kiến trái chiều với chính phủ, phê phán xã hội và cũng không lãnh đạo trường đại học nào có thể cản trở.

Trong môi trường học thuật của các nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc, Nhật và nhiều nước khác thuộc nhóm G20, từ tenure có thể không được dùng tương đương nhưng quyền lợi của giáo sư được đảm bảo tương đương. Trong khi các doanh nghiệp có quyền tuyển người đuổi người xoành xoạch, thì với nghề giáo sư đại học, một khi đã phấn đấu có được tenure, nó có thể coi như “kim bài miễn tử” đảm bảo cuộc sống có việc làm của giáo sư cho đến hết đời.

Không chỉ được hưởng cơ chế tuyển dụng vĩnh viễn và đảm bảo tự do học thuật đến mức tối đa, cuộc sống của giáo sư đại học Nhật còn được đảm bảo về mặt tài chính cho đến hết đời.

Tác giả bài viết từng có cuộc tiếp xúc và tìm hiểu về mức lương của các giáo sư đại học ở Nhật và có thể đưa ra một số nhận xét chung.

Thứ nhất, một khi đã trở thành giáo sư Nhật được cấp tenure, cuộc sống của người đó đảm bảo ở mức sung túc cho đến hết đời.

Thống kê của CareersCross, một trong những cơ quan môi giới tuyển dụng uy tín tại Nhật, cho thấy mức lương trung bình của giáo sư đại học Nhật tương đương khoảng 5 triệu yên/năm, nếu tính ra tháng ước khoảng 80 triệu đồng.

Tuy nhiên con số trên chỉ áp dụng với những giáo sư bậc thấp, đang trong quá trình phấn đấu để có tenure. Còn đối với các giáo sư đã có tenure, mức lương của họ sẽ dao động từ 10 đến 13 triệu yên/năm – mức thu nhập rất ổn trong mặt bằng giá cả ở Nhật.

Lương giáo sư Nhật ngoài ra còn được chịu ảnh hưởng từ việc bằng tiến sỹ của người đó do trường đại học nước nào, xếp hạng bao nhiêu của thế giới cấp cho. Nếu giáo sư Nhật đó có bằng cấp do đại học uy tín của Mỹ hoặc châu Âu cấp, mức lương thậm chí có thể đạt 20,30 triệu yên tính cả các nguồn ngân sách nghiên cứu bổ sung hàng năm.

Ngoài ra, họ còn được tham gia rất nhiều các dự án nghiên cứu có nguồn lực tài chính cực kỳ dồi dào do doanh nghiệp và chính phủ Nhật thành lập nên. Nói tóm lại, việc trở thành giáo sư đại học mang đến cho người ta sự đảm bảo về việc làm, tài chính và quyền tự do học thuật suốt cả cuộc đời.

Chính vì vậy, việc học tiến sỹ và phấn đấu trở thành giáo sư là mơ ước cháy bỏng của hàng chục nghìn người trẻ Nhật nhưng chỉ có rất ít người làm được. Nhưng mỗi khi làm được thành quả thu về vô cùng xứng đáng. Với cách đãi ngộ như trên, không ngạc nhiên khi mà chất lượng giáo dục đại học Nhật luôn đứng đầu châu Á cũng như thuộc hàng top của thế giới trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM