Kiểu kinh doanh BĐS chẳng giống ai của ông Trần Bá Dương

12/10/2016 21:51 PM | Kinh doanh

Gần đây có nhiều đại gia trong lĩnh vực khác như ô tô, phân bón, cao su, thủy sản...nhảy vào lĩnh vực kinh doanh địa ốc. Tuy nhiên, trường hợp của Thaco rất đáng chú ý, tạo được ấn tượng trên thị trường nhờ những cách làm khác lạ.

Từ "vua" ô tô đến đại gia địa ốc

Trên thị trường BĐS Việt Nam, nếu nhìn trong vòng 20 năm trở lại đây, có không ít những "ông chủ" tay ngang có đam mê vung tiền vào lĩnh vực nhà đất. Trong đó, đáng kể nhất là những "ông lớn" ngành thuỷ sản với hàng loạt dự án trải dải khắp cả nước, rồi đến các "đại gia" lĩnh vực cao su, phân bón... cũng muốn chia phần.

Lĩnh vực ô tô cũng đã có nhiều tên tuổi bước vào lĩnh vực này như Phương Trang, Thuận Thảo và Trường Hải đã tạo nhiều cơn "sốt nóng" trên thị trường khi sở hữu quỹ đất lớn, chiến lược đầu tư không giống ai chiếm thị phần.

Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) là một ví dụ điển hình, kinh doanh lĩnh vực chính với sản lượng tiêu thụ xe cũng như doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước.

Năm 2015, số lượng xe ô tô hãng này bán ra hơn 80.000 xe, tăng gần gấp đôi năm 2014, doanh thu đạt hơn 2 tỷ USD. Năm 2016 doanh nghiệp này đặt mục tiêu bán hàng đạt hơn 100.000 xe, doanh thu 3 tỷ USD.

Cách đây vài năm, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco đã chính thức thử sức với BĐS, ông đã sang làm Tổng giám đốc Công ty CP BĐS Đại Quang Minh để triển khai đầu tư Khu đô thị Sala tại quận 2 với tổng mức đầu tư lên hàng chục ngàn tỷ đồng.

Trong một lần chia sẻ với báo giới, ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Đại Quang Minh, cho rằng không nên xem BĐS như ngành nghề đẻ trứng vàng, sẽ dẫn đến bong bóng. Những gì thị trường đã trải qua chính là bài học để cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận lại các vấn đề, xử lý để thị trường phát triển lành mạnh.

Theo ông Dương, để xây dựng được giá trị thực cho BĐS điều đầu tiên là không tạo ra nguồn cung lớn hơn khả năng hấp thụ. Singapore đã có kế hoạch mỗi năm cần bao nhiêu và họ điều hành tốt để không bị khủng hoảng thừa. Ở Việt Nam hiện nguồn cung còn lớn. Chính vì triết lý kinh doanh và đầu tư như vậy, ông đã tạo ra một Thủ Thiêm đang được sánh ngang là Phố Đông hay Thượng Hải của Trung Quốc.

Kinh doanh BĐS "chẳng giống ai"

Tuy nhiên, chiến lược đầu tư vào dự án BĐS của ông không giống những "đại gia" khác trên thị trường hiện nay!

“Trong bối cảnh phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức như vậy, ... chúng tôi cũng nhận thấy là muốn thành công thì phải thực hiện đầu tư xây dựng đồng thời và đồng bộ: Các công trình giao thông chính của Thủ Thiêm, các công trình giao thông kết nối với trung tâm hiện hữu của thành phố, cũng như các công trình tiện ích cộng đồng trong Thủ Thiêm; và xây dựng một Khu dân cư đô thị có quy mô đủ lớn…”, ông Trần Bá Dương cho biết.

Với chiến lược đầu tư trên, Đại Quang Minh đã tiến hành đàm phán cùng các nhà thầu mạnh khác để tham gia liên danh thực hiện dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính quanh Thủ Thiêm. Đến thời điểm hiện tại, theo một đại diện của công ty Đại Quang Minh, tiến độ thi công 4 tuyến được này đã đạt trên 80%, dự kiến sẽ cơ bản hoàn thiện vào cuối năm nay để kịp đưa vào thông xe đúng ngày 30/4/2017.

Còn đối với dự án cầu Thủ Thiêm 2, công ty này đang chuẩn bị thi công phần đường dẫn nối cầu thuộc phía Thủ Thiêm, khi nào thành phố bàn giao đất sạch phía nhà mày đóng tàu Ba Son, ông Dương cho biết sẽ gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công.

Với dự án quảng trường trung tâm, công viên bờ sông, khu lâm viên sinh thái, bờ kè có liên hệ mật thiết về kiến trúc, công năng, cũng như có kết nối hạ tầng kỹ thuật đã được giao cho một nhà đầu tư nên việc triển khai quy hoạch, thiết kế và thi công đồng bộ và hoàn thành trong một kế hoạch tổng thể chung nên tránh được những sai sót, tiết kiệm chi phí, và hiệu quả cao.

"Chúng tôi khi tiến hành đầu tư tại Thủ Thiêm, vấn đề quan trọng lớn nhất là phải làm sao không phá vỡ cảnh quan nguyên thuỷ tại đây. Sau khi tái lập mặt bằng thi công những dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BT, chúng tôi sẽ trả lại nguyên vẹn không gian cây xanh, ao hồ đã tồn tại hàng trăm năm ở đây. Trong tương lai, khu lâm viên sinh thái sẽ là một trung tâm du lịch, giải trí và nghiên cứu của TP.HCM, cư dân không phải trả thêm bất kỳ chi phí gì khi được thụ hưởng không gian xanh này", đại diện công ty chia sẻ.

Theo ông Trần Bá Dương, dự án khu đô thị Sala đang được phân kỳ triển khai xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng từng hạng mục, phân khu. Đặc biệt, trong cách bán hàng "không giống ai" của Đại Quang Minh là khách hàng có thể trả lại nhà vào bất kỳ thời điểm nào nếu họ quá khó khăn về tài chính.

Một điểm khác biệt để thu hút lượng lớn khách hàng là doanh nghiệp này không bán nhà đa cấp. Tức là, công ty trực tiếp quảng bá, chào mời và bán thẳng sản phẩm đến tay từng khách hàng, số lượng bán cũng không vượt quá con số 2 cho một khách hàng.

Ông Trần Bá Dương khẳng định: "Muốn tạo ra giá trị thực phải tận tâm, không chỉ hướng đến khách hàng mà hướng đến xã hội, khi hội nhập cạnh tranh với các nền kinh tế, khách hàng và thị trường đóng vai trò quan trọng để xác định và xây dựng, đề cao khách hàng, giúp khách hàng có được sản phẩm như ý".

Cho đến nay, khu đô thị Sala đã hoàn thành nhiều công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật; hoàn thiện các dãy nhà phố thương mại dọc đường Bắc Nam; hoàn thành Khu chung cư 12 tầng với 368 căn hộ chung cư, 46 căn hộ thương mại, 177 căn biệt thự, công viên Sala, khu tiện ích thể dục thể thao… để người dân có thể đến ở từ quý III/2016.

Theo kế hoạch, cuối năm 2016, chủ đầu tư sẽ hoàn thành 1.060 căn hộ, 306 nhà phố thương mại, 213 biệt thự, trường học quốc tế 4 héc-ta; cuối năm 2018 hoàn thành tiếp 2.370 căn hộ, 89 nhà phố thương mại, 21 dinh thự cao cấp, trường học, công viên, hạ tầng kỹ thuật giao thông. Đến năm 2020, Đại Quang Minh cơ bản hoàn thành toàn bộ khu đô thị.

Theo Đăng Khải

Cùng chuyên mục
XEM