Kiếm tiền tỷ mỗi năm nhờ đưa TMĐT vào bán cá kho làng Vũ Đại

18/05/2016 08:57 AM | Kinh doanh

Từ chỗ chỉ bán được vài chục đến một trăm niêu cá một năm, giờ đây doanh số của cơ sở này đã tăng lên cả nghìn lần - một phần nhờ áp dụng thương mại điện tử vào kinh doanh.

Nếu như trước đây nhắc đến làng Vũ Đại, người ta sẽ nghĩ ngay đến bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” của đạo diễn Phạm Văn Khoa, được chuyển thể từ 3 tác phẩm “Sống mòn”, “Chí Phèo” và “Lão Hạc” của cố nhà văn Nam Cao.

Nhưng hiện nay, làng Vũ Đại (tên gọi mới là làng Nhân Hậu) thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam còn được biết đến với món cá kho gia truyền, thơm ngon nức tiếng. Kho cá đã trở thành một nghề giúp nhiều người dân nơi đây kiếm được hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm.

Phóng viên NDH đã có cuộc trò chuyện với anh Trần Bá Nghiệp, chủ cơ sở cá kho làng Vũ Đại Trần Luận – đơn vị tiên phong đưa thương mại điện tử vào kinh doanh để nghe anh chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp thú vị của gia đình mình.

Cá kho vươn khỏi ‘lũy tre làng’ nhờ Thương mại điện tử

Anh Nghiệp cho biết món cá kho ở làng anh đã có rất lâu đời và hầu như mọi gia đình trong làng đều biết kho cá. Tuy nhiên, trước đây người dân chủ yếu làm để ăn hoặc biếu tặng, có bán cũng chỉ với số lượng rất nhỏ.

Năm 2005, khi vẫn còn là học sinh cấp 3, anh Nghiệp góp ý với bố (ông Trần Luận) rằng nếu có số điện thoại cố định để liên lạc thì sẽ thuận lợi hơn cho việc bán hàng. Ý tưởng của anh được bố ủng hộ và gia đình anh Nghiệp trở thành một trong những hộ đầu tiên lắp đặt điện thoại bàn tại làng Vũ Đại.

Tiếp theo, để sản phẩm bán ra có vẻ chuyên nghiệp, gia đình anh tiếp tục chú trọng hơn vào khâu bao bì, đóng gói. Nhờ vậy, doanh số bán hàng ngày càng tăng lên, nhưng vẫn chỉ dừng ở mức vài chục đến một trăm niêu/năm.

Đến năm 2009 - thời điểm bán hàng qua mạng Internet đã khá phổ biến tại Hà Nội, anh Nghiệp – lúc này đang là sinh viên Đại học Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội nảy ra ý tưởng đưa thương mại điện tử vào công việc kinh doanh của gia đình. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện, chàng trai sinh năm 1987 lại phải đối mặt với khó khăn về tiền bạc. Lúc đó, những khái niệm như thương mại điện tử hay website còn quá xa lạ với những người dân quê, vì vậy gia đình ông Trần Luận đã từ chối bỏ vốn đầu tư cho con trai.

Nhưng không vì thế mà anh Nghiệp từ bỏ ý tưởng của mình. Tự nhận là người có ‘máu’ kinh doanh, chàng sinh viên Công nghệ thông tin quyết định dành dụm tiền ăn để mua tên miền và tự tay mình xây dựng trang web. Sau một tháng miệt mài làm việc, cuối cùng website “Cá kho làng Vũ Đại” cũng chính thức ra đời.

“Dù lúc đó không biết điều mình làm có thành công hay không, nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện vì đam mê.”, doanh nhân trẻ chia sẻ.

Sau 5 tháng chờ đợi, anh Nghiệp cũng nhận được đơn hàng đầu tiên. Dịp Tết năm ấy, thông qua website, anh đã bán được 257 niêu cá. Sang năm 2010, doanh số tăng lên 995 niêu/năm, gấp 10 lần số cá mà gia đình anh bán được những năm trước.

Chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố quyết định thành công

Anh Nghiệp cho hay, dù gặp phải không ít khó khăn và bỡ ngỡ trong giai đoạn đầu áp dụng thương mại điện tử, nhưng việc trở thành người tiên phong đã đem đến cho anh nhiều thuận lợi trong quá trình kinh doanh.

“Thời điểm đó cá kho làng Vũ Đại bắt đầu có tiếng và được báo chí nhắc đến khiến nhiều người tò mò muốn dùng thử. Khi họ sử dụng Google để tìm kiếm sản phẩm thì kết quả thường ra trang web của tôi.”, anh Nghiệp nhớ lại.

Từ thành công của anh Nghiệp, một số người dân trong làng đã học tập và làm theo mô hình này. Hàng loạt các trang web bán cá kho Làng Vũ Đại ra đời. Để tránh nhầm lẫn, gia đình anh đã đổi tên thương hiệu thành “Cá kho Trần Luận”, đồng thời sử dụng thêm các hình thức quảng cáo trực tuyến để tăng khả năng tiếp cận khách hàng.

Hiện nay, với 3 xưởng sản xuất, cơ sở cá kho Trần Luận cung ứng khoảng 10.000 niêu cá mỗi năm ra thị trường. Doanh thu hàng năm ước tính khoảng 6 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chiếm 20-30%.

Ngoài công việc chính là nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần, anh Nghiệp vẫn dành thời gian quản lý và phát triển các hoạt động kinh doanh.

Theo anh, thương mại điện tử đã đóng góp không nhỏ vào thành công của cá kho làng Vũ Đại nói chung và cá kho Trần Luận nói riêng, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm.

“Thương mại điện tử mang lại cho bạn những công cụ tiếp cận và làm hài lòng khách hàng nhưng không phải cứ áp dụng thương mại điện tử là sẽ thành công. Nếu sản phẩm của bạn không đủ tốt, khách hàng có thể chỉ đến một lần và không bao giờ quay trở lại”, anh Nghiệp nhấn mạnh.

Theo Linh Lam

Cùng chuyên mục
XEM