Kiếm tiền nhờ dành hàng giờ nhìn những biểu tượng cảm xúc emoji

06/07/2017 09:05 AM | Kinh doanh

Chúng ta dành ra rất nhiều thời gian trong một ngày để online và nhắn tin sử dụng emoji, nhưng rất ít người được trả tiền để làm việc đó. Keith Broni lại là một trường hợp khác, anh kiếm sống nhờ nhìn ngắm những biểu tượng cảm xúc emoji.

Vào tháng 12 năm ngoái, công ty dịch thuật Today Translations ở London đã đăng tuyển “phiên dịch viên emoji”. Tin đăng tuyển này đã xuất hiện trên các mặt báo, một phần do tính mới mẻ của nó và một phần vì công việc đó có vẻ khá thú vị. Ai mà chẳng muốn dành cả ngày để nhìn emoji và kiếm tiền từ việc đó?

Today Translations đã nhận được hơn 500 đơn xin việc, và quá trình phỏng vấn đã kéo dài 5 tháng, và cuối cùng Broni là ứng cử viên chiến thắng. Không có chuyên ngành nào về phiên dịch emoji cả (ít nhất hiện tại thì chưa), nhưng trình độ học vấn của anh có ích cho công việc này.

Người đàn ông Ireland này đã tốt nghiệp trường University College London với tấm bằng Thạc sỹ về tâm lý học kinh doanh. Luận án của anh với tiêu đề chỉ sử dụng emoji đã xem xét cách hành xử của người tiêu dùng có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta nhận thức emoji khi kết hợp với nhiều thương hiệu khác nhau.

Niềm đam mê của Broni đối với emoji – một yêu cầu công việc rõ ràng – mạnh mẽ đến mức anh đã tổ chức cuộc thi Emoji Spelling Bee đầu tiên ở châu Âu, trong đó các thí sinh được cho một khoảng thời gian nhất định để biến một cụm từ thành emoji. Khi Today Translations đăng tải công việc, nhiều bạn bè đã gửi cho Broni thông tin về nó, nhận ra rằng đây là một sự lựa chọn hoàn toàn phù hợp với anh.

Quá trình phỏng vấn bắt đầu với một bài kiểm tra emoji ngắn, yêu cầu người nộp đơn xin việc phải giải mã ý nghĩa của một số tổ hợp emoji, cũng như viết một vài câu chỉ sử dụng emoji. Sau bài kiểm tra này là một cuộc phỏng vấn qua điện thoại và một bài thuyết trình về cuốn cẩm nang tiềm năng hướng dẫn cách sử dụng emoji.


Keith Broni

Keith Broni

Công việc này có vẻ thú vị, nhưng thực ra phức tạp hơn tưởng tượng rất nhiều. Broni giải thích trong một cuộc phỏng vấn với Refinery29: “Thứ khó nhất mà tôi phải dịch là những emoji với ý nghĩa chung chung.”

Mặc dù emoji được coi là một ngôn ngữ phổ quát, nhưng tùy thuộc vào nền văn hóa mà ý nghĩa của chúng có thể rất khác nhau. Lấy ví dụ như biểu tượng ngón tay cái giơ lên. Broni nói: “Nó rất phổ biến ở phương Tây, và là biểu tượng phổ biến trên Facebook, nhưng ở Trung Đông, nó tương đương với một hành vi khiêu khích, giống như việc bạn giơ ngón giữa với ai đó vậy.”

Biểu tượng OK cũng tương tự. Theo Broni, nó có thể rất “gai mắt” ở Mỹ Latin. Kể cả khuôn mặt hạnh phúc cơ bản “??” cũng không “cơ bản” tí nào. Ở Trung Quốc, nó được dùng để truyền tải rằng bạn muốn chấm dứt cuộc đối thoại.

Một yếu tố khiến phiên dịch emoji trở nên phức tạp là loại thiết bị đang được sử dụng để xem chúng. Do những nhà sản xuất điện thoại thông minh như Samsung và Apple được phép thiết kế những bộ emoji của riêng mình, những biểu tượng cảm xúc sẽ hiển thị khác nhau nếu bạn dùng loại máy này để gửi emoji đến một người dùng loại máy kia.

Trên những chiếc điện thoại Samsung, biểu tượng đảo mắt trông có vẻ háo hức hơn một chút, trong khi đó khuôn mặt nhếch mép trông “meh” (không quan tâm) hơn và ít “đong đưa” hơn trên iOS. Đây là lời khuyên dành cho những người khôn ngoan: Bạn có thể muốn cân nhắc lại việc nhắn tin sử dụng emoji sau cuộc hẹn đầu tiên, vì có khả năng rằng sẽ có một vài sự hiểu lầm lớn sẽ xảy ra.

Công việc của Broni là tạo ra một quy ước sử dụng không chỉ để giải thích những ý nghĩa khác nhau của từng emoji trong các nền văn hóa khác nhau, mà còn cả ý nghĩa của dãy emoji đứng cạnh nhau và các biến thể của emoji trên các thiết bị. Đó là một nhiệm vụ vĩ đại và nếu được thực hiện không chính xác, nó sẽ có khả năng kích động sự phẫn nộ của xã hội.

Emoji mới xuất hiện hằng năm đồng nghĩa với việc Broni sẽ phải cập nhật liên tục bản hướng dẫn của anh. Broni nói về việc phát hành Emohi 5.0 sắp ra mắt: “Tôi phấn khích nhất để xem những emoji mới sẽ ảnh hưởng đến xu hướng sử dụng những emoji đã có trước đây như thế nào.” Emoji mới đã xuất hiện trên Twitter, nhưng chúng ta sẽ cần đợi cho đến khi chúng ra mắt trên iPhone vào mùa thu này để hiểu được cách thức sử dụng rộng rãi của chúng.

Dù được sử dụng rộng rãi, nhưng bạn nên tránh sử dụng emoji trong những cuộc trò chuyện nghiêm túc, và áp dụng emoji mặt cười vào các cuộc phỏng vấn trực tiếp của bạn.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM