Kịch bản Việt Nam năm 2045: Kinh tế số sẽ giúp tăng 1,3% GDP hay vẫn chỉ là nước đi gia công phần mềm?

27/04/2019 09:14 AM | Kinh doanh

Bộ Khoa học và Công nghệ đã hợp tác với phía Australia thực hiện một nghiên cứu về tương lai nền kinh tế số của Việt Nam. Theo kịch bản tốt nhất, năm 2045, Việt Nam sẽ thực hiện được kịch bản chuyển đổi số, và nền kinh tế số sẽ góp phần giúp tăng thêm 1,3% GDP. Kết thúc năm 2018, GDP của Việt Nam ở mức xấp xỉ 240 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết Bộ vừa kết thúc nghiên cứu với phía Australia về tương lai nền kinh tế số của Việt Nam.

Theo định nghĩa của các nhà khoa học, kinh tế số là một phần của nền kinh tế, trong đó có các dịch vụ và sản phẩm dựa trên công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông.

Nghiên cứu này đã vẽ ra 3 kịch bản cho nền kinh tế số của Việt Nam.

Theo kịch bản tốt nhất, dự báo đến năm 2045, Việt Nam sẽ thực hiện được kịch bản chuyển đổi số và nền kinh tế số sẽ giúp tăng GDP 1,3%.

Với kịch bản thấp hơn là Xuất khẩu số - chỉ thuần túy làm outsourcing hay gia công phần mềm.

Hoặc với kịch bản Tiêu thụ số, thì kinh tế số chỉ thúc đẩy thêm GDP khoảng 0,4 - 0,5% vào GDP, Thứ trưởng Duy cho biết.

Ông Duy cũng chia sẻ thêm về quy trình đổi mới sáng tạo, mà theo ông, có 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Đầu tư tiền bạc để mua sắm thiết bị, đổi mới dây chuyền sản xuất.

"Nếu không làm việc ấy, với dây chuyền sản xuất cũ, sản phẩm của chúng ta không thể cạnh tranh trên thế giới", ông Duy nói.

- Giai đoạn 2: Hấp thụ công nghệ

Thay vì chỉ mua máy móc, thì giờ phải mua công nghệ về, biến thành dây chuyền sản xuất và cải tiến đi, từ cái tiến ấy biến thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

- Giai đoạn 3: Khi không ai bán công nghệ cho chúng ta nữa, bắt buộc chúng ta phải tự sáng tạo ra công nghệ.

"Ba giai đoạn đấy, mỗi một doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp vừa và nhỏ hay doanh nghiệp đầu tàu, hay doanh nghiệp khoa học công nghệ, hay doanh nghiệp trong một lĩnh vực bất kỳ như sản xuất nông nghiệp hay lĩnh vực chế tạo… đều phải chọn lựa quy trình hợp lý cho quy trình đổi mới sáng tạo của mình", Thứ trưởng Duy nói.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM