img
Là một bác sĩ chuyên điều trị ung thư và viêm gan siêu vi, Thượng tá, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê (Bệnh viện Quân y 103, giảng viên Học viện Quân y) bất ngờ phát hiện chính mình phải đối mặt với “căn bệnh tử thần” này ở tuổi 38, khi đang chuẩn bị lên hàm Thượng tá, bảo vệ luận án Tiến sĩ và vừa đón đứa con thứ hai chào đời được 4 tháng.

Cuộc chiến bền bỉ và quyết liệt với căn bệnh ung thư gan của anh Lê bắt đầu đầy bất ngờ. Trong một lần đưa bệnh nhân đi siêu âm vào tháng 3 năm 2008, bác sĩ siêu âm gợi ý anh Lê cũng nên thử siêu âm luôn vì “cũng lâu rồi cậu không kiểm tra sức khỏe”. Cả hai dường như không tin vào mắt mình khi trên màn hình xuất hiện một khối u mờ, nhỏ, kích thước khoảng gần 2 cm nằm trong gan của anh.

“Tôi quyết định ra Bệnh viện Hữu nghị và viện K để thăm khám lại một lần nữa và hy vọng mọi chuyện chưa đến nỗi nghiêm trọng như kết quả kia phản ánh. Nhưng lại một lần nữa tôi sốc vì các bác sĩ tại đây xác định, chắc chắn có khối u 2 cm ở gan và chỉ số ung thư gan tăng cao” , bác sĩ Lê nhớ lại cảm giác bàng hoàng ngày ấy.

38 tuổi với một người làm các nghề khác thì có lẽ đang là thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp nhưng với một bác sĩ, đó mới là thời điểm cơ bản hoàn thành việc tích lũy kiến thức và sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp. Anh Lê khi đó đang chuẩn bị bảo vệ luận án Thạc sĩ, tạm khép lại hành trình học vấn để dành toàn thời gian cho công việc khám chữa bệnh.

Bác sĩ Lê ra trường và công tác tại viện từ năm 1992. Những năm tháng miệt mài, tận tình cứu chữa cho các bệnh nhân có thể khiến anh bị lây nhiễm virus gan B. Phát hiện khối u, mắc bệnh viêm gan B trước đó, cộng với chỉ số ung thư ngày càng tăng cao, anh tự xác định mình đã bị ung thư gan nguyên phát.

Với kinh nghiệm và kiến thức trong nghề, anh Lê biết rằng ung thư gan là loại ung thư ác tính hơn những căn bệnh ung thư khác. Thường thì bệnh nhân ung thư gan chỉ có thể sống 3-6 tháng, lâu hơn là 1-3 năm. Qua 3 năm, bệnh nhân mắc ung thư gan mà sống sót được thì quả là chuyện hiếm hoi. Bản thân anh cũng chưa từng biết ai có thể sống sót vì mắc ung thư gan quá 3-5 năm.

Chính vì vậy, chuỗi ngày sau đó thật khủng khiếp với anh. “Tôi cảm thấy như mình đã lãnh án tử hình, gần như tuyệt vọng hoàn toàn, thấy mình gần như đã chết rồi” . Cuộc sống dường như đóng lại trước mắt, chàng bác sĩ trẻ không biết phải làm gì. Chiến đấu hay buông xuôi? Chiến đấu thì chiến đấu kiểu gì? Vì xét cho cùng anh chưa biết ai từng chiến thắng được bệnh ung thư gan.

Biết rằng các biện pháp điều trị đang áp dụng chỉ có tác dụng kéo dài thời gian nhưng lại làm suy giảm chất lượng cuộc sống đồng thời chi phí tốn kém, anh Lê rơi vào trạng thái rối loạn tâm lý, bế tắc trước hai lựa chọn: Hoặc là tiến hành điều trị, hoặc là cứ sống bình thường như vậy cho đến khi ra đi.

“Cơ thể tôi khi ấy vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, hoạt động bình thường. Tôi nghĩ, nếu tiến hành điều trị (phẫu thuật, hóa chất, tia...) thì sẽ khó mà khỏe lại bình thường, nếu không ổn thì có thể sẽ mãi yếu như vậy cho đến khi xuống mồ. Còn nếu không tiến hành điều trị thì vẫn có thể khỏe mạnh cho đến khi ra đi. Tôi cũng suy nghĩ trăn trở mãi sau đó quyết định chọn cách không tiến hành điều trị, để được khỏe mạnh, để làm nốt những việc cần thiết, lo cho bố mẹ, vợ con trước khi ra đi”, bác sĩ Lê bồi hồi nhớ lại.

Quyết định như vậy nên anh cũng giấu chuyện mình mắc ung thư gan với tất cả mọi người, kể cả vợ con, bố mẹ, anh em đồng nghiệp… Nếu biết, chắc chắn mọi người sẽ bắt anh đi điều trị. Nhưng vì lo lắng rủi ro, vì muốn sống thêm một thời gian để có thể làm được những điều mình mong muốn cuối cùng cho những người thân yêu nhất nên anh Lê quyết định âm thầm chịu đựng, giấu tất cả mọi người.

Đây thực sự là khoảng thời gian khổ sở nhất trong cuộc đời anh. Anh ngấm ngầm sắp xếp mọi việc cho bố mẹ già, chu toàn mọi thứ cho vợ con. Anh vẫn nhiệt tình đi công tác, vui vẻ đi dạy, điều trị, huấn luyện học viên… rồi lặng lẽ một mình đi thăm khám bệnh tình. Một lần, anh nhờ bác sĩ chuyên khoa ung thư đi cùng chuyến công tác xem hộ phim chụp, nói dối đó là của bệnh nhân. Bác sĩ này lắc đầu nhận định: “Chắc chỉ sống được vài tuần nữa là khối u này lan ra khắp gan thì toi” . Anh Lê chết lặng. Anh chỉ còn sống được vài tuần nữa ư? Cha mẹ anh sẽ ra sao? Vợ con anh sẽ thế nào? Đứa con nhỏ mới có 4 tháng tuổi. Rồi vào chính thời khắc ấy, anh lại ham muốn được sống hơn bao giờ hết. Và anh bắt đầu đứng dậy chiến đấu với số phận.

Trong gần 3 tháng kế tiếp, anh theo dõi định kỳ hàng tuần, bắt đầu đi sâu vào tìm hiểu ung thư gan qua các tài liệu nước ngoài và phát hiện một điều đặc biệt: Ung thư có hai thể diễn biến khác biệt. Một là thể (rất) ác tính, có diễn biến rất nhanh, dù điều trị như thế nào cũng vẫn ra đi trong thời gian ngắn. Hai là thể tiến triển chậm, điều trị tốt thì cơ hội sống cho bệnh nhân có thể kéo dài thêm vài năm.

Đến tháng thứ 3 vẫn thấy mình khỏe mạnh, khối u lúc này đã gần 3-4cm, bác sĩ Lê nhận định rõ ràng mình ở thể tiến triển chậm. Anh quyết định điều trị để có thể sống thêm vài năm nữa. Lúc này, anh mới nói cho mọi người biết. Gia đình, bạn bè, người thân, vừa bàng hoàng, đau xót, vừa lo lắng giận dữ tại sao anh lại có thể giấu bệnh tình, một mình chịu đựng.

May mắn lớn nhất, theo bác sĩ Lê là được GS.TS. Trịnh Hồng Sơn (hiện là Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) - bác sĩ phẫu thuật số 1 Việt Nam về tiêu hóa trực tiếp phẫu thuật cắt bỏ khối u mổ.

Dù vậy phẫu thuật vẫn có nguy cơ thất bại, thậm chí anh có thể tử vong ngay trên bàn mổ. May mắn thay ca mổ đã thành công. Chỉ sau 1 tháng kể từ ngày lên bàn mổ, anh Lê đã hồi phục sức khỏe.

Không để bản thân sống thêm một giây phút nào lãng phí, ngay sau đó, anh xin đơn vị sang Mỹ để kiểm tra lại bệnh và tìm những loại thuốc tốt nhất để chữa trị vì anh đã từng học và làm việc bên đó. Cũng trong thời gian này, anh bắt đầu nghiên cứu sâu về ung thư. Anh làm việc miệt mài. Anh lo sợ sẽ không còn thời gian, sẽ không kịp cứu được mình. Anh kể, chưa bao giờ mình khát khao sống mãnh liệt đến thế, thấy mình vẫn còn nợ đời, nợ người mà chưa làm gì báo đáp. Và với tư cách một bác sĩ điều trị ung thư gan, việc anh tìm hiếm, giành giật cơ hội sống cho chính mình cũng là kiếm tìm hy vọng cho bao nhiêu bệnh nhân khác. Trở về Việt Nam, anh đã áp dụng những gì mình trải nghiệm, nghiên cứu cũng như học hỏi được, và sức khỏe anh tiến triển rõ rệt từng ngày.

“Tôi đã tìm đến những phương pháp điều trị hiện đại nhất, mới nhất mà nhiều người chưa biết, chưa tin tưởng, nhưng thực ra, những phương pháp điều trị ấy lại rất cơ bản trong chữa trị ung thư. Tôi hoàn toàn không sử dụng các biện pháp hóa chất, tia xạ... mà chỉ tập trung vào bốn mục tiêu chính” , bác sĩ Lê chia sẻ.

Bốn mục tiêu này được tiến hành đồng thời, liên tục. Trong quá trình điều trị bệnh, bác sĩ Lê thường xuyên kiểm tra chỉ số ung thư, xét nghiệm, chụp chiếu, tình trạng bệnh của mình. Và rồi điều kỳ diệu cũng đã đến. May mắn đã mỉm cười với vị bác sĩ có tài và khát khao sống vô cùng mạnh mẽ này. Tất cả các chỉ số trở lại bình thường. Điều ấy không chỉ đem lại niềm vui cho anh, cho người thân mà còn đông đảo bạn bè trong và ngoài nước đã sát cánh bên anh trong quá trình điều trị. Bên cạnh niềm vui, niềm hạnh phúc ấy là sự kinh ngạc của mọi người bởi để chữa khỏi ung thư gan là chuyện xưa nay hiếm.

“Điều mà tôi tâm đắc nhất là mình đã lựa chọn phương pháp điều trị đúng vì hiện nay việc điều trị ung thư rất lộn xộn, thậm chí có tính cực đoan. Do đó, việc lựa chọn phương pháp điều trị đúng cho mình là điều quan trọng nhất, vừa khoa học lại không quá tốn kém và không quá ảnh hưởng sức khỏe” , bác sĩ Lê chia sẻ.

Điểm khác biệt duy nhất giữa bác sĩ Nguyễn Lê và nhiều bệnh nhân ung thư khác là vấn đề anh có chuyên môn: Hiểu biết về bệnh tật và lựa chọn phương pháp điều trị đúng. Với cương vị là một bác sĩ, anh có thể tự chủ nắm được bệnh lý, biết sẽ phải bắt đầu từ đâu để tìm cách cứu mình. Do đó, với những bệnh nhân ung thư gan hay những người mắc ung thư nói chung không nắm rõ chuyên môn thì điều quan trọng nhất là cần đến gặp những bác sĩ có chuyên môn sâu để hướng dẫn và có được những biện pháp chữa trị đúng đắn nhất.

Bệnh nhân cần tìm đến những phương pháp phù hợp, lắng nghe những chia sẻ của người từng trải qua để chủ động tiến hành điều trị.

Đặc biệt, bệnh nhân ung thư không nên nghe theo những lời truyền miệng, lời mách, chữa ung thư theo cách này hay cách kia. Thực tế, những mẹo chữa bệnh có khi chỉ phù hợp với cơ địa từng người chứ chưa chắc đã hợp với mình nên mọi người cần chú ý lắng nghe có chọn lọc, tránh để tiền mất tật mang.

“Trong bốn mục tiêu điều trị, mục tiêu thứ tư là quan trọng nhất, quyết định đến 70% cơ hội thành công trong việc điều trị ung thư. Mục tiêu này phụ thuộc chủ yếu vào bản thân mình, vì thế bệnh nhân ung thư đừng quên điều quan trọng nhất chính là không ai cứu được mình, ngoại trừ bản thân chúng ta” , bác sĩ Nguyễn Lê nói.

Bệnh nhân ung thư chỉ có thể vượt qua được nếu thực sự muốn sống, có nghị lực sống mãnh liệt. Động lực sống của bác sĩ Lê lúc đó chính là bố mẹ anh - đều trên 80 tuổi và chỉ có mình anh bên cạnh và hai người con trong đó bé trai thứ hai mới 4 tháng tuổi.

“Giờ đây tôi lại thấy, mình bị mắc bệnh ung thư gan có khi lại là điều may mắn. Bởi chính “bản án” ấy đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Cũng giống như những người khác, trước đây tôi luôn theo đuổi những điều có thể nói là phù du, vô nghĩa như danh vọng, địa vị, tiền tài.... Phải cho đến khi ở ranh giới của sự sống và cái chết, tôi mới nhận ra đâu là hạnh phúc, là thành công, là niềm vui thực sự và tận hưởng nó. Đó là những thứ rất đơn giản, bình thường ở quanh ta: Gia đình, vợ con, anh em, bạn bè... Và giờ, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc” , bác sĩ Lê tâm sự.

Sau khi chiến thắng bệnh tật, bác sĩ Lê đã trau dồi kiến thức về điều trị ung thư, chữa trị cho hàng trăm bệnh nhân ung thư và nâng cao chất lượng sống, thời gian sống cho bệnh nhâm. Đặc biệt các biện pháp chữa trị của anh đảm bảo duy trì chất lượng cuộc sống cao hơn hẳn những biện pháp điều trị ung thư mạnh đang được áp dụng phổ biến.

Trí Thức Trẻ