Khuyến mãi "sốc" 5.000đ/cuốc xe ôm của Go-Viet khi gia nhập thị trường Việt Nam: Grab có sợ hãi, các startup gọi xe Việt sẽ càng bị ép sân?

10/08/2018 15:11 PM | Kinh doanh

Cụ thể, trong vòng bán kính 8 km từ điểm đón xe đến điểm đến, khách hàng phải trả 5.000 đồng khi đặt xe qua ứng dụng Go-Viet. Mức giá này hoàn toàn đủ hấp dẫn để thu hút khách hàng khi vì còn thấp hơn giá xe buýt hay giá giữ xe ở trung tâm quận 1.

5000đ/chuyến xe ôm dưới 8km – rẻ hơn vé xe buýt hay giá giữ xe Quận 1

Trên thực tế, mức khuyến mãi này của Go Việt đã thu hút được sự chú ý nhất định của khách hàng và tài xế.

"Đi từ Nguyễn Thái Bình Quận 1 qua Vạn Kiếp Bình Thạnh mất có 5k. Khoái quá," một độc giả bình luận.

Khuyến mãi sốc 5.000đ/cuốc xe ôm của Go-Viet khi gia nhập thị trường Việt Nam: Grab có sợ hãi, các startup gọi xe Việt sẽ càng bị ép sân? - Ảnh 1.

Một comment trên mạng xã hội

Chị Phương Nguyễn ngụ tại quận Gò Vấp (TPHCM) nhận xét về ứng dụng mới xuất hiện này: "Thấy rẻ, dịch vụ okie, app nhanh." Chị cho hay đã đi Go-Viet khoảng 10 lần và từ khi Go-Viet khuyến mãi 5k/chuyến thì chị chuyển từ Grab sang ứng dụng này.

"Giảm giá 5% thì không ăn thua nhưng giảm giá một nửa thì chắc chắn có thể thay đổi."

Trong một chương trình Talkshow của CafeBiz cách đây vài tháng, khi nói về chiến lược giảm giá để thu hút khách hàng khi thị trường đang chiếm lĩnh bởi một cái tên lớn, Shark Phú từng chia sẻ: "Giảm giá 5% thì không ăn thua nhưng giảm giá một nửa thì chắc chắn có thể thay đổi."

Theo Shark Phú minh họa, khi Sunhouse tung ra sản phẩm bình lọc nước, lúc đó thương hiệu Korea King đã phủ hết thị trường. Sản phẩm của Sunhouse và Korean King tuy hoàn toàn giống nhau nhưng Sunhouse vẫn không bán được do cái bóng của Korea King quá lớn.

Khi đó, Shark Phú quyết định giảm giá xuống một nửa so với mức giá của Korea King bằng cách tung khuyến mãi mua 1 tặng 1. Và vì giá rẻ đến mức "sốc" như thế người mua đã bắt đầu thay đổi thói quen của họ.

Trở lại thị trường đặt xe công nghệ, từ khi Uber bán lại mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab vào tháng 4, công ty này gần như đã trở thành kẻ thống lĩnh thị trường Việt Nam. 

Những cái tên Việt như VATO, T.NET hay ABER đến nay chưa để lại dấu ấn chưa thể là một sự lựa chọn ngang tầm với Grab. Các chương trình khuyến mãi ban đầu chưa đủ hấp dẫn và dài hơi để lôi kéo một lượng lớn khách hàng cũng như tài xế. 

Theo phản hồi, các tài xế công nghệ thường nhận được ít cuốc xe từ VATO hay T.NET nên chỉ cài những ứng dụng của startup Việt như một lựa chọn thêm bên cạnh Grab. Vì số lượng xe còn hạn chế nên khách hàng cũng khó tìm thấy tài xế hoặc thường xuyên phải chờ đợi lâu mới bắt được xe qua các ứng dụng trên. 

Tuy nhiên, với những gì Go-Viet đang làm, Grab chắc chắn cần phải vô cùng thận trọng với người "đồng hương" Đông Nam Á này. Cả hai đều quá hiểu nhau và quá hiểu thị trường, khác với người xa xứ Uber.

Đối với các startup Việt tham gia vào thị trường như VATO, T.NET hay ABER trong thời gian vừa qua, đây sẽ là một báo động đỏ mới. Bởi cũng như Grab, Go-Viet có hậu thuẫn rất lớn về mặt tài chính lẫn công nghệ, và sự hiểu biết địa phương các quốc gia Đông Nam Á. Sức ép thị trường đối với những startup chưa chuẩn bị đủ nguồn lực tài chính, nhân sự và công nghệ sẽ lớn hơn nữa.

Startup Việt khó chen chân

Không những chi khuyến mãi đậm để thu hút khách hàng, Go-Viet còn có những chính sách để lôi kéo tài xế. Ngoài phát miễn phí đồng phục, mũ bảo hiểm (giống Grab những ngày đầu), công ty này còn hỗ trợ thêm phí cho tài xế cho mỗi chuyến.

Vì thế, dù khách hàng chuyến xe khách hàng chỉ trả 5.000 đồng nhưng tài xế vẫn nhận được toàn bộ tiền cước phí.

"Vài ngày nay mỗi ngày tôi cũng kiếm được khoảng 500.000 nghìn đồng. Mỗi chuyến giá 5.000 đồng, công ty (Go-Viet - PV) trả thêm 25.000 đồng. Như vậy là mỗi chuyến cũng được 30.000 đồng, kể cả chuyến dài, chuyến ngắn," một tài xế Go-Viet tại TPHCM cho biết.

Trước đó, Go-Jek (startup của Indonesia, được định giá 5 tỷ đô và là cái tên hậu thuẫn cho Go-Viet) cho hay sẽ đầu tư 500 triệu USD để gia nhập thị trường Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines. 

Với thế mạnh về tiềm lực tài chính, doanh nghiệp từ nước ngoài mang tên Go-Viet này đủ khả năng để giảm giá mạnh và sâu, hấp dẫn lượng lớn khách hàng và tài xế thời điểm ban đầu, nhằm đấu lại Grab - kẻ thống lĩnh thị trường hiện tại, và đồng thời có thể khiến các startup Việt khác... ra rìa.

Khuyến mãi sốc 5.000đ/cuốc xe ôm của Go-Viet khi gia nhập thị trường Việt Nam: Grab có sợ hãi, các startup gọi xe Việt sẽ càng bị ép sân? - Ảnh 3.

Trước đó, chia sẻ với chúng tôi, anh Phan Bá Mạnh – CEO An Vui từng nhận định: "Cuộc chiến gọi xe trước mắt vẫn sẽ là cạnh tranh về giá."

Tình hình trước mắt có thể thấy, thị trường gọi xe màu mỡ tại Việt Nam rất có thể sẽ là cuộc đua giảm giá, tăng ưu đãi của các cái tên nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh mẽ như Grab hay Go-Viet. 

Nữa là, không chỉ "có nhiều tiền," startup nước ngoài còn rất khôn ngoan về chiến lược. Nadiem Makarim, đồng sáng lập và CEO Go-Jek từng cho biết hoạt động của công ty tại các thị trường mới như Việt Nam và Thái Lan sẽ được vận hành bởi đội ngũ sáng lập tại địa phương.

Hồi tháng 6, Nadiem Makarim từng tuyên bố rằng chiến lược của Go-Jek là sự kết hợp công nghệ với hiểu biết sâu sắc về thị trường bản địa cùng chuyên môn của đội ngũ tại nước sở tại, để tạo nên một doanh nghiệp địa phương thật sự thấu hiểu khách hàng.

Go-Viet - ứng dụng công nghệ đa dịch vụ được hậu thuận bởi Go-Jek vừa thông báo sẽ chính thức ra App và cung cấp dịch vụ kết nối đặt xe hai bánh Go-Bike và giao hàng Go-Send tại các Quận nội thành ở TPHCM từ 1/8/2018.

Trước đó, Go-Viet công bố thử nghiệm bằng một đội ngũ lái xe nhỏ từ ngày 18/7 và dự định ra mắt chính thức vào tháng 9/2018.

Thảo Thảo

Cùng chuyên mục
XEM