Lạm phát hàng chục nghìn % mỗi tháng nhưng người Venezuela vẫn sống sót: Hàng triệu con người khốn khổ đang dạy cho cả thế giới bài học về đầu tư, trao đổi hàng hoá tiền tệ 'siêu đẳng' hơn cả chuyên gia kinh tế

26/07/2018 09:41 AM | Xã hội

Khi khủng hoảng xảy ra tại Venezuela với hàng chục nghìn phần trăm lạm phát mỗi tháng, những nhu yếu phẩm không đáng tiền trong mắt các chuyên gia tài chính này lại trở thành tài sản có giá trị nhất.

Mới đây, báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy lạm phát tại Venezuela có thể lên đến 1 triệu phần trăm, mức cao kỷ lục trên toàn cầu. Mặc dù xét theo khía cạnh kinh tế, Venezuela đang chìm trong khủng hoảng nhưng người dân nước này vẫn sống sót sau chuỗi ngày dài lạm phát tăng phi mã.

Phải chăng, đã đến lúc người dân thế giới nhìn nhận lại cách mà người Venezuela đương đầu với khủng hoảng thay vì than vãn cho sự nghèo khổ của họ?

Đừng quá tin chuyên gia

Nếu bạn đến hỏi bất kỳ chuyên gia tài chính nào về việc đa dạng hóa đầu tư, chắc chắn thị trường chứng khoán sẽ được nhắc tới, trong khi các mặt hàng như trứng, sữa thì chỉ đáng giá nhu yếu phẩm không đáng nhắc tới.

Trớ trêu thay, khi khủng hoảng xảy ra tại Venezuela với hàng chục nghìn phần trăm lạm phát mỗi tháng, những nhu yếu phẩm không đáng tiền trong mắt các chuyên gia tài chính này lại trở thành tài sản có giá trị nhất.

Câu trả lời ở đây đã vô cùng rõ ràng. Trong thời kỳ nhạy cảm với khả năng khủng hoảng cao, các nhà đầu tư và doanh nghiệp nên để tiền ở những nơi mà lạm phát khó lòng tác động. Tại Venezuela, nhiều chuyên gia thậm chí đã ví von thị trường này có "nền kinh tế trứng" (Egg Economy) bởi người dân giờ đây thích trao đổi hàng hóa bằng trứng hơn là tiền mặt.

Lạm phát hàng chục nghìn % mỗi tháng nhưng người Venezuela vẫn sống sót: Hàng triệu con người khốn khổ đang dạy cho cả thế giới bài học về đầu tư, trao đổi hàng hoá tiền tệ siêu đẳng hơn cả chuyên gia kinh tế - Ảnh 1.

Nguyên nhân rất đơn giản, việc mang một ổ 12 quả trứng dễ dàng hơn vác hàng kg tiền mặt do mất giá. Hơn nữa mặt hàng thực phẩm chứa nhiều protein, có thể để lâu như trứng cũng rất được ưa chuộng tại nền kinh tế đang thiếu hụt thực phẩm nghiêm trọng này.

Một bài học nữa mà người Venezuela dạy cho cả thế giới là khủng hoảng có thể đến bất kỳ lúc nào và những quyết định tưởng như hợp lý thời bình sẽ chẳng còn tác dụng, bởi vậy không nên giữ tiền mặt quá lâu mà hãy luân chuyển chúng nhanh nhất có thể. Việc đầu tư hoặc giữ chúng trong những tài sản cố định như xe hơi, bất động sản, vàng bạc, tác phẩm nghệ thuật… chẳng đem lại nhiều tác dụng khi khủng hoảng bùng phát.

Tất nhiên những tài sản như xe hơi, bất động sản vẫn còn giá trị, thậm chí vẫn có lời nếu khủng hoảng nhẹ. Tuy nhiên ở Venezuela, khi người dân phải rời bỏ quê hương vì quá đói kém, thiếu lương thực, dược phẩm thì giá trị của xe hơi, nhà cửa cũng mất theo.

Tất nhiên, phải nói rằng những người Venezuela đã được chuẩn bị trước cho các cuộc khủng hoảng khi nền kinh tế này từng chịu cảnh siêu lạm phát vào thập niên 1980 và 1990. Việc nền kinh tế thường xuyên rung động trước các biến cố địa chính trị khiến người dân biết phải làm gì khi tiền mất giá.

Đây là lý do khiến rất nhiều tầng lớp trung lưu gửi tiền bằng USD tại các tài khoản ngân hàng nước ngoài. Khi khủng hoảng xảy ra, khó khăn duy nhất mà những người có tiền vốn tại nước ngoài gặp phải là sự giới hạn thanh khoản của chính phủ. Điều này có thể là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người trung lưu Venezuela rời bỏ quê hương bởi họ khó lòng sử dụng nguồn tiền dự trữ của mình nếu vẫn ở trong nước.

Luôn phòng bị rủi ro

Nghiên cứu của chuyên gia Steve Hanke thuộc trường đại học Hopkins University cho thấy từ thập niên 1790 đến nay, khủng hoảng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và với mọi loại nguyên nhân. Thông thường, sự yếu kém của hệ thống tài chính công sẽ dễ gây khủng hoảng nhất. Bởi vậy người dân và nhà đầu tư luôn nên dự phòng cho những tình huống xấu nhất như người Venezuela đã và đang làm.

Lạm phát hàng chục nghìn % mỗi tháng nhưng người Venezuela vẫn sống sót: Hàng triệu con người khốn khổ đang dạy cho cả thế giới bài học về đầu tư, trao đổi hàng hoá tiền tệ siêu đẳng hơn cả chuyên gia kinh tế - Ảnh 2.

Tình trạng siêu lạm phát tại Venezuela tạo nền một môi trường nghiên cứu kinh tế khá thú vị. Trong điều kiện bình thường, bất cứ khoản đầu tư, rủi ro hay hoạt động kinh tế nào dài hạn cũng tính bằng năm. Tuy nhiên với mức lạm phát phi mã như Venezuela, thời gian chỉ tính bằng tuần, thậm chí bằng ngày bởi giá tiền thay đổi vô cùng nhanh chóng. Với điều kiện như vậy, việc để tiền đứng yên là điều điên rồ và tất cả các khoản đầu tư dài hạn đều sẽ biến thành ngắn hạn.

Một nghiên cứu của các chuyên gia Cristian Badarinza, John Campbell và Tarun Ramadorai cho thấy người giàu chịu ít tác động từ khủng hoảng kinh tế hơn không phải chỉ bởi họ có nhiều tiền mà do cách họ đầu tư. Tầng lớp giàu có thường đa dạng hóa danh mục đầu tư, vạy nợ thêm khi có thể để tận dụng vốn và liên tục đảo nợ nếu lãi suất thay đổi.

Nói một cách đơn giản, ngoài những khoản đầu tư dài hạn thông thường, người giàu luôn luân chuyển tiền và đầu tư ngắn hạn. Ngay cả khi không đầu cơ ngắn hạn, họ cũng bỏ tiền vào rất nhiều kênh và vô hình chung gián tiếp tạo thành lớp lá chắn trước các cuộc khủng hoảng.

AB

Cùng chuyên mục
XEM