Không tìm đọc ngôn tình, người trẻ tìm gì để giải trí?

29/09/2016 19:55 PM | Sống

"Không tìm đọc ngôn tình thì người trẻ họ khá khó khăn khi tìm cái để thỏa mãn nhu cầu giải trí…", nhà thơ Nguyễn Nhật Huy.

Tại buổi toạ đàm về Văn học trẻ - Nhập cuộc và sáng tạo diễn ra ngày 29/9, nhiều nhà văn trẻ đã nêu những xu hướng của viết văn của người trẻ, xu hướng khai thác chiều sâu cá nhân hay xu hướng viết văn phục vụ đại chúng,...

Nhà thơ Nguyễn Nhật Huy (Đại học sư phạm Thái Nguyên) chia sẻ, lẽ ra ông sẽ phải ngồi ở toạ đàm "Thơ trẻ - truyền thống và cách tân" nhưng vì quan tâm tới thị trường văn học nên đã ngồi tại toạ đàm này để nêu những ý kiến trăn trở của mình về nền văn học giải trí của Việt Nam.

Văn chương thị trường, giải trí là thấp kém, dễ dãi?

Trong những năm gần đây, thị trường sách nước ta bị tấn công 'ồ ạt' bởi văn chương ngôn tình Trung Quốc. Lứa tuổi 'tiêu thụ' loại sách này lại chủ yếu là thanh thiếu niên - độ tuổi đông đảo nhất của dân số Việt Nam hiện nay. Trước sự lan tràn của sách ngôn tình, nhiều cơ quan báo đài đã lên tiếng báo động: 'Những câu chuyện đẫm nước mắt trong các tác phẩm ngôn tình từ Trung Quốc tràn vào nước ta, khiến một bộ phận giới trẻ tốn thời gian, tiền bạc, mơ mộng hão huyền, lãng quên cuộc sống hiện tại...'. Nhưng nếu nhìn một cách lâu dài hơn thì có lẽ tự thân văn học Việt Nam phải tạo ra sức đề kháng để có thể tồn tại. Sức đề kháng này có lẽ nằm chính ở mảng văn học giải trí.


Không tìm đọc ngôn tình thì người trẻ họ khá khó khăn khi tìm cái để thỏa mãn nhu cầu giải trí.

Không tìm đọc ngôn tình thì người trẻ họ khá khó khăn khi tìm cái để thỏa mãn nhu cầu giải trí.

Có thể nói, chức năng giải trí của văn học Việt Nam bị đối xử khá bất công trong lịch sử. Từ thời Trung đại, văn chương vốn được xem là phải “tải đạo”, “quán đạo”… tức là văn học chủ yếu để giáo dục, nhận thức chứ không mấy ai nhắc đên tiêu khiển. Chỉ một số ít nhà văn, nhà thơ có đả động qua nó: “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh” (Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Tính giải trí chủ yếu tồn tại trong dân gian như “Trạng Quỳnh”, “Trạng Lợn”… nhưng dòng văn học này luôn bị xem là thứ không chính thống.

Sang đầu thế ki XX, thị trường sách Việt Nam cũng nổi lên một số cây bút quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu giải trí của bạn đọc. Văn học giai đoạn này khá phong phú với các thể loại truyện đường rừng của Lan Khai, truyện thiếu nhi của Tô Hoài…

Từ năm 1945 đến 1975, trong hoàn cảnh chiến tranh, mảng văn học giải trí Việt Nam gần như biến mất ở miền Bắc là điều dễ hiểu, nhưng cho đến tận hôm nay, văn học giải trí nước ta vẫn không sao “cất cánh” lên được. Nó vẫn “ì ạch” để rồi bị truyện giả tưởng Mỹ, manga Nhật Bản, ngôn tình Trung Quốc lấn át… Phải chăng người Việt nghiêm túc quá mà không cần nhu cầu giải trí?

Nếu làm một khảo sát đơn giản ở thế hệ trẻ hiện nay, chúng ta có thể dự đoán họ rất ít biết đến các nhà văn đương đại ở Việt Nam nhưng lại thuộc tên rất nhiều tập truyện ngôn tình Trung Quốc.

Nhưng không tìm đọc ngôn tình thì người trẻ họ khá khó khăn khi tìm cái để thỏa mãn nhu cầu giải trí? Sau hai cuộc chiến tranh kéo dài nửa thế kỷ, con người phải căng ra với ngôn ngữ chính trị, ngôn ngữ nhà binh thì họ rất cần được thỏa mãn phần tự nhiên. Họ cần được cười, được đáp ứng về giấc mơ, về những tình cảm ngọt ngào, trí tưởng tượng bay bổng…

Trong khi đó, văn học Việt Nam vẫn mang nặng tâm lí coi văn chương thị trường và chức năng giải trí là cái gì thấp kém, dễ dãi. Trong khi đó, ở Nhật Bản hay Trung Quốc, họ có một nền công nghiệp khổng lồ từ khảo sát thị trường, sáng tác, phát hành… để đáp ứng nhu cầu hết sức chính đáng đó. Chẳng hạn như Manga Nhật Bản, chúng ta cũng có thể thấy sức mạnh to lớn của văn học giải trí như thế nào.

Với con số 2,26 tỉ ấn bản mỗi năm (trung bình 17 quyển/người), chiếm trung bình 40% tổng số ấn bản sách báo, tạp chí, Manga đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho thị trường xuất bản ở Nhật Bản. Theo số liệu thống kê năm 2006 của The Research Institute for Publications, doanh thu từ ngành công nghiệp xuất bản Manga là 481 tỉ yên (Trung bình mỗi người Nhật bỏ ra 3.777 yên/năm - tương đương 30 USD - để mua Manga).

Thông qua các loại truyện giải trí, có thể nói một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc… đều thành công với việc truyền bá văn hóa của họ ra nước ngoài. Và Việt Nam trước các làn sóng ồ ạt ấy chỉ miễn cưỡng có một vài nhà văn có thể trụ được với thị trường sách. Thực tế, nước ta cũng đã có một số cây bút 'ôm mộng' tấn công vào mảng văn học này, trước đây có các tiểu thuyết kiếm hiệp Việt Nam và hiện nay trên các trang mạng, chúng ta có thể thấy xuất hiện các truyện ma, ngôn tình, trình thám Việt… Tuy vậy, hầu hết những trường hợp đó mới chỉ dừng ở mức độ 'bản sao'. Và trong thị trường sách như hiện nay, các tác giả đó khó có thể cạnh tranh được với Tây Tầu để rồi phải 'gác bút'.

"Kháng thể" cho văn học

Đối diện với nguy cơ xâm lấn văn hóa, đánh mất thị trường sách hiện nay, có lẽ văn học Việt trước hết cần thay đổi cái nhìn với dòng nghệ thuật này. Văn chương cũng như món ăn, mỗi người một khẩu vị. Bên cạnh dòng văn chương bác học, người đọc cũng rất cần được đáp ứng nhu cầu giải trí chính đáng. Và chính trong lĩnh vực giải trí, chúng ta có điều kiện và cơ hội tạo nên 'kháng thể' cho văn học nước nhà. Bên cạnh việc cảnh tỉnh tư duy, xã hội cũng cần khuyến khích các tác giả có khả năng đi sâu vào lĩnh vực này.

Chúng ta thường cho rằng văn học giải trí gắn liền với bạo lực và sexy nhưng có lẽ đó là cách nhận định của những người chưa thực sự đọc thử một lần loại sách này hoặc là đọc với thành kiến.

Bên cạnh nhiều cuốn sách không hay thì vẫn có những tác phẩm thỏa mãn không những giải trí mà còn chạm được vào những cung bậc cảm xúc nhân văn của người đọc. Và với một thị trường sách mang tính cạnh tranh như hiện nay, để tồn tại trước sự nhập khẩu văn học, đã đến lúc chúng ta cần tự tạo nên sức mạnh từ chính văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, ở những người trẻ tuổi, họ chính là nhân tố giàu sức sáng tạo. Chỉ bản thân họ mới có thể viết nên những gì họ thực sự khao khát bằng một tâm trí mở.

Có lẽ đã đến lúc để văn học Việt Nam tháo bỏ cái nhìn một chiều để mở cửa cho dòng văn học giải trí có thể phát triển mạnh mẽ. Tự thân nó sẽ tạo ra sức mạnh để chống lại nguy cơ xâm lấn văn hóa. Đồng thời đây cũng là một đáp ứng hết sức nhân văn cho con người.

Theo T.Lê

Cùng chuyên mục
XEM