Không theo sát quy định, hơn 1.000 doanh nghiệp Việt không thể xuất hàng vào Mỹ

29/08/2017 09:23 AM | Xã hội

Do không biết tới quy định mới về gia hạn đăng ký sau hai năm tại Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã rớt khỏi danh sách và không thể xuất hàng vào Mỹ.

Theo quy định mới về an toàn thực phẩm dành cho sản phẩm nhập khẩu, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và sự dịch chuyển trách nhiệm trong điều tra nhập khẩu cá da trơn từ FDA sang Bộ Nông nghiệp (USDA), nhiều chuyên gia lo ngại những thay đổi về quy định mới khiến các doanh nghiệp giảm sút về kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam vào Mỹ.

Tại Diễn đàn An toàn thực phẩm toàn cầu, ông Mark Gillin, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) nói, theo quy định mới trong Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm, tất cả các nhà máy đăng ký phải gia hạn đăng ký sau hai năm, bắt đầu từ năm 2016, trong khoảng thời gian từ ngày 1/10 đến 31/12.

Trong tháng 12/ 2016, có 1.845 nhà máy thực phẩm ở Việt Nam đăng ký với Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, trong tháng 1/2017, con số này giảm xuống còn 806 nhà máy.

Ông Mark Gillin chỉ ra nguyên nhân hơn 1.000 doanh nghiệp của Việt Nam không biết đến quy định mới trên và không gia hạn đăng ký, dẫn tới bị rớt khỏi danh sách và hiện nay không thể xuất khẩu hàng vào Mỹ.

Thực phẩm và thủy hải sản Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Năm 2016, hải sản Việt Nam xuất khẩu đạt 7 tỷ USD, gồm 1,4 tỷ USD sản phẩm cá và tôm cua xuất khẩu sang Hoa Kỳ, chiếm 40% giá trị nhập khẩu thực phẩm và nông sản của Mỹ từ Việt Nam. Do đó, nếu không nắm bắt được chi tiết các quy định về an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng bị mất đi các cơ hội xuất khẩu vào Mỹ.

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam được xếp thứ hạng cao về xuất khẩu nhiều loại sản phẩm nông nghiệp nhưng sản phẩm của Việt Nam chưa được đánh giá cao về mặt chất lượng và giá trị, có khả năng cạnh tranh về giá cả nhưng thường bị các nước nhập khẩu trả về vì lý do an toàn thực phẩm.

Ông Ratih Puspitasari, Giám đốc phụ trách Hợp tác Khoa học và Luật định của Cargill khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ nói cần có các chính sách rõ ràng để thúc đẩy an toàn thực phẩm, thực hành tốt về chăn nuôi, kiểm soát chặt chẽ điều kiện vệ sinh và môi trường chăn nuôi, chăm sóc vật nuôi khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế. Làm được những việc đó sẽ giúp mở cửa thị trường thực phẩm của Hoa Kỳ, đồng thời giúp các sản phẩm thực phẩm sản xuất tại Việt Nam tiếp cận được nhiều thị trường xuất khẩu lớn và đa dạng khác.

Theo Khổng Chiêm

Cùng chuyên mục
XEM