Không riêng Việt Nam, tại Anh hay Đức cũng có Giáo sư không xin được việc phải đi làm thợ pha cà phê

23/09/2016 10:29 AM | Xã hội

Các nước như Thụy Sĩ, Áo, Hà Lan, Đức hiện đang cố gắng cải tổ lại nền giáo dục khi nâng cao các môn học kỹ thuật, mang tính nghề nghiệp vào giáo dục chính quy để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày nay.

Mới đây, mùa tuyển sinh mới của nước Anh đã thu hút 500.000 nam thanh nữ tú ở độ tuổi 18-19 bất chấp thực trạng rằng học phí tại quốc gia này thuộc hàng đắt nhất thế giới, cao hơn cả Mỹ, canada và Australia.

Những học sinh giỏi thuộc top 1% trong tổng số sẽ học những trường đại học danh giá như Oxford, Cambridge hay Bristol và sẽ có nhiều cơ hội để tìm việc làm hơn trong xã hội, nhưng 99% số còn lại học những trường bình thường thì lại gặp vô vàn khó khăn.

Vâng, bạn không nghe lầm, thậm chí tại những nước có nền giáo dục tiên tiến như Anh, sinh viên ra trường cũng phải vất vả để có thể tìm kiếm việc làm.

Khoản đầu tư thua lỗ

Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu IF-Anh, mức vay nợ bình quân mỗi sinh viên để đóng tiền học phí tại Anh đã đạt hơn 40.000 Bảng và rõ ràng chi phí để học đại học thời nay đã vượt qua khoản thu nhập tương lai mà nó mang lại. Nói cách khác, đầu tư học đại học tại Anh đang dần trở nên không có lời.

Hơn 40% số lao động tại Anh có bằng đại học, nhiều hơn bất kỳ thành viên nào của tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ngoại trừ Nhật Bản. Tuy nhiên, các công ty ngày nay thường thuê lao động trình độ đại học làm những công việc có kỹ thuật thấp, yêu cầu năng lực không cao, qua đó làm xói mòn những tài năng này.

Bằng chứng rõ ràng nhất là số tiền nợ học phí của sinh viên Anh ngày càng cao, chứng tỏ công việc họ làm sau khi ra trường không đủ bù đắp chi phí học tập trước đó.

Số liệu của tổng cục thống kê quốc gia Anh (ONS) cũng cho thấy mức thu nhập bình quân của một sinh viên đại học mới tốt nghiệp 1 năm tại Anh là vào khoảng 16.500 Bảng, còn với lao động trình độ đại học có kinh nghiệm trên 10 năm là khoảng 31.000 Bảng. Nếu so sánh với những lao động không có trình độ đại học, mức chênh lệch này không chênh lệch quá nhiều ở những người mới vào nghề.

Theo đó, lao động không có trình độ đại học tại Anh và kinh nghiệm chưa đến 1 năm có thu nhập bình quân khoảng 11.500 Bảng, kinh nghiệm trên 10 năm là 20.000 Bảng.

Nghiên cứu của IF cho thấy nếu tính thêm cả những khoản vay tư nhân không được liệt kê trong số liệu vay nợ học phí công, rất có thể cả một thế hệ trẻ của nước Anh đang phải cố gắng giải quyết khoản nợ nần từ đầu tư giáo dục cho chính bản thân mình.

Hiện tượng gia tăng số sinh viên đại học và học phí tại Anh bắt đầu từ năm 2002 khi một số chính trị gia cho rằng những lao động đại học có thu nhập cao hơn khoảng 400.000 Bảng từ khi ra trường đến lúc nghỉ hưu so với lao động thông thường.

Kể từ đây, giới hạn sinh viện đại học tại Anh được dỡ bỏ và học phí các trường cũng tăng đều để nâng lợi nhuận.

Sau một thập niên tăng học phí trong khi tiền lương trì trệ không lên, mọi người bắt đầu nhận ra rằng liệu học đại học có còn hợp lý? Liệu lao động có trình độ đại học có hơn những lao động thường khác, những lao động bán thời gian hay làm việc theo giờ?

Cựu bộ trưởng Kenneth Baker, người hiện đang điều hành một mạng lưới đào tạo kỹ thuật cho gần 10.000 học sinh, sinh viên trong độ tuổi 14-18 nhận định rằng một lượng lớn lao động tốt nghiệp đại học Anh đang thất nghiệp trong khi các trường học chỉ muốn tăng thêm số học sinh đóng học phí.

“Nếu ai độ tốt nghiệp đại học ngành xã hội học và 6 tháng sau họ làm công trong một quán cà phê thì đâu qảu là một vấn đề lớn cho cả nền kinh tế Anh:, ông Baker nói.

Chuyên gia Baker cũng cho rằng sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số ngày nay đã chấm dứt nhiều công việc quản lý cấp trung, vốn thường tuyển những lao động có trình độ đại học đã khiến nhiều sinh viên Anh phải lao đao.

Hơn nữa, việc các trường đại học Anh ngày càng giảm bớt những môn học mang tính chất kỹ thuật, chuyên môn ra khỏi chương trình đang khiến các sinh viên ra trường thiếu kỹ năng để có thể kiếm những công việc thích hợp khác.

Không riêng tại Anh, hàng loạt những nước phát triển khác cũng đang gặp rắc rối với tình trạng “có bằng giáo sư nhưng đi làm thợ pha cà phê”. Các nước như Thụy Sĩ, Áo, Hà Lan, Đức hiện đang cố gắng cải tổ lại nền giáo dục khi nâng cao các môn học kỹ thuật, mang tính nghề nghiệp vào giáo dục chính quy để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày nay.

Bằng đại học chỉ là tấm vé vào cửa

Mặc dù vậy, trung tâm nghiên cứu giáo dục và nghề nghiệp (HECSU)-Anh cho rằng ở một khía cạnh nào đó, học đại học là con đường cần thiết giúp các lao động đối phó được với những thay đổi nhanh chóng trong công nghệ và thương trường.

Thông thường, các công ty không quan tâm mấy đến ngành nghề chuyên môn mà sinh viên học, cái họ quan tâm là những kỹ năng cơ bản mà các sinh viên học được trong trường.

Ví dụ như môn tâm lý học, rõ ràng Anh không thể có 8.000-10.000 công việc cho các sinh viên mới ra trường ngành này mỗi năm nhưng những kiến thức cơ bản như toán cao cấp hay xử lý các mối quan hệ cộng đồng lại là những gì mà các nhà tuyển dụng cần. Hệ quả là nhiều sinh viên tâm lý học ra trường lại làm trái ngành.

Do đó, bằng đại học cũng giống như một tấm vé vào cửa ngày nay khi nhiều công ty ưa thích tuyển sinh viên đại học cho những vị trí không dùng hết các kỹ năng của họ.

“Trong cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây nhất, chính những lao động không có bằng cấp là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong khi những người có trình độ lại không bị ảnh hưởng mấy”, Phó giám đốc Charlie Ball của HECSU nói.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM