Không riêng Việt Nam, hàng loạt quốc gia cũng đang siết chặt quản lý Facebook, Google...

17/01/2017 14:30 PM | Xã hội

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 38 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, qua đó siết chặt quản lý đối với một số trang mạng như Facebook, Google nhằm đối phó với tình trạng thông tin giả mạo. Trên thực tế, Việt Nam không phải là nước duy nhất lo ngại về rủi ro tin tức giả mạo trên hệ thống này.

Trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, giới truyền thông mạng, đặc biệt là Twitter và Facebook đã bị nhiều chuyên gia cáo buộc đăng những thông tin giả mạo về 2 ứng cử viên Donald Trump, Hillary Clinton.

Lo ngại trước mối nguy hại ngày càng gia tăng từ những thông tin giả trên các trang mạng xã hội, mới đây chính phủ Anh đã có những động thái nhằm siết chặt quản lý với các trang thông tin như Facebook, Twitter hay Google.

Nghị viện Anh đã thiết lập một cuộc điều tra về các tin tức giả mạo với sự tham gia của các nghị sĩ trong vòng vài tháng trước những lo ngại nền Dân chủ Anh đang bị phá hoại từ những thông tin giả này.

Theo giới truyền thông, giám đốc điều hành của Facebook, Google và Twitter sẽ bị triệu tập để giải trình trước Nghị viện Anh về các động thái đối phó thông tin giả mà họ đã thực hiện cũng như những biện pháp mà hãng đưa ra đã đủ cần thiết hay chưa.

Chủ tịch ủy ban văn hóa thuộc Nghị viện Anh (CCC), ông Damian Collins cho biết những thông tin giả mạo trên các trang mạng xã hội cũng như trên Internet có nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Vì vậy, ông Collins nhấn mạnh các trang thông tin điện tử cần đảm bảo quy định bản quyền, xác minh tính chính xác cũng như không chia sẻ bừa bãi như trước đây nếu thông tin chưa được kiểm chứng.


 ông Damian Collins

ông Damian Collins

Vấn đề thông tin giả mạo tại Anh được thổi bùng lên trong thời gian gần đây khi các bộ trưởng của nước này sẽ có cuộc họp với lãnh đạo của những tổ chức truyền thông tại Anh. Bộ trưởng Thông tin và Văn hóa, ông Matt Hancock dự kiến sẽ chủ trì cuộc họp này và vấn đề chủ yếu sẽ liên quan đến tình trạng giả mạo thông tin trên mạng.

Hiện nhiều chuyên gia cảnh báo các thông tin giả mạo đang được thúc đẩy khi những trang tin thu được lợi nhuận nhờ số lần click chuột của độc giả còn các chính trị gia có thêm một công cụ để hủy hoại thanh danh của đối thủ.

Một số thông tin giả mạo được trình bày để trông giống những tin tức chính thống. Hiện người đọc rất khó để có thể phân biệt chúng. Mối lo ngại hiện nay là những thông tin giả có thể dễ dàng tung lên mạng và lan truyền nhanh chóng trước khi tin chính thức được công bố. Có một sự thật trớ trêu là những thông tin thật ngày nay lại phải cố gắng chạy theo đuôi, giải thích cho những tin tức giả mạo”, ông Collins nói.

Vị quan chức này cũng lo ngại tình trạng các thông tin giả ngày nay đang bị lan truyền rộng rãi thái quá trong khi những trang tin điện tử, mạng xã hội lại chưa có biện pháp đủ mạnh để chống lại chúng.

Mới đây nhất, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đã trở thành nạn nhân của hàng loạt các tin tức giả, cáo buộc ông có mối liên kết bất minh với phía Nga.


Tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump

Tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump

“Những người phát tán thông tin giả mạo và những người biết nhưng không nói gì là các đối tượng duy nhất không chịu ảnh hưởng từ những tin tức giả này. Chúng ta có nghĩa vụ phải đứng lên bảo vệ cho giới truyền thông, các nhà báo và những tin tức chính thống. Đây là nhiệm vụ cơ bản cho quyền tự do ngôn luận và nền dân chủ của chúng ta”, chính trị gia Michael Dugher và là cựu chủ tịch ủy ban văn hóa Nghị viện của đảng đối lập Anh nhận định.

Facebook buộc phải có hành động

Không riêng gì Anh, những nước như Đức, Pháp cũng đang siết chặt quản lý với các trang tin như Facebook hay Google. Gần đây, chính quyền Berlin đã yêu cầu facebook và Google quản lý chặt chẽ hơn nữa các thông tin được đăng trên trang.

Đức vốn là quốc gia có luật pháp rất nghiêm về những thông tin, tuyên bố mang tính thù hận cũng như những tin tức giả mạo. Luật pháp hiện hành của nước này cho thấy Facebook hay Google có thể bị phạt tới 10 triệu Euro nếu không có biện pháp cải thiện tình hình lan tràn các thông tin giả như hiện nay.

Trước sức ép từ chính phủ Đức, Facebook đã phải cho ra mắt công cụ đối phó với các thông tin giả nhằm giảm thiểu tình trạng này. Công cụ này cũng đã được ra mắt tại Mỹ vào tháng 12/2016 trước hàng loạt chỉ trích do những tin tức giả mạo liên quan đến bầu cử Mỹ.

Với công cụ mới này, người dùng có thể báo cáo những thông tin giả mạo cho nhà cung cấp để kiểm tra và sàng lọc.

Tuần trước, giới truyền thông nước này rộ lên những thông tin về việc Facebook cho đăng tải các bài viết sai sự thật về Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đang cố gắng tham gia tranh cử kỳ tiếp theo.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM