Không riêng gì Mỹ, lao động nước ngoài phải tốn đến 10.000 USD để có thể làm việc tại quốc gia này

15/03/2017 13:33 PM | Xã hội

Nam Sudan là một trong những quốc gia trẻ nhất thế giới khi mới độc lập từ năm 2011. Tương tự như nhiều nhà nước non trẻ khác, Nam Sudan phải đối mặt với rủi ro khủng khiếp nhất với mọi chính quyền khi mới thành lập: đó là lạm phát.

Tại thủ đô Juba của Nam Sudan, các nhà hàng thậm chí in thực đơn lên những cuộn giấy rẻ tiền bởi họ sẽ phải cập nhật chúng mỗi vài tuần. Trong năm 2016, tỷ lệ lạm phát tại Nam Sudan có lúc lên đến 50%/tháng. Một bữa ăn đạm bạc nhất tại đây cũng phải tốn cả một xấp tiền to bằng cục gạch.

Trong vòng 1 năm qua, đồng SSP của Nam Sudan đã mất giá thê thảm, từ 30 SSP/ USD bị giảm giá xuống còn 120 SSP/USD. Thậm chí đồng 100 SSP, tờ tiền lớn nhất của Nam Sudan cũng bị đánh giá là tờ tiền lớn ít giá trị nhất thế giới.

Nguyên nhân chính của vụ việc này như thường lệ đến từ 2 yếu tố: In tiền quá nhiều trong khi nền kinh tế khủng hoảng.

Quốc gia non trẻ này phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ với 99,8% nguồn thu xuất khẩu đến từ vàng đen năm 2014. Khi mới dành được độc lập vào năm 2011, giá dầu vẫn còn trên ngưỡng 100 USD/thùng và nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ khiến chính phủ nước này có đủ ngân sách cho một nhà nước mới.

Tuy nhiên, nhiều tiền cũng khiến chính quyền lục đục và một cuộc nội chiến xảy ra vào năm 2012, qua đó đóng cửa hàng loạt mỏ dầu vào năm 2013. Hiện Nam Sudan chỉ sản xuất 120.000 thùng dầu/ngày, chỉ bằng 50% so với thời kỷ đỉnh. Đó là chưa kể giá dầu hiện nay đã xuống xoay quanh mốc 50 USD/thùng.

Với không nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức về kinh tế, chính quyền Nam Sudan in hàng loạt tiền để bù trừ thâm hụt ngân sách, qua đó khiến lạm phát tại đây phi mã.

Kể từ đây, hàng loạt những vụ việc trớ trêu xảy ra, như khi một số tổ chức phi chính phủ (NGO) phải dùng máy bay cỡ nhỏ để chở đầy tiền mặt đi thanh toán lương cho nhân viên. Trong khi đó, các lái xe taxi buộc chặt 1 cọc tiền đếm sẵn để so sánh lượng tiền khách thanh toán, tiết kiệm thời gian đếm tiền.

Mức tiền lương thanh toán bởi chính phủ hiện nay hầu như không còn giá trị gì nếu so sánh với tỷ lệ lạm phát hiện nay.

Thực phẩm, mặt hàng thiếu thốn chủ yếu hiện nay của Nam Sudan được nhập khẩu từ Uganda và Kenya trong khi nguồn cung trong nước gặp hạn hán lớn.

Trên thực tế, giao dịch thương mại sẽ phần nào làm dịu tình trạng này khi các mặt hàng xuất khẩu đem về ngoại tệ cho đất nước. Tuy nhiên việc phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ cũng như tình trạng nội chiến khiến Nam Sudan đang bị cuốn vào vòng rắc rối.

Hệ thống nông nghiệp tại Nam Sudan đã đình trệ hoàn toàn từ sau khi nội chiến nổ ra và lượng người tị nạn sang Uganda đã tăng lên 700.000 người.

Mặc dù các thỏa thuận đình chiến đã được thiết lập và nhiều quỹ viện trợ quốc tế sẵn sàng vào cuộc nhưng chính quyền Nam Sudan vẫn đang tranh cãi về quyền lãnh đạo cũng như chi tiêu mạnh cho quân sự dù không có mấy nguồn thu.

Hiện nay, chính phủ nơi đây thậm chí yêu cầu thu phí lao động đối với người nước ngoài, từ mức 100 USD/người tăng lên 10.000 USD/người, một quyết định theo nhiều chuyên gia là điên rồ.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM