Không phải tỷ phú Donald Trump hay chủ tịch Tập Cận Bình, đây mới là yếu tố làm thay đổi thương mại toàn cầu

25/11/2016 13:22 PM | Kinh tế vĩ mô

Tổng thống mới đắc cử Trump mới đây tuyên bố sẽ rút khỏi TPP và đưa các nhà máy quay trở lại Mỹ, trong khi Trung Quốc tích cực thúc đẩy thành lập một thỏa thuận thương mại tự do mới. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng cấu trúc thương mại ngày nay đã thay đổi.

Trong những ngày gần đây, mọi người thường bán tán về tỷ phú Donald Trump, Hiệp định Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trung Quốc với Hiệp định Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) hay khả năng nâng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Tuy nhiên, có một sự thật mà không nhiều người nhận ra là giao dịch thương mại trên thế giới sẽ dần không thể bị khống chế bởi 1 nhà lãnh đạo hay 1 quốc gia và yêu tố chính làm nên tình trạng này chính là thương mại điện tử.

Tổng thống mới đắc cử Trump mới đây tuyên bố sẽ rút khỏi TPP và đưa các nhà máy quay trở lại Mỹ, trong khi Trung Quốc tích cực thúc đẩy thành lập một thỏa thuận thương mại tự do mới. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng cấu trúc thương mại ngày nay đã thay đổi.


Kim ngạch thương mại điện tử toàn cầu (nghìn tỷ USD) và số người tham gia (tỷ người)

Kim ngạch thương mại điện tử toàn cầu (nghìn tỷ USD) và số người tham gia (tỷ người)

Theo hãng IHS Markit, ngành sản xuất ngày nay đang cắt giảm nhân công không phải vì những yếu tố truyền thống trong thương mại mà là bởi sự phát triển của công nghệ và đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy cấu trúc thương mại toàn cầu đang dần thay đổi.

Hiện nay, sự phát triển của khoa học kỹ thuật khiến nhiều công ty nhỏ lẻ có thể tham gia thị trường thông qua Internet mà không sợ bị các ông lớn đè bẹp. Trong khi đó, thành công của nhiều doanh nghiệp thương mại không phải đến từ yếu tố sản phẩm mà là do họ biết quản lý, khai thác thông tin cũng như số liệu.

Cuộc cách mạng mới

Thương mại điện tử hiện nay đang ngày càng phát triển với eBay và Amazon tại Mỹ, Alibaba ở Trung Quốc và Flipkart từ Ấn Độ. Với sự phát triển mạnh của những tập đoàn thương mại điện tử này, sự kết nối giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng hiện nay đã không còn khó khăn như trước. Theo nhiều chuyên gia phân tích, trong tương lai chính những công ty thương mại điện tử mới là yếu tố chính chi phối thương mại toàn cầu.

Báo cáo của Cục Thống kê Mỹ cho thấy kim ngạch thương mại điện tử của nước này năm 201 đã tăng 8,1% lên mức 3,58 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 50% trong tổng kim ngạch thương mại 5,88 nghìn tỷ USD. Nếu tính riêng trong mảng sản xuất thì thương mại điện tử chiếm 60,9% tổng số kim ngạch xuất khẩu của phân khúc này.

Số liệu của Viện McKinsey Global cũng cho thấy hiện hơn 10% thương mại toàn cầu hiện nay có liên quan đến thương mại điện tử và tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng trưởng gấp đôi trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định sự hợp tác giữa các nhà sản xuất, người tiêu dùng tại khắp mọi nơi trên thế giới sẽ được tăng cường nhờ thương mại điện tử bất chấp việc có các thỏa thuận tự do thương mại hay không.


Alibaba đang dần trở thành một đế chế trong thương mại điện tử cũng như có vị thế ngày càng lớn trên toàn cầu

Alibaba đang dần trở thành một đế chế trong thương mại điện tử cũng như có vị thế ngày càng lớn trên toàn cầu

Ví dụ, một nhà thiết kế thời trang tại Canada có thể làm việc với một xưởng may ở Hồng Kông qua Internet và gửi hàng cho khách tại Mỹ. Thậm chí, quy mô của nhà thiết kế và xưởng may trên có thể rất nhỏ, điều mà trước kia hiếm gặp.

Ngân hàng Deutsche Bank nhận định thương mại điện tử khiến giao thương ngày nay ngày càng trở nên phức tạp hơn trước. Việc cứ quy mô lớn là có thể đè bẹp quy mô nhỏ hiện đã không còn là điều chắc chắn. Thậm chí, những doanh nghiệp logistics như FedEx hay UPS cũng sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thương mại toàn cầu.

Số liệu của ngân hàng Deutsche Bank cũng cho thấy doanh số bán hàng trực tuyến tại Mỹ đã tăng hơn 20% trong vòng 1 năm qua và điều này hiện đang khiến các công ty logistics đầu đầu tìm biện pháp vận chuyển sao cho hiệu quả cũng như tiết kiệm chi phí hơn.

Cùng với quan điểm trên, eMarketer dự đoán doanh thu bán hàng trực tuyến trên toàn cầu sẽ tăng từ 1,55 nghìn tỷ USD năm 2015 lên 1,91 nghìn tỷ USD năm nay.

“Tương lai của thương mại toàn cầu sẽ chịu tác động lớn bởi những doanh nghiệp vừa và nhỏ khi những công ty này có thể tham gia vào các ngành kinh doanh vốn là địa bàn của những tập đoàn lớn”, CEO Ken Allen của DHL cho biết.

Khách hàng là thượng đế nhưng thông tin mới là...vua

Thương mại toàn cầu hiện nay ngày càng ít chú trọng đến sản phẩm mà tập trung nhiều hơn về thông tin. Tình trạng này có được là nhớ sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, cho phép con người sản xuất sản phẩm nhanh hơn, hiệu quả hơn, rẻ hơn.

Ngày nay, những thông tin về khách hàng, bằng sáng chế, bản quyền, thương hiệu... mới là những thứ giá trị nhất trong thương mại chứ chưa chắc đã là chất lượng sản phẩm.

Báo cáo của McKinsey cho thấy giao thương sản phẩm, đầu tư trực tiếp nước ngoài và giao dịch thông tin đã đóng góp 10% GDP cho toàn cầu năm 2014, tương đương 7,8 nghìn tỷ USD. Trong đó, giao dịch số liệu và thông tin chiếm tới 2,8 nghìn tỷ USD.

Hãng McKinsey cũng cho biết giao dịch thông tin xuyên biên giới đã tăng trưởng 45 lần kể từ năm 2005 và mảng thương mại này sẽ còn tăng 9 lần trong vòng 5 năm tới.

Lấy tập đoàn GE của Mỹ làm ví dụ. Năm 2005, công ty này ký hợp đồng xây dựng đập thủy điện Tam Hiệp của Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh lại yêu cầu quyền sở hữu những bằng chế của GE trong quá trình phát minh những kỹ thuật mới để xây đập.

Năm 2011, GE công bố việc thành lập liên doanh với doanh nghiệp quốc doanh AVIC của Trung Quốc, qua đó chia sẻ những bằng sáng chế chung về sản xuất khung máy bay và kỹ thuật động cơ phản lực. Chính vì lý do này mà phía Trung Quốc đã mở cửa thị trường động cơ tuabin và các cơ sở hạ tầng lưới điện cho GE tham gia trong khi đây vốn là địa bàn của các công ty nội địa.

CEO và cũng là Chủ tịch của GE, ông Jeffrey Immelt nhận định với vai trò là một công ty trong ngành xuất khẩu, họ có thể sản xuất và bán nhiều thứ tại mọi thị trường trên thế giới và rõ ràng những công ty như GE cũng góp phần điều hướng xu thế thương mại toàn cầu.

Bên cạnh đó, nhiều công ty hiện nay cho rằng những thỏa thuận thương mại tự do cũng như nhiều tổ chức thương mại hiện nay dù còn hữu dụng nhưng đang dần lỗi thời.

Hãng Bernes & Thornburg cho biết rất nhiều doanh nghiệp Mỹ hiện nay than phiền rằng Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) đã lỗi thời. Công ty này cũng cho rằng Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) cũng không còn hiệu quả như trước khi chỉ chú trọng nhiều đến lợi ích của những nước lớn hay những mảng kinh doanh chủ chốt.

Bằng chứng rõ ràng nhất là vòng đàm phán Doha đã không thể đi đến thống nhất dù khởi động từ năm 2001.

Thậm chí, CEO của Alibaba, ông Jack Ma đã kêu gọi thành lập một tổ chức thương mại mới ngoài WTO để thúc đẩy ngành thương mại điện tử.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM