Không phải trí tuệ, đây mới là thứ được Steve Jobs đánh giá là vô cùng mạnh mẽ và ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của ông

12/07/2018 17:08 PM | Sống

Khi nói đến thành công, người ta thường sẽ nghĩ đến sự nỗ lực, tinh thần ham học hỏi và một điều kiện dường như là yếu tố tất yếu - sự thông minh. Tuy nhiên, đối với Steve Jobs - cựu tổng giám đốc Apple thì điều góp phần tác động mạnh mẽ lên sự thành công của ông lại là trực giác, chứ không phải là trí tuệ.

Theo nhiều nghiên cứu, trực giác là khả năng phán đoán bằng những hoạt động suy luận của não ở trạng thái tiềm thức, vô thức. Trực giác giúp chúng ta ra quyết định trước khi ý thức kịp biết chuyện gì xảy ra, do đó không lý giải được bằng logic thông thường.

Trong thực tế, hầu hết mỗi chúng ta đều từng đôi lần, hoặc thường xuyên, có cảm giác xấu về một buổi gặp mặt hay một buổi đi chơi nào đó sắp diễn ra, nhưng rồi ta lại lờ chúng đi và khi chuyện xấu ập đến, ta nói với người bên cạnh rằng: Tôi đã linh cảm rằng nó sẽ xảy ra mà!

Không phải trí tuệ, đây mới là thứ được Steve Jobs đánh giá là vô cùng mạnh mẽ và ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của ông  - Ảnh 1.

Thực ra, việc nhiều người không tin vào trực giác khá dễ hiểu, bởi chúng ta không thể lý giải được nó, sự thiếu cảm giác an toàn sẽ khiến ta không đủ can đảm để hành động theo. Tuy nhiên với nhiều người, với một trực giác nhạy bén trời sinh hoặc do nuôi dưỡng theo thời gian và trải nghiệm mà thành, thì trực giác sẽ trở thành vũ khí lợi hại giúp họ tránh được nhiều rắc rối, nguy hiểm và tiến tới thành công, như nhà vật lý vĩ đại người Đức Albert Einstein, hay huyền thoại sáng tạo Steve Jobs.

Albert Einstein từng nói rằng: "Tôi tin vào trực giác và cảm hứng… Những lúc đó tôi cảm thấy chắc chắn tôi đúng mặc dù không hiểu tại sao. Tri thức đóng vai trò thứ yếu trên con đường khám phá. Có một bước nhảy vọt trong ý thức, được gọi là trực giác hoặc gọi thế nào tùy bạn, lời giải đến với bạn mà bạn không biết như thế nào và tại sao… thứ có giá trị thực sự là trực giác".

Steve Jobs đã khám phá ra sức mạnh của trực giác như thế nào?

Trong suốt bài phát biểu nổi tiếng của mình tại trường Đại học Stanford năm 2005, Steve Jobs cho biết, trực giác đã giúp ông đưa ra nhiều quyết định và sự lựa chọn đúng đắn trong cuộc đời. Ông cũng nhắc lại quãng thời gian lang thang khắp Ấn Độ vào giữa những năm 70 nhằm tìm kiếm một hướng dẫn tinh thần trước khi sáng lập ra Apple. Trong những tháng ngày sống tại đây, ông dần nhận ra sự khác biệt trong cách tư duy và hành động của họ.

"Những người dân sống ở vùng nông thôn Ấn Độ không sử dụng trí tuệ như chúng ta. Thay vào đó, họ sử dụng trực giác. Theo quan điểm của tôi, trực giác là một thứ vô cùng mạnh mẽ, thậm chí mạnh mẽ hơn cả trí tuệ. Và nó đã ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp của tôi", Jobs nói.

Làm thế nào để nuôi dưỡng trực giác?

Trước hết, bạn phải xóa bỏ định kiến rằng trực giác là một thứ gì đó tâm linh và ngớ ngẩn, vô căn cứ. Trong thực tế, trực giác có tính chuẩn xác nhiều hơn bạn vẫn nghĩ. Nhiều thám tử, hay thậm chí ngay cả Hải quân Mỹ cũng từng nhiều lần sử dụng linh cảm của mình để hành động, bởi họ không có đủ thời gian và căn cứ để thực hiện phân tích não bộ.

Thứ 2, lắng nghe tiếng gọi của bản thân. Khi cảm giác về một điều gì đó đến một cách mãnh liệt, đừng phớt lờ nó. Hãy lắng nghe và đưa ra phán đoán, quyết định kịp thời.

Thứ 3, rèn luyện chuyên tâm. Bạn có thể thực hiện điều này thông qua việc ngồi thiền, hoặc dành một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày để lắng nghe bản thân mình. Sự rèn luyện chuyên tâm này có thể nâng cao nhận thức của bản thân đối với nội tâm, hiểu rõ suy nghĩ của chính mình, khai phá được tư tưởng lẫn sức mạnh nội tại.

Thứ 4, có những bài kiểm tra nhỏ dành cho trực giác của mình. Thông qua những phán đoán nhỏ trong những diễn biến đời thường, hay thử đoán kết quả thông qua những trò chơi nho nhỏ như xúc xắc, bạn sẽ biết được trực giác của bản thân đúng nhiều hay sai nhiều để từ đó quyết định việc có nên nghe theo trực giác hay không.

Cuối cùng, quan trọng nhất, hãy rèn luyện trực giác thông qua việc quan sát, học hỏi và trải nghiệm hàng ngày. Trong kinh doanh, các nhà quản lý, lãnh đạo giỏi luôn cố gắng quan sát và học được các mô thức lặp đi lặp lại ở nhiều quy mô khác nhau của vấn đề. Do vậy khi những vấn đề tương tự phát sinh, họ gần như ngay lập tức đề ra được một phương án giải quyết tối ưu, hiệu quả nhất.

Rõ ràng, nhìn từ thành công của những người đi trước, sức mạnh của trực giác đang ngày càng được mọi người công nhận. Vậy nên, hãy rèn luyện cho mình những thói quen tốt để nuôi dưỡng trực giác và lắng nghe nó khi cần!

Theo Nguyễn Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM