Không phải nhờ tới ngày thần tài, đây là điều giúp PNJ đạt biên lợi nhuận tới 19% trong khi Doji, SJC chỉ ở mức 1%

16/02/2019 08:28 AM | Kinh doanh

Kết quả kinh doanh khả quan của PNJ đến từ việc kinh doanh bán lẻ tiếp tục duy trì tăng trưởng ấn tượng trong 2018.

Theo thống kê của CafeF, Doji là doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất ngành vàng bạc, trang sức với gần 52.000 tỷ đồng trong năm 2017, tương đương 2,2 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu SJC là 22.950 tỷ đồng (1 tỷ USD) và PNJ chỉ gần 11.000 tỷ đồng.

Tuy doanh thu không vượt trội nhưng PNJ lại là doanh nghiệp có biên lợi nhuận cao hơn hẳn trên thị trường. Mới đây công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) còn dự báo doanh thu, lợi nhuận của công ty này ở mức 30% trong năm 2019 và duy trì tốc độ tăng trưởng kép ở mức 19,8%. Theo BVSC, kết quả kinh doanh khả quan này đến từ mảng kinh doanh bán lẻ tiếp tục duy trì tăng trưởng ấn tượng trong 2018.


Hệ thống kinh doanh mở rộng, đạt 324 cửa hàng tính đến cuối 2018 

Tính đến 31.12.2018, PNJ ghi nhận 55 cửa hàng tăng thêm so với cuối năm 2017, bao gồm mở mới 61 và đóng cửa 6 cửa hàng, tiếp tục duy trì sự mở rộng hệ thống với tốc độ nhanh (năm 2017, 50 cửa hàng tăng thêm). 

Xét về cơ cấu, hệ thống cửa hàng kinh doanh vàng chiếm đa số với 257 cửa hàng; cửa hàng bạc là 64 và CAO là 3. Thị trường lớn mà PNJ đang tập trung vẫn là Tp. HCM và khu vực Nam Bộ khi lần lượt có 131 và 75 cửa hàng, còn lại khu vực Miền Bắc (61 cửa hàng), miền Trung (32 cửa hàng), Tây Nguyên (25 cửa hàng).

Miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng là thị trường nhiều tiềm năng mà PNJ vẫn đang tập trung theo đuổi, định vị thương hiệu, cũng như thay đổi thói quen đối với trang sức của khách hàng khu vực này. BVSC kỳ vọng nếu sớm chinh phục được thị trường khó tính này, sẽ mang đến động lực tăng trưởng tốt cho PNJ trong dài hạn.


Tốc độ tăng trưởng doanh số cửa hàng cũ duy trì mức cao, giúp mảng kinh doanh vàng trang sức ghi nhận kết quả ấn tượng

 Cụ thể, doanh số cửa hàng trưởng thành (SSSG) tăng trưởng trong 2018 đạt 20%, tương đương 2017. Kết quả này đến từ một số yếu tố xét về chủ quan lẫn khách quan: i) chiến lược phát triển hệ thống hợp lý của PNJ khi không dàn trải, mà tập trung khai khác tối đa thị trường có sức mua lớn ii) sản phẩm được cơ cấu phù hợp ở các thị trường, khu vực iii) chính sách quảng bá tốt giúp gia tăng lượng khách hàng mới đến 36% trong 2018 iv) và đặc biệt là kinh tế tăng trưởng, thu nhập người tiêu dùng cải thiện. 

Từ những yếu tố này, doanh thu bán lẻ trang sức 2018 đạt khoảng 7.800 tỷ, tăng 35% so với năm trước và chiếm 53% trong cơ cấu doanh thu.


Doanh thu và lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái

 Với kết quả tốt từ mảng kinh doanh vàng trang sức, tổng doanh thu đạt 14.578 tỷ đồng, tăng 32% so với năm ngoái. Trong đó, kết quả doanh thu và tăng trưởng từng mảng ghi nhận như sau:

Không phải nhờ tới ngày thần tài, đây là điều giúp PNJ đạt biên lợi nhuận tới 19% trong khi Doji, SJC chỉ ở mức 1% - Ảnh 1.

Với mảng kinh doanh vàng miếng:

Năm 2018, PNJ tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tốt về doanh thu khi nhu cầu về sản phẩm vàng trong các dịp lễ, ngày thần tài vẫn duy trì ở mức cao. Bên cạnh đó, công ty đa dạng thêm về sản phẩm vàng miếng (1 chỉ, vàng khắc hình tài lộc, vòng tay vàng phong thủy…) để gia tăng sự lựa chọn cho khách hàng. Mặc dù vậy, biên lợi nhuận thấp khoảng 1%, lợi nhuận từ mảng kinh doanh này đóng góp 1% trong cơ cấu lợi nhuận gộp.

Với mảng kinh doanh vàng trang sức:

Giai đoạn 2017-2018, thị trường trang sức Việt Nam thời gian qua đi ngược với xu hướng thế giới là có thể giải thích khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng trở lại từ 2015 làm gia tăng thu nhập và số lượng tầng lớp trung lưu. Ngoài ra khách hàng vẫn ưa thích lựa chọn trang sức vàng như là 1 kênh đảm bảo giá trị, sau khi vàng miếng bị hạn chế kinh doanh từ 2014.

PNJ ghi nhận kết quả tốt cho cả hai mảng là kinh doanh sỉ và bán lẻ. Trong đó, về bán lẻ trang sức, doanh thu đạt 7.800 tỷ, tăng 35%. Lợi nhuận gộp đạt 2.391 tỷ, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Biên gộp tăng mạnh từ 27% lên 30,6%. Giá trị đơn hàng bình quân tiếp tục tăng (15% trong 2018), và tỷ trọng sản phẩm có biên lợi nhuận cao như kim cương, đá quý là những nguyên nhân làm cho biên lợi nhuận thay đổi tích cực.

Mảng kinh doanh sỉ có những thay đổi mới khi PNJ triển khai trung tâm kinh doanh sỉ, trang sức mỹ nghệ vào đầu năm 2018. Kết quả bước đầu, doanh thu mảng sỉ ghi nhận tăng trưởng 29% trong năm 2018 (2017 tăng trưởng 20%). Với biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ từ 4,15% lên 4,5%. Lợi nhuận mảng kinh doanh này đạt 170 tỷ, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Với quy mô thị trường trang sức không thương hiệu vẫn rất lớn, hoạt động kinh doanh sỉ kỳ vọng sẽ động lực mới trong dài hạn với PNJ.

Với kinh doanh bạc:

 Tăng trưởng 26% doanh thu trong 2018, giảm nhẹ so với 28% của 2017. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm khi đạt 60,2% so với 69% - 2017. Trước sự giảm sút mảng kinh doanh bạc, PNJ đang cơ cấu lại danh mục sản phẩm, cũng như, định vị lại thương hiệu PNJ silver nhằm gia tăng trải nghiệm cho nhiều phân khúc khách hàng hơn thay vì tập trung vào nhóm khách hàng trẻ, sinh viên. Ban lãnh đạo PNJ kỳ vọng sẽ có tín hiệu tốt hơn trong năm 2019.

Không phải nhờ tới ngày thần tài, đây là điều giúp PNJ đạt biên lợi nhuận tới 19% trong khi Doji, SJC chỉ ở mức 1% - Ảnh 2.

Với kết quả từng mảng kinh doanh, lợi nhuận gộp năm 2018 là 2.779 tỷ, tăng 45% so với năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp bình quân là 19,05%, tăng 1,7% so với biên gộp cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế theo đó ghi nhận 960 tỷ, tăng 32,4% so với cùng kỳ và vượt 9% kế hoạch.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM