Không phải Mỹ, đây mới là đất nước tuyệt vời nhất thế giới

23/09/2016 08:30 AM | Xã hội

Trong bảng xếp hạng mới nhất mà UN công bố, Mỹ chỉ đứng thứ 28.

Trong các bảng xếp hạng quốc gia trên thế giới dựa trên tiêu chí hệ thống y tế hay chất lượng cuộc sống, những nước dân chủ xã hội vùng Scandinavi thường giành được những vị trí top đầu. Bảng xếp hạng vừa được Liên hợp quốc công bố cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của bảng xếp hạng lần này là nó đã chỉ ra những điểm yếu cũng như nỗi muộn phiền của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Dựa trên các mục tiêu phát triển bền vững của UN, hơn 1.780 nhà nghiên cứu ở 124 quốc gia đã soạn nên bộ dữ liệu gồm 33 tiêu chí khác nhau để xếp hạng các nước, trong đó có cả những tiêu chí rõ ràng (như tỷ lệ nghèo đói, dân số được tiếp cận nước sạch hay được trao cơ hội học tập…) đến những thứ trừu tượng hơn (như chênh lệch giàu nghèo, cải tiến công nghệ…).

Nghiên cứu của UN được đúc kết sau 1 thập kỷ các quốc gia tập trung cao độ vào cải thiện hệ thống y tế để chống chọi lại bệnh tật. Tuy nhiên, cách đây 1,5 năm, các nhà nghiên cứu quyết định rằng dữ liệu của họ còn có thể đo lường những tiến bộ ở một trong những tham vọng cơ bản của con người: tồn tại. Phương pháp tiếp cận mới mang đến những phát hiện bất ngờ. Nền kinh tế lớn nhất thế giới với hệ thống y tế phát triển, có ngành thể dục thể thao và thực phẩm tự nhiên trị giá hàng tỷ USD lại chỉ đứng thứ 28, ở giữa Nhật Bản và Estonia.

Dữ liệu của báo cáo mới nhất được thu thập từ nhiều nguồn trên khắp thế giới. Để đảm bảo có được số liệu chính xác về tỷ lệ tiêm vacxin phòng bệnh ở mỗi khu vực, nhóm nghiên cứu nhìn vào các khảo sát thực hiện trên quy mô lớn, dữ liệu của các công ty dược phẩm và số liệu chính thức từ các tổ chức tiêm chủng.

Trong bảng xếp hạng này, nước Mỹ đứng đầu ở các chỉ tiêu về nguồn nước, nhà vệ sinh và phát triển trẻ em. Đó là những mảng sáng. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là bạo lực giữa các cá nhân (ví dụ như phạm tội bằng súng) đã ảnh hưởng rất nhiều đến thứ hạng của Mỹ. Các vấn đề ứng phó với thảm họa tự nhiên, HIV, tỷ lệ tự tử cao, bệnh béo phì hay lạm dụng rượu đều chưa nhận được sự chú ý thích đáng.

Hệ thống y tế công cộng của Mỹ cũng không được đánh giá cao bằng các nước phát triển khác. Mỹ đứng thứ 64 về tỷ lệ bà mẹ tử vong trên mỗi 100.000 ca sinh và thứ 40 về tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ em dưới 5 tuổi.

UN ca ngợi 5 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có những thành tích nổi bật:

- Timor Leste tái thiết thành công hệ thống y tế kể từ năm 2000, sau nhiều năm chìm trong chiến tranh.

- Tajikistan cải cách thành công hệ thống y tế từ cuối những năm 1990 và đang chiến thắng trong cuộc chiến chống lại bệnh sở.

- Chương trình bảo hiểm y tế của Colombia phủ sóng được nhiều người hơn bao giờ hết và chi trả bảo hiểm cả trong trường hợp ung thư.

- Đài Loan (Trung Quốc) thi hành luật an toàn giao thông giúp giảm mạnh tỷ lệ tử vong liên quan đến xe hơi.

- Iceland, nước đứng đầu bảng xếp hạng (ngay trên Singapore và Thụy Điển) có chính sách chống thuốc lá mạnh mẽ và hệ thống y tế được hỗ trợ tốt.

Đẩy lùi bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống là những mục tiêu cao quý mà những nhà từ thiện hàng đầu thế giới luôn hướng đến. Hôm qua, nhà sáng lập của Facebook là Mark Zuckerberg cùng với người vợ Priscilla Chan và một bác sĩ nhi khoa đã cam kết dành 3 tỷ USD cho nỗ lực này. Chính nghiên cứu của UN mà chúng ta đang đề cập đến cũng được tài trợ bởi quỹ từ thiện của tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates.

17 Mục tiêu phát triển bền vững mà UN đang theo đuổi là sự tiếp nối cho các mục tiêu thiên niên kỷ - sáng kiến được UN triển khai từ năm 2000 đến 2015 đã giúp 1 tỷ người thoát khỏi đói nghèo và giảm một nửa tỷ lệ tử vong trong nhóm trẻ em từ 5 tuổi trở xuống.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM