Không phải “Made in China”, bây giờ là kỷ nguyên của "Made in Bangladesh"

11/06/2019 11:30 AM | Xã hội

22 năm trước, mua mì ăn ở Bangladesh còn khó, điện mất thường xuyên. Đến nay, quốc gia Nam Á này tăng trưởng trung bình 6%/năm trong cả thập kỷ qua, hàng hóa gắn mác "Made in Bangladesh" thay vì "Made in China".

Năm 1997, khi doanh nhân người Trung Quốc Leo Zhuang Lifeng đến Bangladesh, sân bay ở đây chỉ có 2 băng chuyền hoạt động. Ánh sáng thậm chí còn không đầy đủ, điện mất thường xuyên và cơ sở hạ tầng thiếu thốn.

Zhuang (55 tuổi) hiện là giám đốc Tập đoàn LDC Group với quy mô hơn 20.000 công nhân. Năm đó, ông đến đất nước Nam Á này để thành lập các nhà máy may mặc, tận dụng chi phí lao động thấp và nguồn cung công nhân dồi dào. "Nhưng sau đó, hàng hóa hàng ngày cũng trong tình trạng thiếu thốn, đến việc mua mì ăn liền cũng chẳng dễ dàng gì.", Zhuang chia sẻ.

Tuy nhiên, đó là chuyện của 22 năm trước. "Bangladesh đã trải qua những thay đổi to lớn, mặc dù tất nhiên bạn không thể so sánh với những gì Trung Quốc đã trải qua.", ông nói thêm.

Dòng vốn từ Trung Quốc ồ ạt đổ về Bangladesh

Các tổ hợp nhà máy của Zhuang lớn đến mức chúng chẳng khác gì những ngôi làng. Nơi đây có các trung tâm y tế tư vấn miễn phí cho nhân viên và thành viên gia đình, cũng như trung tâm chăm sóc ban ngày cho con của họ.

Không phải “Made in China”, bây giờ là kỷ nguyên của Made in Bangladesh - Ảnh 1.

Trung tâm chăm sóc y tế và chăm sóc trẻ em ở khu nhà máy của LDC Group.

Những tổ hợp như vậy hiện có ở khắp mọi nơi trên Bangladesh, vì Trung Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài khác đã tiếp tục đến đây. Những khoản đầu tư này đã biến một đất nước từ thiếu điện, mì,... thành một "cường quốc sản xuất" với 3,5 triệu lao động, sản xuất quần áo cho các thương hiệu địa phương và quốc tế như Uniqlo và H&M. Các thương hiệu xa xỉ như Michael Kors cũng có một số sản phẩm được sản xuất tại đây.

Trong bối cảnh chi phí nhân công lao động ở Trung Quốc đang ngày càng tăng, cùng với việc căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ đã khiến sức hút của quốc gia hơn 1,4 tỷ dân không còn như trước. Khi đó, Bangladesh là một lựa chọn được nhiều công ty yêu thích, đưa nước này đến một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của "Made in Bangladesh".

Không phải “Made in China”, bây giờ là kỷ nguyên của Made in Bangladesh - Ảnh 2.

Công nhân tại một nhà máy do Trung Quốc điều hành ở Bangladesh, sản xuất 12 triệu đồ chơi mỗi năm.

Sự hỗ trợ của Bắc Kinh cho Bangladesh được thấy rõ qua trong 27 thỏa thuận đầu tư và cho vay mà hai nước đã ký kết - với số tiền lên tới 24 tỷ USD - khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm năm 2016. Đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Bangladesh bùng nổ sau chuyến thăm của chủ tịch nước, đạt 506 triệu USD trong năm tài chính 2017/2018, theo tờ báo The Financial Express của Bangladesh, tăng đáng kể từ 68,5 triệu USD trong năm 2016/2017.

Từ "Made in China" đến "Made in Bangladesh"

Giống như nhiều doanh nhân Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, Chang, 53 tuổi, cũng thành lập các nhà máy ở Bangladesh do chi phí nhân công trong nước tăng cao. "Đó không chỉ là tiền lương, những lợi ích phúc lợi xã hội mà chúng tôi cần để cung cấp cho công nhân ở đại lục cũng đang tăng lên.", ông nói.

Một thập kỷ trước, công ty của Chang có các nhà máy tại Thâm Quyến, Quảng Châu và Côn Minh, Hà Nam. Ông đã đóng cửa nhà máy Quảng Châu và giảm hoạt động của những nhà máy ở Trung Quốc khác. Giờ đây, 93% hoạt động sản xuất tóc giả của công ty ông được sản xuất tại Bangladesh.

Không phải “Made in China”, bây giờ là kỷ nguyên của Made in Bangladesh - Ảnh 3.

Công nhân Bangladesh làm tóc giả cho Tập đoàn Evergreen Products Group được niêm yết ở Hồng Kông.

Trước khi chuyển các nhà máy của mình đến đó, Chang phải trả cho công nhân Trung Quốc khoảng 2.000 nhân dân tệ (289 USD) mỗi tháng. Ngay sau khi di dời, ông đã trả cho nhân viên địa phương mức lương tối thiểu hàng tháng chỉ là 170 nhân dân tệ, tương đương 25 USD.

Mức lương tối thiểu ở Bangladesh hiện là 95 USD một tháng, vẫn thấp hơn so với các nước châu Á khác như 182 USD ở Campuchia hay 180 USD một tháng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hay 3,60 USD mỗi ngày ở Myanmar.

Zhuang, hiện là chủ tịch Hiệp hội Hoa kiều ở Bangladesh, ước tính chỉ có 20 đến 30 công ty Trung Quốc ở Bangladesh 22 năm trước. Con số này giờ đã tăng lên khoảng 400.

Giám đốc Zhuang từ Tập đoàn LDC cũng cho biết lý do mà Bangladesh trở thành điểm dừng chân của ông cùng nhiều nhà đầu tư khác. Họ không chọn Campuchia vì ở đây tham nhũng rất phổ biến, lại có các công đoàn mạnh trong khi dân số quá ít, chỉ 16 triệu dân, bằng 1/10 so với Bangladesh. Việt Nam cũng không được lòng do chi phí sản xuất và tiền lương đang tăng nhanh.

Bộ mặt của đất nước thay đổi

"Điện ở đây rất tệ. Luôn có sự cố mất điện trong văn phòng ở Bangladesh của tôi mỗi khi tôi đến, kéo dài trong một giờ mỗi lần. Nhưng gần như không có sự cố mất điện trong những năm gần đây. Các con đường hiện đang được mở rộng. Đường cao tốc và cầu vượt cũng đang được xây dựng.", ông Chang chia sẻ.

Trong những năm đầu ở Bangladesh, không có chuyến bay nào từ Dhaka đến nơi đặt nhà máy của ông. Mặc dù có một sân bay, nó không mở cửa vì hầu như chẳng ai sử dụng. Do vậy, Mỗi lần đến nhà máy, Chang phải di chuyển bằng đường bộ từ 9 đến 12 giờ, tùy thuộc vào điều kiện giao thông. Nhưng hiện nay, ngày nào cũng có những chuyến bay đến các nhà máy của ông ở khu vực Uttara.

Chính các công ty từ Trung Quốc đã biến ngành may mặc ở quốc gia Nam Á trở thành ngành công nghiệp trị giá 30 triệu USD, chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Không phải “Made in China”, bây giờ là kỷ nguyên của Made in Bangladesh - Ảnh 4.

Công nhân làm kính mắt tại một nhà máy thuộc sở hữu của doanh nhân Hồng Kông ở Khu chế xuất Uttara, Bangladesh.

Nền kinh tế của Bangladesh đã đạt mức tăng trưởng trung bình trên 6% hàng năm trong gần một thập kỷ, đạt 7,86% trong năm tính đến tháng 6/2018. Thu nhập bình quân đầu người tăng gần 3 lần kể từ năm 2009, đạt 1.750 USD trong năm 2018. Số người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ - được phân loại dưới 1,25 USD mỗi ngày - đã giảm từ khoảng 19% dân số xuống dưới 9% so với cùng kỳ, theo Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng vẫn còn là điểm yếu kém ở Bangladesh. Cảng Chittagong, cảng chính ở Đông Nam Bangladesh, đã xử lý khoảng 2,56 triệu đơn vị hàng hóa, tương đương 20 feet (TEUs) trong năm 2017, nhiều hơn công suất thiết kế hàng năm là 1,7 triệu TEUs mỗi năm. Cảng cũng không thể xử lý các tàu container lớn vì quá hẹp. Điều này khiến cho việc vận chuyển hàng hóa từ Bangladesh về Trung Quốc khó khăn và lâu hơn đáng kể so với từ Campuchia.

Người lao động cũng bắt đầu có những bất đồng, đổ xuống đường, đình công vì tình trạng lương thấp.

Bẫy nợ

Những khoản đầu tư từ chính phủ Trung Quốc có thể coi là động lực chính cho sự phát triển của Bangladesh, dấy lên mối lo ngại rằng quốc gia Nam Á này có thể rơi vào "bẫy nợ" của nước bạn.

Chen Wei, phó trưởng phái đoàn tại đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Dhaka, từ chối cho biết tỷ lệ các khoản vay trong các thỏa thuận đã ký năm 2016. Nhưng ông nhấn mạnh rằng những lo ngại về việc Trung Quốc tạo ra một cái bẫy nợ cho Bangladesh hoàn toàn là hiểu lầm và vô căn cứ.

Giáo sư Brahma Chellaney, từ Trung tâm nghiên cứu chính sách New Delhi, ước tính rằng nợ trung và dài hạn của Bangladesh, tương đương với khoảng 14% tổng sản phẩm quốc nội. Mức độ nợ này là vừa phải.

Không phải “Made in China”, bây giờ là kỷ nguyên của Made in Bangladesh - Ảnh 5.

Doanh nhân Hồng Kông, ông Felix Chang Yoe-chong là chủ tịch của Tập đoàn Evergreen Products Group, có 18.000 công nhân tại Bangladesh.

"Trong khi đó, Bangladesh muốn đảm bảo rằng mức nợ của mình vẫn có thể kiểm soát được. Vì vậy, họ muốn thực hiện các dự án do Trung Quốc tài trợ với cách tiếp cận khôn ngoan", ông nói. Thêm vào đó, thỏa thuận gây tranh cãi của Sri Lanka ký kết các hoạt động của cảng Hambantota tới Trung Quốc trong 99 năm cũng đã là một lời cảnh tỉnh cho Bangladesh để tránh rơi vào bẫy nợ.

Chellaney nói thêm rằng Bangladesh đã dựa vào sự hỗ trợ không chỉ từ Trung Quốc, mà cả Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc để thúc đẩy nền kinh tế. "Mặc dù Trung Quốc đặt dấu chân mở rộng ở Bangladesh, sự hỗ trợ và đầu tư của Ấn Độ và Nhật Bản vẫn rất quan trọng. Bangladesh mong muốn duy trì sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng của mình bằng cách hợp tác với tất cả các cường quốc, mà không chọn riêng một quốc gia nào." ông nói.

Bangladesh, quốc gia xuất khẩu quần áo lớn thứ hai sau Trung Quốc, dự kiến sẽ xuất khẩu 39 tỷ USD hàng hóa này trong năm nay. Trong khi đó, chính phủ đặt mục tiêu con số sẽ là 50 tỷ USD vào năm 2021.

T.Dương

Cùng chuyên mục
XEM