“Không phải lương tối thiểu, mức bảo hiểm mới từ 2018 mới là vấn đề lo lắng hơn”

15/09/2017 11:03 AM | Kinh tế vĩ mô

TS. Nguyễn Viết Cường – Phó viện trưởng Viện chính sách công và quản lý cho rằng việc đóng bảo hiểm xã hội trên tổng thu nhập từ đầu năm 2018 là vấn đề gây lo lắng hơn so với những tranh cãi về tăng lương tối thiểu hiện nay.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa phối hợp với Văn phòng JICA tại Việt Nam tổ chức công bố kết quả nghiên cứu về “ Tiền lương và Năng suất Lao động ở Việt Nam”.

Báo cáo nghiên cứu cho thấy, hơn một thập kỷ gần đây, lương tối thiểu của Việt Nam liên tục tăng nhanh, trung bình mỗi năm tăng 2 con số. Tốc độ tăng lương vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng nhanh hơn các nước trong khu vực, trong khi năng suất lao động thấp hơn các nước láng giềng. Cùng đó, phần doanh nghiệp phải chi trả cho các khoản bảo hiểm xã hội cũng tăng theo.

Theo con số được ra trong báo cáo, giai đoạn 2004-2015, năng suất lao động trung bình của Việt Nam đạt 4,4%/năm, nhưng lương bình quân tăng tới 5,8%/năm (tăng cao hơn năng suất lao động 1,4%/năm).

“Lương của nước ta tăng liên tục nhưng không liên quan tới năng suất lao động và cũng không rõ trên cơ sở nào, có thể chỉ là do làm hài lòng người lao động…”, TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR – đại diện nhóm nghiên cứu nói.

Góp ý về báo cáo trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần nhấn mạnh thêm nữa phần năng suất lao động Việt Nam. “Trong báo cáo Việt Nam 2035, mối lo số một được đưa ra đó là chính lo ngại năng suất lao động thấp và suy giảm”, bà Lan nói.

Bà Lan cũng cho rằng rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến năng suất chứ không chỉ có việc tăng lương và nếu năng suất lao động không tăng thì không có lý do gì tăng lương tối thiểu.

“Rất nhiều dự báo đưa ra có đề cập tới nguy cơ nhiều ngành nghề sẽ bị mất việc làm tương đối lớn như dệt may, da giày. Do vậy khi đề cập đền tiền lương cần phải đặt trong mối thách thức về vấn đề việc làm. Nhiều khi chúng ta bảo vệ tiền lương những người có việc làm nhưng lại không nghĩ đến những người thất nghiệp”, bà Lan nói.

Trong khi đó, ông Mai Đức Chính - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng nghiên cứu vừa được công bố còn nhiều vấn đề phải xem xét.

Theo nhận định của vị này, báo cáo có phần “nghiêng” về doanh nghiệp còn chưa quan tâm nhiều đến người lao động. Lãnh đạo Liên đoàn lao động cho biết khảo sát tại một số khu công nghiệp, qua đó nhận thấy lương của hai vợ chồng công nhân 10 triệu đồng mỗi tháng là không đủ sống.

“Lương tối thiểu của người lao động hiện nay chưa đủ sống. Trong khi đó. Điều 91 Bộ luật Lao động quy định mức lương tối thiểu phải đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Đáng lẽ năm 2013 chúng ta đã phải đáp ứng đủ yêu cầu này, song do doanh nghiệp kêu khó khăn nên chúng ta mới phải “giãn” việc tăng lương”, ông Chính cho biết.

Vị này cũng chỉ ra rằng, hiện các doanh nghiệp đang “né” trách nhiệm bằng cách xây dựng hai hệ thống bảng lương. Trong đó, một bản lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội.

“Như vậy, các doanh nghiệp đang lợi dụng tiền lương tối thiểu làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội. Từ đó, tiền lương tối thiểu trở nên méo mó”, ông Chính nêu. Ông Chính cho biết, từ 1/1/2018, mức đóng bảo hiểm xã hội mới sẽ tính trên tổng thu nhập, lúc đó cơ quan thuế và Bảo hiểm Xã hội sẽ có sự phối hợp với nhau để đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động.

Phản biện lại góp ý của ông Chính, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR khẳng định thông điệp của báo cáo nghiên cứu là rất rõ ràng. “Không phải chúng ta làm tổn hại đến người lao động. Mà điều quan trong là tăng lương hiện nay không làm cho năng suất được cải thiện”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, việc cải thiện tiền lương cũng như đời sống của người lao động phải phụ thuộc vào năng suất của họ. Trong khi đó, năng suất lao động lại phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có kỹ năng người lao động và vấn đề quan trọng hơn đó là mật độ vốn của nền kinh tế, hay nói cách khác đó là sự thành công của doanh nghiệp.

“Mật độ vốn càng cao thì năng suất lao động sẽ càng cao. Doanh nghiệp không tăng được vốn thì không thể tăng năng suất lao động được. Điều này buộc chúng ta phải có kỷ luật tiền lương bởi nếu cứ tăng lương quá cao mà không phải do tăng năng suất lao động thì doanh nghiệp sẽ không có tích luỹ, không đổi mới được công nghệ, mở rộng sản xuất”, ông Thành phân tích.

Trước những ý kiến trái chiều liên quan tới việc tăng lương tối thiểu hiện nay, TS. Nguyễn Viết Cường – Phó viện trưởng Viện chính sách công và quản lý cho rằng điều đáng quan tâm hiện nay đó chính là quy định mới về mức đóng bảo hiểm xã hội kể từ đầu năm 2018.

Theo ông Cường, việc tăng lương tối thiểu hiện nay sẽ tác động lớn đến số doanh nghiệp căn cứ vào lương tối thiểu để đóng BHXH. Mức độ ảnh hưởng nói chung có tiêu cực nhưng không nhiều.

“Tuy nhiên, như anh Mai Đức Chính (Phó tổng liên đoàn lao động Việt Nam - PV) có đề cập, từ 1/1/2018, chúng ta sẽ đóng bảo hiểm xã hội trên tổng thu nhập. Khi đó tác động sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc tăng lương tối thiểu. Với mức lương 10 triệu như anh Chính là rất khó để sống, nhưng hiện nay người lao động mới chỉ đóng trên hơn 3 triệu, sắp tới người lao động sẽ phải đóng trên cả 7 triệu còn lại. Tức là trong ngắn hạn, người lao động sẽ thay đổi thu nhập vì phải đóng thêm bảo hiểm”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, trong ngắn hạn khi chưa tính đến các khoản phúc lợi sau này thì đây là vấn đề lo lắng không chỉ đổi với doanh nghiệp mà còn với người lao động khi thu nhập thay đổi. Lúc đó sẽ vừa có ảnh hưởng đến tổng cung, vừa ảnh hưởng đến tổng cầu.

Theo N Mạnh

Cùng chuyên mục
XEM