Không phải London, đây mới là thành phố ô nhiễm không khí nhất Châu Âu

16/01/2017 09:26 AM | Xã hội

Ô nhiễm không khí ở Ba Lan đang ở mức báo động khiến Chính phủ phải ra quyết định miễn phí dịch vụ xe công cộng để giảm lưu lượng phương tiện cá nhân.

Cư dân thành phố Warsaw đang "học hỏi kinh nghiệm" từ những quốc gia ô nhiễm hàng đầu trên thế giới nhằm đối phó với tình trạng khói bụi dày đặc như hiện nay bằng cách đeo khẩu trang trước khi ra đường. Chính quyền thành phố liên tục đưa ra báo động đỏ về tình trạng ô nhiễm không khí đã chạm mức 437 µg/m³- vượt ngưỡng cho phép rất nhiều lần.

Các quan chức địa phương đã phải ra quyết định miễn phí dịch vụ xe công cộng vào hôm 9/1 nhằm giảm lưu lượng phương tiện cá nhân. Trong khi đó, tờ IFLScience vừa qua cũng đã đăng tải thông tin thủ đô Paris đang phải đối mặt với mùa đông tồi tệ nhất trong 10 năm qua với sương mù dày đặc cùng với đó là khói bụi ô nhiễm nghiêm trọng ở mức 80 µg/m³.

Theo chỉ số chất lượng không khí ở các khu vực thành phố Warsaw cho thấy nồng độ một số chất khí độc hại như Cacbon mônôxit (CO), Lưu hình điôxit đã chạm tới ngưỡng nguy hiểm 176 µg/m³, so với mức 196 µg/m³ ở thành phố Bắc Kinh. Trong khi đó hàm lượng chất khÍ này ở một số thành phố lớn khác như New York và London đang ở mức khá thấp lần lượt là 32 µg/m³ và 71 µg/m³. Các quan chức thành phố Warsaw phát đi cảnh báo người dân không nên ra đường nếu như không có việc khẩn cấp.

Không giống như hầu hết các nước khác ở Châu Âu, Ba Lan sử dụng than như một nguồn nguyên liệu chính để sản xuất điện (chiếm khoảng 80% sản lượng điện của toàn quốc). Ngoài ra, quốc gia này còn tận dụng rác thải để làm nguyên liệu đốt, phục vụ cho mục đích sưởi ấm vào mùa đông. Điều này lý giải cho làn khói bụi ô nhiễm lẫn trong sương mù dày đặc ở Ba Lan mỗi khi mùa đông tới.

Tuy nhiên, bất chấp mối nguy hại về môi trường và sức khỏe người dân, Chính phủ Ba Lan vẫn tiếp tục tập trung đầu tư vào ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch nhằm cung cấp việc làm cho thị trường lao động thay vì chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trong bảng xếp hạng 50 thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất châu Âu thì Ba Lan chiếm tới 33 thành phố. Cư dân ở các khu công nghiệp đang phải sống chung với ô nhiễm không khí trong nhiều năm dài. Thậm chí một số thành phố du lịch lớn như Krakow cũng không thoát khỏi sự bao phủ của khói bụi. Các bệnh liên quan đến đường hô hấp như bệnh hen và một số vấn đề về tim mạch, tuần hoàn máu đang gia tăng nhanh ở các khu vực ô nhiễm này.

Đức Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM