Không phải kiếm tiền, đây mới là động lực khởi đầu tạo nên những công ty lớn trên thế giới được cựu cố vấn Apple tiết lộ

12/03/2019 09:49 AM | Kinh doanh

Có một chuyện thần thoại rằng những công ty thành công bắt đầu với những ý tưởng lớn lao. Điều này ngụ ý là để đạt được thành công, các doanh nhân nên bắt đầu với những mục tiêu hoành tráng.

Guy Kawasaki người giúp Apple trở thành hiện tượng mà bất kỳ ai cũng mơ ước. Khi ông làm việc ở Apple từ 1983 tới 1987, công ty đã trải qua những thăng trầm, thăng kỳ diệu và trầm thảm thương.

Sau khi rời khỏi Apple, Guy Kawasaki đã tự mình tạo dựng nên bốn công ty, đã là thành viên ban giám đốc của ba công ty khác. Từ kinh nghiệm quan sát của mình, ông cho thấy rằng những công ty lớn bắt đầu với những câu hỏi đơn giản như sau:

Thế thì sao?

Câu hỏi này xuất hiện khi bạn nhận ra hay dự đoán một xu thế và muốn biết về tương lai của nó. Nó sẽ như thế này: “Ai cũng có điện thoại thông minh với camera và kết nối Internet”. “Thế thì sao?”. “Họ có thể sẽ chụp ảnh và chia sẻ”. “Thế thì sao?”. “Chúng ta nên tạo ra một ứng dụng cho phép mọi người đăng ảnh, xếp hạng và đưa ra các bình luận”. Và thế là, a lê hấp, Instagram ra đời.

Cái này thú vị mà, phải không?

 Sự tò mò thông minh và những phát hiện tình cờ đã chứng minh cho phương pháp này. Khi Spencer Silver đang cố tạo ra một loại keo mới nhưng ông chỉ chế được chất vừa đủ kết dính các tờ giấy lại với nhau. Thứ vớ vẩn này đã dẫn đường tới Post-it Notes – giấy ghi chú.

 Ray Kroc, khi là người bán thiết bị, đã chú ý tới một đơn đặt hàng tám máy trộn thức ăn đến từ một cửa hàng nhỏ ở một nơi xa xôi. Vì tò mò, Ray đến thăm cửa hàng và thực sự ấn tượng với sự thành công của nó. Ông trình bày ý tưởng về các nhà hàng tương tự với Dick và Mac McDonald. Đấy là xuất phát điểm nhỏ bé của một gã khổng lồ, và phần còn lại của nó đã đi vào lịch sử.

Có các nào tốt hơn không?

Không hài lòng với thực tại là chỉ dấu cho con đường này. Ferdinand Porsche đã từng ta thán rằng “Ban đầu khi nhìn quanh, không tìm được chiếc xe mơ ước, tôi quyết định tự làm cho mình một chiếc”  . Hay Steve Wozniak tạo ra Apple I vì ông tin rằng có cách tiếp cận máy tính tốt hơn so với phải làm cho chính phủ, trường đại học hay các công ty lớn. Còn Larry Page và Sergey Brin thì nghĩ rằng việc tính toán số lượng liên kết tới website của bạn (inbound links) là một cách tốt hơn để ưu tiên hóa các kết quả tìm kiếm, và Google ra đời. 

Tại sao công ty chúng ta không làm điều đó?

 Không hài lòng với sếp là chất xúc tác trong trường hợp này. Bạn đã quen với thị trường và nhu cầu của khách hàng. Bạn đề xuất với sếp rằng công ty nên tạo ra một sản phẩm mà khách hàng cần nó, nhưng sếp lại bỏ ngoài tai. Rốt cuộc, bạn bỏ việc và tự làm lấy.

Điều đó có thể mà, tại sao chúng ta không làm nhỉ?

 Thị trường dành cho những sáng tạo lớn hiếm khi sớm rõ ràng, thế nên thái độ “cứ làm tới” đặc trưng cho hướng đi này. Ví dụ, quay trở lại những năm 1970, khi mà một chiếc điện thoại di động là thứ không thể hình dung được đối với đa số mọi người thì Motorola phát minh ra nó. Vào lúc đó, điện thoại kết nối địa điểm chứ không phải mọi người với nhau.

Tuy nhiên, Martin Cooper và các kỹ sư ở Motorola dấn tới và làm ra nó, và phần còn lại là của lịch sử. Đừng để bất kỳ ai nói với bạn rằng nguyên lý “Nếu chúng ta tạo ra nó, người ta sẽ đến” không thể áp dụng.

“Cội nguồn của các công ty lớn là trả lời các câu hỏi đơn giản làm thay đổi thế giới, chứ không phải mong muốn trở nên giàu có.”

Đâu là điểm yếu của người dẫn đầu thị trường?

 Có ba điều làm cho người dẫn đầu yếu đi: Thứ nhất, họ chăm chăm vào một cách kinh doanh. Ví dụ như IBM phân phối máy tính qua các đại lý, vì thế Dell có thể đổi mới bằng cách bán trực tiếp. Thứ hai là khi khách hàng của họ không còn hài lòng nữa. Một ví dụ là việc phải lái xe tới các cửa hàng của Blockbuster để thuê và trả băng video đã tạo cơ hội cho Netflix. Điều thứ ba chính là khi người dẫn đầu đang tận dụng sản phẩm hái ra tiền của mình và ngừng sáng tạo. Đây là thứ làm cho Microsoft Office thua kém Google Docs.

“Làm sao kiếm được thật nhiều tiền?” không phải là một trong các câu hỏi. Bạn có thể cho rằng đây chỉ là chủ nghĩa lý tưởng, nhưng Guy Kawasaki tin rằng cội nguồn của các công ty lớn là trả lời các câu hỏi đơn giản làm thay đổi thế giới, chứ không phải mong muốn trở nên giàu có.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM