Không phải iPhone hay iPad, mảng kinh doanh 50 tỷ USD này mới mang ý nghĩa sống còn đối với Apple

06/04/2016 10:51 AM | Công nghệ

Apple đang kiếm được rất nhiều tiền từ việc bán iPhone và iPad, tuy nhiên nếu không có mảng kinh doanh phần mềm và dịch vụ thì Apple cũng sẽ sớm thất bại.

Apple , công ty có giá trị thị trường cao nhất trên thế giới, vừa mới công bố tổng số lượng các thiết bị iPhone, iPad, máy tính Mac và Apple Watch đang được sử dụng trên thế giới. Và con số này đã đạt mốc 1 tỷ thiết bị, theo CEO Tim Cook cho biết.

Tuy nhiên con số đó không phản ánh có bao nhiêu người đang sử dụng các thiết bị của Apple, bởi vì nhiều người sử dụng cùng lúc cả iPhone, iPad và máy tính Mac.

Các nhà phân tích của Credit Suisse đã thu thập một số dữ liệu khảo sát và ước tính có khoảng 588 triệu người dùng sản phẩm của Apple trên toàn thế giới. Tương đương với mỗi khách hàng sở hữu 1,7 thiết bị của Apple.

Apple sẽ thay đổi

Những con số trên rất quan trọng đối với Apple, khi mà hãng sản xuất smartphone này đang cố gắng thay đổi. Từ trước đến nay, phần lớn doanh thu của Apple đến từ việc bán các thiết bị phần cứng.

Tuy nhiên trong tương lai mảng kinh doanh này có thể sẽ không còn là trọng tâm của Apple nữa, thay vào đó Apple sẽ trở thành một “công ty dịch vụ”. Giống như Google hay Microsoft, vì dịch vụ cung cấp nhiều giá trị hơn trong việc sử dụng các thiết bị và đặc biệt là các thiết bị cũ.

Credit Suisse dựa trên những số liệu họ thu thập được từ iTunes, App Store, Apple Music, iCloud và Apple Pay, so sánh với giá trị cổ phiếu hiện tại của Apple để dự đoán tương lai của các dịch vụ này.

Và các chuyên gia phân tích cho biết, tiềm năng của các dịch vụ này có thể giúp Apple tiếp tục nâng cao giá trị của mình trên thị trường, cao hơn rất nhiều so với hiện tại. Credit Suisse nhận định giá cổ phiếu của Apple sẽ có thể chạm mốc 150 USD/cổ phiếu, trong khi mức giá hiện tại là 111 USD/cổ phiếu.

Chính vì vậy, không phải iPhone hay iPad mà chính là các dịch vụ này mới là mảng kinh doanh tiềm năng của Apple trong tương lai.

Apple, một công ty phần mềm và dịch vụ

Theo ước tính của các chuyên gia, doanh thu từ tất cả các dịch vụ của Apple có thể tăng lên gấp đôi vào năm 2020 và đạt mốc 53 tỷ USD. Apple cũng tuyên bố doanh thu từ các dịch vụ đạt 21 tỷ USD trong năm 2015.

Hãng sản xuất iPhone còn ám chỉ rằng doanh thu từ dịch vụ của mình còn cao hơn cả một số công ty cung cấp dịch vụ internet, như Facebook với 17,9 tỷ USD doanh thu năm 2015. Trong khi đó tổng doanh thu của Apple trong năm 2015 đạt 231 tỷ USD.

Con số này cho thấy mảng dịch vụ của Apple vẫn còn nhỏ hơn khá nhiều so với mảng kinh doanh thiết bị phần cứng. Tuy nhiên trong tương lai, khi mà việc bán các thiết bị trở nên khó khăn thì doanh thu từ dịch vụ sẽ chiếm một tỷ trọng lớn hơn và có ý nghĩa hơn đối với Apple.


Hệ sinh thái iOS là thứ giúp giữ chân người sử dụng.

Hệ sinh thái iOS là thứ giúp giữ chân người sử dụng.

Trong tương lai, mảng dịch vụ này còn có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Không chỉ nhờ số lượng người dùng mà còn vì những người dùng sản phẩm Apple sẵn sàng bỏ tiền để sử dụng dịch vụ và phần mềm.

Theo thống kê của Credit Suisse, người dùng Apple có thu nhập cao hơn 50% so với thu nhập bình quân tại các thị trường mới nổi.

Người dùng sản phẩm Apple cũng thường xuyên sử dụng dữ liệu di động hơn với tỷ lệ 63%, so với người sử dụng Android chỉ là 29%. Nó có nghĩa là họ sử dụng nhiều dịch vụ trực tuyến hơn.

Họ cũng có xu hướng thay thế thiết bị cũ của mình thường xuyên hơn so với người dùng Android. Bên cạnh đó, các khách hàng của Apple trung thành hơn với tỷ lệ 90% không thay đổi sang các thương hiệu khác.

Tuy nhiên có một vấn đề đối với các dịch vụ của Apple, đó là vẫn còn những dịch vụ và phần mềm chưa có được sự tin tưởng của người sử dụng. Như các lỗi đã từng xuất hiện trên Apple Maps và nhiều ứng dụng khác, hay việc Apple phải thuê các dịch vụ và cơ sở lưu trữ dữ liệu của Google và Amazon.

Apple cũng biết điều đó, vì vậy mà họ đã có kế hoạch để xây dựng một trung tâm dữ liệu của riêng mình. Dự án này được gọi là Project McQueen, được phát triển với kỳ vọng giúp Apple không còn phụ thuộc vào các cơ sở lưu trữ dữ liệu của Google và Amazon. Nhờ đó Apple cũng có thể tự hoàn thiện các dịch vụ trực tuyến của mình.

Phần mềm và dịch vụ mới là yếu tố giữ chân người dùng

Bên cạnh thương hiệu đẳng cấp, thiết kế thời trang, các sản phẩm của Apple luôn thu hút khách hàng nhờ hệ sinh thái iOS. Một khi khách hàng đã gắn bó với hệ sinh thái này, như ứng dụng nhắn tin iMessage, họ sẽ không muốn rời bỏ nó.


Có thể sẽ không phải là một thiết bị phần cứng, mà sẽ là phần mềm và dịch vụ.

Có thể sẽ không phải là một thiết bị phần cứng, mà sẽ là phần mềm và dịch vụ.

Chính vì vậy mà không phải phần mềm và dịch vụ nào của Apple cũng nhằm đạt được lợi nhuận, việc phát triển chúng còn để nâng tầm các sản phẩm của Apple. Nó giúp khẳng định rằng các sản phẩm của Apple là cao cấp và luôn được cung cấp những dịch vụ tốt nhất.

Việc giữ chân được khách hàng sẽ giúp tiền chảy vào túi của Apple. Cứ mỗi khi họ ra một sản phẩm mới mặc dù không có quá nhiều cải tiến, vẫn có những khách hàng chấp nhận bỏ thiết bị cũ của mình để nâng cấp lên thiết bị mới của Apple.

Theo TVD

Cùng chuyên mục
XEM