Không phải dược phẩm, Bách Hóa Xanh mới là mục tiêu của MWG trong năm 2018

26/12/2017 08:38 AM | Kinh doanh

Không mở thêm cửa hàng điện thoại mới vào năm tới, ông Nguyễn Đức Tài cho biết sẽ tập trung mọi nguồn lực vào chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh. Dự kiến MWG sẽ có 800 – 1.000 siêu thị trong 5 năm tiếp theo.

Năm 2017, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) xuất hiện với tần suất thấp hơn trong các cuộc hội thảo, hội nghị để nói về sự tăng trưởng và cạnh tranh của MWG. Có lẽ, vị Chủ tịch đang có quá nhiều những bộn bề trong việc mở rộng MWG mà ít có thời gian rảnh rỗi, hoặc những dự định mới đang ở mức khởi đầu, cần nhiều thời gian cho các trải nghiệm.

Tuy nhiên, tại hội nghị Gateway to Vietnam 2017 với chủ đề Thị trường vốn – Động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế do CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tổ chức vừa qua, trong buổi đối thoại với nhà đầu tư quốc tế, ông Tài đã có nhiều chia sẻ thú vị, đủ để hình dung ra một diện mạo khác của MWG trong tương lai.

Không phải dược phẩm, Bách Hóa Xanh mới là mục tiêu của MWG trong năm 2018 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Tài (Ảnh: Dương Lê)

Đi bộ 5 - 10 phút sẽ thấy một cửa hàng Bách Hóa Xanh

Trong 10 tháng đầu năm nay, MWG đã mở mới 116 siêu thị điện thoại, 310 siêu thị điện máy và 173 siêu thị Bách Hóa Xanh. Tính đến hết tháng 10, MWG có 1.067 siêu thị điện thoại, 566 siêu thị điện máy và 211 siêu thị Bách Hóa Xanh. Nhìn vào các con số này, có thể thấy tốc độ mở rộng cửa hàng điện thoại đã chững lại, nhường bước cho việc gia tăng của cửa hàng điện máy và cửa hàng bách hóa.

Ông Nguyễn Đức Tài thừa nhận MWG sẽ không đẩy mạnh mở mới các cửa hàng điện thoại vào năm 2018, hiện công ty đã có mức thị phần khoảng 45% trong mảng này. Đối với chuỗi điện máy, công ty sẽ mở rộng thêm đến giữa năm 2018 để đạt nhiều nhất 650 cửa hàng với kỳ vọng thị phần khoảng 35 - 40%.

Tuy nhiên, ông Tài dành nhiều sự quan tâm và kỳ vọng cho chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh. Ông nói năm 2018, mọi nguồn lực sẽ được tập trung cho hoạt động kinh doanh tại chuỗi này, sẽ tăng tốc mở rộng ở TP Hồ Chí Minh. "Có thể năm sau khách hàng cứ đi bộ 5 - 10 phút sẽ thấy 1 cửa hàng Bách hóa xanh. Khách hàng sẽ thấy 30 - 50 cửa hàng mới mỗi tháng. Chúng tôi cũng sẽ làm việc trực tiếp với nhà sản xuất để tìm nguồn hàng tươi và đảm bảo chất lượng", Chủ tịch MWG cho biết.

Sự phát triển thần tốc của chuỗi Bách Hóa Xanh này trong dự định của ông Tài khiến nhiều người liên tưởng về việc MWG đã làm với chuỗi cửa hàng điện thoại. Có thời điểm, MWG mở 3 cửa hàng trong 2 ngày, tới mức thức dậy sau một đêm là thấy cửa hàng thegioididong.com mọc lên trước mặt. Với sự tin tưởng thị trường kinh doanh siêu thị khoảng 50 - 60 tỷ USD/năm, ông Tài kỳ vọng 5 năm tới, MWG có thể chiếm 10% thị phần bán lẻ siêu thị, tương đương quy mô 800 - 1.000 cửa hàng. Biên lợi nhuận ròng được kỳ vọng khoảng 2%.

Nói về hoạt động của chuỗi này, ông Tài cho biết thực phẩm tươi sống được gửi tới mỗi cửa hàng vào lúc 6 - 7h. Trong tương lai, việc giao hàng sẽ diễn ra 2 lần/ngày, vào buổi sáng và buổi chiều. Hàng hóa trong siêu thị phần lớn của các thương hiệu quốc tế như Procter & Gamble, Unilever. Vinamilk là thương hiệu Việt lớn duy nhất trong Bách Hóa Xanh. Ngoài ra, Bách Hóa Xanh có bán nước mắm, mắm tôm và các thực phẩm truyền thống khác.

Dễ dàng nhận thấy, các cửa hàng điện thoại được MWG đặt tại những con phố thương mại sầm uất nhưng siêu thị lại có mặt ở những con phố nhỏ, cạnh khu vực dân cư. Hiện, Bách Hóa Xanh mới chỉ ở 3 quận tại TP Hồ Chí Minh. Chi khoảng 80.000 USD cho mỗi cửa hàng, ông Tài đánh giá kinh doanh bách hóa nhiều rủi ro nhưng chủ yếu là cần quản lý chất lượng. Ông ví dụ nếu hôm nay có cam tươi, khách hàng sẽ đến mua nhưng nếu ngày mai cam kém, khách sẽ bỏ đi. Vì vậy MWG phải rất thận trọng trong việc đảm bảo chất lượng của thực phẩm tươi sống.

Trong tương lai, ông Tài cho biết MWG cũng sẽ cân nhắc vay dài hạn để tài trợ vốn cho mảng kinh doanh Bách Hóa Xanh. Bởi ông kỳ vọng, kinh doanh siêu thị sẽ là động lực chính đem lại lợi nhuận cho MWG, mặc dù hiện tại mảng điện thoại góp khoảng 50%, sau đó tới mảng tiêu dùng.

Ngành dược như bức tranh cũ của mảng di động năm 2004

Ông Tài thừa nhận khi nhìn vào ngành dược, ông không thấy sự khác biệt gì so với mảng bán lẻ điện thoại năm 2004. Mạng lưới phân phối khi đó rắc rối, nhiều khâu trung gian giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, nhà phân phối còn kiếm được nhiều hơn nhà bán lẻ.

Khi MWG bước vào thị trường bán lẻ điện thoại, thị trường chỉ có khoảng 50 cửa hàng. MWG từng bước định vị lại thị trường, gây dựng lòng tin của người tiêu dùng... Soi chiếu từ một "bức tranh cũ", ông Tài nói Việt Nam hiện nay có rất nhiều cửa hàng dược phẩm nhỏ lẻ. MWG có thể gây dựng lòng tin từ người tiêu dùng ở mảng dược phẩm, như chính cách mà MWG đã làm với thị trường điện thoại.

Do đó, ở mỗi quận, MWG dự định sẽ có khoảng 2 - 3 cửa hàng. Ở phạm vi toàn TP HCM, MWG sẽ mở khoảng 100 cửa hàng và trong cả nước là 500 cửa hàng trong 2 - 3 năm tới.

Theo thông tin cập nhật mới nhất, MWG đã hoàn tất mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang và đang từng bước xây dựng lại cửa hàng, mở mới với tên nhà thuốc An Khang. Hình ảnh biển hiệu có gam màu xanh lá làm chủ đạo với logo truyền thống của Thế Giới Di Động. Tốc độ này được đẩy nhanh hơn so với dự tính ban đầu của Thế Giới Di Động là bắt đầu chạy chuỗi cửa hàng dược vào giữa năm 2018.

Trong khi đó, đánh giá về triển vọng ngành dược, theo báo cáo phân tích mới nhất từ CTCP Chứng khoán FPT (FPTS), tốc độ tăng trưởng dự kiến của thị trường dược Việt Nam vào khoảng 9,6%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020, ở mức trung bình trong nhóm các nước tăng trưởng ngành dược (pharmerging). Đến năm 2050, dự đoán có đến 21% dân số Việt Nam trên 65 tuổi so với mức 7% hiện nay, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng thuốc ngày càng tăng cao trong 30 năm tới.

Giai đoạn 2006 – 2016, biên lợi nhuận gộp bình quân của ngành dược từ 35 – 40%, biên lợi nhuận ròng bình quân 10%, ROE khoảng 10 -15%. Khả năng sinh lời này được cho là thấp hơn đáng kể so với các tập đoàn hàng đầu thế giới nhưng xấp xỉ với nhóm các doanh nghiệp lớn trong khu vực ASEAN.

Không phải dược phẩm, Bách Hóa Xanh mới là mục tiêu của MWG trong năm 2018 - Ảnh 2.

Chi tiêu tiền thuốc theo đầu người tại Việt Nam (nguồn: Vietnam Report - Tuổi trẻ)

Cổ phiếu MWG niêm yết sàn HOSE vào ngày 14/7/2014. Qua 3 năm, sau nhiều lần phát hành cổ phiếu thưởng, phát hành cổ phiếu trả cổ tức..., tính theo giá điều chỉnh thì giá cổ phiếu MWG đã tăng tới 587% và lập đỉnh ở mức 137.500 đồng/cp.

Không chỉ tăng giá mạnh mẽ thời gian qua, MWG còn vượt VNM - "cổ phiếu nữ hoàng" trong danh mục của các quỹ về tốc độ tăng giá. Cũng trong khoảng 3 năm, khi giá cổ phiếu MWG tăng 587% thì giá cổ phiếu VNM chỉ tăng 250%, lập đỉnh ở giá 203.000 đồng/cp. Trong khi đó, VN-Index chỉ tăng 62%.

Không phải dược phẩm, Bách Hóa Xanh mới là mục tiêu của MWG trong năm 2018 - Ảnh 3.

Không phải ngẫu nhiên mà một cổ phiếu non trẻ như MWG có được mức tăng giá ấn tượng như trên. Nhìn vào kết quả kinh doanh MWG đạt được từ khi lên sàn, các chỉ tiêu mỗi năm đều hoàn thành vượt kế hoạch. Năm 2016, công ty vượt 31% kế hoạch doanh thu và 14% kế hoạch lợi nhuận, với mức lãi 1.587 tỷ đồng. Năm trước đó, MWG cũng vượt 7% kế hoạch doanh thu và 21% kế hoạch lợi nhuận.

Đó là chưa kể, văn hóa doanh nghiệp là điều ông Nguyễn Đức Tài luôn đề cao và chia sẻ tại các cuộc gặp gỡ nhà đầu tư, chuyên viên phân tích tài chính hoặc tại các cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên. MWG lấy khách hàng làm trọng tâm và luôn đổi mới hàng ngày, tất cả vì khách hàng. "Sự khác biệt của chúng tôi đến từ văn hóa định vị khách hàng là trung tâm của mọi hành động", ông Tài nhấn mạnh. Điều này được thể hiện ở việc bố trí cửa hàng và hiển thị sản phẩm đơn giản để khách hàng có thể nhận diện trong 30 giây, chính sách chăm sóc khách hàng cũng như đo lường sự hài lòng của khách hàng trên hệ thống...

Những điều MWG đã làm được với hệ thống của mình trong nhiều năm qua có thể thấy là cơ sở để cổ đông và khách hàng tin tưởng vào sự thành công ở chuỗi Bách Hóa Xanh hay chuỗi dược phẩm trong tương lai.

Theo Khổng Chiêm - Trang Hồ

Cùng chuyên mục
XEM