Không phải chiến tranh, đây mới là những yếu tố hủy diệt thế giới

19/01/2018 09:47 AM | Xã hội

Mối liên kết giữa các quốc gia trên thế giới hiện nay đang bị nới rộng và sự chia rẽ trong xã hội ngày một dâng cao. Nhân dịp các nhà lãnh đạo thế giới tụ hội ở Davos trong tháng này cho Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) để bàn về một tương lai cho thế giới chia rẽ, hãng tin CNN đã phân tích 5 yếu tố tạo nên sự chia cách trên.

1.Bất bình đẳng thu nhập

Không phải chiến tranh, đây mới là những yếu tố hủy diệt thế giới - Ảnh 1.

Tỷ lệ tài sản 1% số người giàu nẵm giữ ở các nước (%)

Sự phân chia giàu nghèo tại các nước đang gia tăng khi người giàu ngày càng giàu hơn còn người nghèo thì bị bỏ lại đằng sau. Mức thu nhập của giới nhà giàu đang tăng nhanh hơn so với mức lương của những người nghèo rất nhiều.

Chính sự đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu hay các quỹ hưu trí khiến những người giàu có mức thu nhập ngày một lớn so với tầng lớp nghèo, những người chẳng có gì ngoài đồng lương.

Tại Đức, mức lương của một công nhân chỉ tăng 5% trong khoảng 2000-2016 nhưng thu nhập từ hoạt động đầu tư và kinh doanh lại tăng tới 30%.

Nghiên cứu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy sự bất bình đẳng thu nhập sẽ tàn phá tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khiến mọi người nghèo hơn trong tương lai.

2.Bất bình đẳng giới tính

Không phải chiến tranh, đây mới là những yếu tố hủy diệt thế giới - Ảnh 2.

Tỷ lệ nữ giới tham gia lao động ở các nước (%)

Số liệu của WEF cho thấy phụ nữ thu nhập ít hơn đàn ông ở mọi ngành nghề và quốc gia trên thế giới dù họ bỏ công sức tương đương. Đây là một thực trạng trớ trêu khi nhiều nước kêu gọi bình đẳng giới tính, thậm chí quy định trong luật pháp về tội phân biệt giới tính.

Nữ giới cũng không được tiếp cận nhiều với nền kinh tế. Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy chỉ 50% phụ nữ tham gia lực lượng lao động toàn cầu, thấp hơn so với mức 80% của nam giới. Ngoài ra, luật pháp vẫn còn một số cản trở với việc phụ nữ tham gia lao động tại 90% nền kinh tế trên toàn cầu.

Hơn nữa, nữ giới phải tốn nhiều chi phí hơn đàn ông cho cuộc sống. Tại Mỹ, bình quân phụ nữ tiêu tốn 18.000 USD cho sản phẩm băng vệ sinh trong suốt quãng đời của họ, đó là chưa kể đến hàng loạt những mặt hàng thiết kế cho nữ giới khác có mức giá đắt hơn so với nam giới.

Theo WEF, với tốc độ cải thiện bất bình đẳng giới tính chậm chạp như hiện nay, thế giới sẽ phải tốn 217 năm nữa mới thực hiện được mục tiêu của mình. Hiện WEF đang kêu gọi các nước thực hiện bình đẳng giới tính nhanh hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu của họ cho thấy nếu tỷ lệ nữ giới tham gia lao động nhiều như nam giới thì GDP sẽ tăng 5% ở Mỹ, 9% ở Nhật Bản và 27% ở Ấn Độ.

3.Thay đổi khí hậu

Không phải chiến tranh, đây mới là những yếu tố hủy diệt thế giới - Ảnh 3.

Chỉ số thiệt hại do thay đổi khí hậu (CCVI) của Verisk Maplecroft dựa trên những ảnh hưởng mà sự thay đổi thời tiết, nước biển dâng, dân số tăng, tài nguyên giảm… có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế một quốc gia. Chỉ số này cũng tính đến khả năng đối phó với những thách thức này của các chính phủ.

Nếu nhìn vào bảng xếp hạng này, những nước nghèo trên thế giới là các nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nhất khi có thay đổi khí hậu, trong khi những nước giàu thậm chí không bị tác động mấy.

Những cơn siêu bão ở vùng biển Caribbean, vùng Châu Mỹ Latinh, lũ lụt ở Nam Á hay khô hạn ở Tây Á đều tác động mạnh đến các nước nghèo trong năm 2017. Trớ trêu thay, những nước giàu, nơi thải nhiều chất ô nhiễm nhất ra thế giới lại không mấy quan tâm đến khí hậu hoặc những ảnh hưởng của nó bởi họ có hệ thống phòng chống thiên tai tốt hơn. Ví dụ điển hình nhất là việc Mỹ, nước ô nhiễm thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, tuyên bố rút khỏi hiệp định khí hậu Paris.

Liên hiệp quốc đã phải cảnh báo thiên tai sẽ làm gia tăng xung đột về nguồn tài nguyên, thúc đẩy di cư, tạo nên tranh chấp về lãnh thổ, việc làm, văn hóa và các dòng người di cư. Hơn nữa, mực nước biển tăng sẽ ngày càng giới hạn không gian sống của con người, tạo nên những hệ lụy khôn lường.

4.Xung đột chính trị

Không phải chiến tranh, đây mới là những yếu tố hủy diệt thế giới - Ảnh 4.

Phân biệt tư tưởng ngày càng rõ giữa Đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Mỹ

Từ Mỹ cho đến Châu Âu và Châu Á, chính trường đang ngày càng trở nên rối ren và phân hóa. Khảo sát của viện Pew cho thấy tư tưởng của 2 Đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ tại Mỹ đang ngày một đối lập nhau hơn trong mọi vấn đề, dẫn đến những cuộc tranh cãi và bất đồng quan điểm.

Trong khi đó, những đảng dân tộc cực hữu ở Châu Âu đang thu hút được nhiều cử tri hơn sau làn sóng di cư tràn vào đây, cướp việc làm của người dân bản địa, tạo nên những xung đột về tư tưởng chính trị.

Ví dụ điển hình là đảng cực hữu bài Hồi giáo, chống nhập cư đã về đích thứ 3 trong cuộc bầu cử năm ngoái, điều lần đầu tiên xảy ra kể từ năm 1961.

5.Bất bình đẳng giáo dục

Không phải chiến tranh, đây mới là những yếu tố hủy diệt thế giới - Ảnh 5.

Bất bình đẳng giáo dục tại các nước

Số liệu của Unicef cho thấy hơn 60 triệu trẻ em trong độ tuổi 6-11 không được đến trường trên toàn cầu. Hơn 50% số đó nằm ở Châu Phi và khoảng 27 triệu trẻ em nữa nằm tại các vùng lãnh thổ tranh chấp.

Trên toàn cầu, khoảng 65% số người trên độ tuổi 25 được học hết cấp 2. Tỷ lệ này là 90% ở Châu Âu và Mỹ nhưng chỉ đạt 30% ở Châu Phi vùng cân sa mạc Sahara. Sự chênh lệch về giáo dục này sẽ dẫn đến nhiều xung đột không đáng có khi tư tưởng và trình độ phát triển chênh lệch.  

AB

Cùng chuyên mục
XEM