Không phải bán lẻ hay văn phòng, đây mới là phân khúc BĐS được nhà giàu thế giới đổ tiền nhiều nhất, DN Việt vẫn thờ ơ

02/11/2017 08:00 AM | Kinh doanh

Tổng mức đầu tư toàn cầu vào mảng nhà ở cho sinh viên đã phá kỷ lục trong năm 2016, đạt 16,45 tỷ USD. Các nhà đầu tư quốc tế chiếm 37% trong số các dự án nhà ở cho sinh viên toàn cầu năm 2016, cao hơn phân khúc văn phòng và bán lẻ, Savills cho biết.

Theo nghiên cứu mới nhất của Savills, tổng mức đầu tư vào nhà ở cho sinh viên toàn cầu đã phá kỷ lục trong năm 2016, đạt 16,45 tỷ USD, so với con số 15,6 tỷ USD năm 2015.

Mỹ đã thu hút 9,82 tỷ USD vốn đầu tư vào năm 2016, tăng 65% so với năm 2015 (5,95 tỷ USD), đồng thời đạt kỷ lục mới đối với thị trường tại Mỹ.

Anh quốc đạt 3,84 tỷ USD vốn đầu tư, đứng thứ 2 về tổng sổ đầu tư vào phân khúc này sau khi đạt kỷ lục năm 2015 với 7,24 tỷ USD.

Tương tự, các nước Tây Âu đã chứng kiến sự phát triển lớn nhất về mức đầu tư trong năm 2016 đối với lĩnh vực này, theo Savills.

Đầu tư vào nhà ở cho sinh viên ở Pháp đã tăng 245% (từ 49 triệu Euro trong năm 2015 lên tới 169 triệu Euro trong năm 2016), và tăng 380% ở Đức (từ 154 triệu Euro trong năm 2015 lên tới 741 triệu Euro trong năm 2016).

Theo Savills, các nhà đầu tư quốc tế chiếm 37% trong số các dự án nhà ở cho sinh viên toàn cầu năm 2016, cao hơn phân khúc văn phòng (34%) và bán lẻ (29%).

Ở Mỹ, những nhà đầu tư nước ngoài chiếm 39% tổng số đầu tư nhà ở cho sinh viên trong năm 2016. Tăng 1% so với năm 2015.

Theo nghiên cứu từ phía Savills, việc tăng vốn đầu tư vào thị trường nhà ở dành cho sinh viên là do các danh mục đầu tư được đa dạng hóa từ các quỹ cũng như các nhà đầu tư cá nhân thuộc các viện nghiên cứu, quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm, những đối tượng đầu tư qua nhiều khu vực nhằm mở rộng quy mô.

Nhà ở cho sinh viên hiện được xem như một nguồn tài sản chính cung cấp các doanh thu ổn định cho phân khúc nhà ở, và cũng là một cách để tiếp cận phát triển các lĩnh vực nhỏ thuộc phân khúc này như Cho Thuê Tư Nhân (PRS – Private Rented Sector) hay Cho thuê Cao Cấp.

Lợi suất nhà ở cho sinh viên hiện tại đã tăng cao trong nhiều phân khúc và lĩnh vực, đặc biết đối với thị trường tại Mỹ, theo đánh giá của Savills. Các lợi suất này có thể sẽ còn tăng do sự tham gia của nhiều các tổ chức, công ty cũng như việc phát triển phân khúc hiện đã đi vào đà phát triển và giảm thiểu được những rủi ro lường trước.

Có một khả năng là những lợi suất sẽ đi xuống tại thị trường Úc và Tây Ban Nha trong những năm tới, và có thể cả tại Đức, Anh và Pháp. Điều này phụ thuộc vào phạm vi tăng trưởng dịch vụ cho thuê tại những thành phố là địa điểm của những trường đại học lớn.

Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều dự án nhà ở sinh viên không được đón nhận mặn mà ở cả góc độ đầu tư lẫn các em sinh viên.

Tại Hà Nội, khu ký túc xá sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp mới chỉ lấp đầy được 30% trên tổng số dự kiến dành cho 10.000 sinh viên đến ở. Dự án này có quy mô đầu tư lên tới 1.400 tỷ đồng, được xây dựng với mục tiêu giảm tải cho nội đô.

Mới đây, Sở Xây dựng đã đề nghị chuyển đổi 2 tòa nhà dự án nhà ở của dự án này sang nhà ở xã hội để giải tỏa cơn khát nhà ở của người có thu nhập thấp.

Tại Thanh Hóa, dự án nhà ở sinh viên tại phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa có tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, thời gian thực hiện từ năm 2010-2015. Tuy nhiên, sau khi xây dựng được phần thô và một số hạng mục khác, từ năm 2012 đến nay, công trình phải tạm dừng thi công do thiếu vốn.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM