Không nên quy trách nhiệm người can thiệp vụ đánh nhân viên hàng không

22/10/2016 14:36 PM | Kinh doanh

Nguyên Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM cho rằng không nên xem xét xử lý người có hành động ngăn cản vụ hành khách hành hung nữ nhân viên hàng không.

Liên quan đến vụ việc nữ nhân viên Vietnam Airlines bị 2 nam hành khách hành hung sau đó được một thanh niên can thiệp, ngày 20/10, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc có nói, về tình thì có thể hiểu họ bức xúc khi thấy đàn ông đánh phụ nữ nên can thiệp. Nhưng về lý thì thì việc “ra tay” như vậy dễ dẫn tới vụ đánh lộn lớn nếu bạn bè, người quen của hai bên xông vào đánh nhau.

“Nếu xác minh được, chúng tôi cũng xem xét làm rõ luôn hành khách kia về hành vi gây rối trật tự công cộng. Vụ việc để các cấp có thẩm quyền giải quyết trên cơ sở quy định pháp luật. Nếu ai cũng ra can thiệp theo cách như vậy thì dễ thành đánh lộn đông người náo loạn địa bàn nhạy cảm như sân bay” - ông Phương trả lời báo Tuổi Trẻ.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Đức Sáu (đoàn TPHCM) - Phó Chủ tịch Thường trực Hội luật gia TPHCM, nguyên Chánh tòa Hình sự Tòa án Nhân dân TPHCM cho rằng, nếu một người nào đó tự nhiên có những hành vi gây cản trở đến hoạt động của đám đông, gây ách tắc giao thông, gây cản trở hoạt động ở nơi công sở... thì có thể sẽ bị coi là có hành vi vi phạm về tội gây rối trật tự công cộng.

Nhưng với trường hợp vừa qua ở Sân bay Nội Bài, theo ông Nguyễn Đức Sáu, có một hành vi nguy hiểm đang diễn ra, đó là hành vi có từ 1 đến 2 người đang xâm phạm vào tính mạng, thân thể, sức khỏe của một công dân khác, cụ thể ở đây là nữ nhân viên của Việt Nam Airlines.

Ông Sáu nhấn mạnh: "Rõ ràng nữ nhân viên này đang bị xâm hại, và chưa có thể khẳng định được rằng nếu không có sự ngăn cản nào đó thì hành vi đó tự động chấm dứt"

Do đó, hành vi của thanh niên nào đó đang có mặt tại nơi xảy ra sự việc, thấy sự bất bình như vậy đã tham gia ngăn chặn một hành vi nguy hiểm cho xã hội. Họ chặn đứng hành vi đó để ngăn chặn hậu quả có thể thể xảy ra cho xã hội. Cho nên với hành động này, không nên quy kết trách nhiệm hay xử lý trách nhiệm với thanh niên này.

Ở góc độ khác, theo ông Nguyễn Đức Sáu, trong vấn đề hành vi can thiệp thì mỗi người có một khả năng khác nhau.

“Nếu người nào có kinh nghiệm và bản lĩnh hoặc có hiểu biết về võ thuật chẳng hạn thì sẽ rất nhanh chóng để chấm dứt được hành vi nguy hiểm kia. Nhưng nếu người nào đó chỉ vì lòng nhiệt tình, mong muốn nhanh chóng chấm dứt được hành vi nguy hiểm kia, thì có thể động tác can thiệp của họ có thể đôi khi hơi quá một chút về vấn đề này, vấn đề kia” – ông Sáu phân tích và nhấn mạnh, nhưng về động cơ thì đó là vì họ muốn bảo toàn sự bình an cho một con người và muốn chặn đứng một hành vi nguy hiểm cho xã hội đang diễn ra mà thôi.

“Chúng ta bây giờ hay nói đến sự vô cảm. Vậy khi có ai đó tích cực ra tay ngăn cản cái sai, cái nguy hiểm cho người khác, nguy hiểm cho xã hội cần phải được khuyến khích” – nguyên Chánh tòa Hình sự Tòa án Nhân dân TPHCM bày tỏ.

Theo Ngọc Thành

Cùng chuyên mục
XEM