Không dạy con thuộc 2+2=4, người Mỹ biến toán học trở nên thú vị với trẻ bằng cách sau

04/11/2016 15:59 PM | Sống

Người Mỹ thường tránh việc học thuộc lòng bởi họ cho rằng nó không giúp đứa trẻ giải quyết những vấn đề thực sự trong cuộc sống.

"Đã nhiều năm nay, hầu như cuộc đời của học sinh chúng cháu chỉ là thức dậy, đi học trên trường, đi học thêm, về nhà và lặp lại. Qua nhiều năm, niềm đam mê học tập của cháu dần mất đi. Cháu bắt đầu kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe đến chữ HỌC", đây là những dòng được một học sinh vừa vào cấp 3, vốn là học sinh giỏi từ lớp 1 đến lớp 9 tại Tp.HCM viết trong bức thư gửi tới "các bác lãnh đạo, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo". Từ lâu này, việc học vô hình chung đã trở thành gánh nặng với bất kỳ đứa trẻ nào tại Việt Nam ngay từ khi chúng biết đọc, biết viết.

Trong khi tại Mỹ việc học luôn phải thú vị và có tác dụng thực tế. Sau đây là chia sẻ về việc dạy trẻ học toán của một bà mẹ Việt sống tại Mỹ:

Ở Mỹ, dạy con toán không chỉ là học đếm và học thuộc các công thức như "2+2=4". Người Mỹ thường tránh việc học thuộc lòng bởi họ cho rằng nó không giúp đứa trẻ giải quyết những vấn đề thực sự trong cuộc sống.

Một lần tôi được nhìn một cô giáo ngồi chơi với trẻ một trò trong đó lồng kiến thức toán. Cô giáo bảo tôi: "Hãy quên cái thước kẻ đi, cái đó không thú vị." Rồi cô đưa cho bọn trẻ những sợi len đã cắt sẵn có chiều dài bằng nhau. "Nào, các con hãy chọn một đồ chơi, rồi dùng những sợi len này để đo nhé. Cô làm ví dụ, con cá sấu này…" Cô lấy một sợi len trải lên cạnh theo chiều dài của con cá sấu "Một", rồi lấy thêm một sợi lên nữa "hai", rồi một sợi len nữa "ba". "Con cá sấu này dài bằng ba sợi len."

Vậy là các bé xúm xít đi chọn đồ chơi để đo. Một bé đặc một con búp bê nằm xuống, rồi nhón tay lấy các sợi len, vừa đặt len xuống vừa đếm: "Một, hai, ba, bốn. Cô ơi, em búp bê này dài bằng bốn sợi len." Cô giáo lại hỏi em: "Giờ con đo xem chiều rộng của em búp bê bằng bao nhiêu?" Em bé xếp hai chân của búp bê lại cho thẳng rồi lấy sợi len đo "Một, hai. Em búp bê rộng hai sợi len ạ." Trong khi đó, một cậu bé đang đo tương tự với một chiếc xe tải.

Lúc sau, cô giáo bảo "Giờ chúng ta không đo bằng sợi len nữa. Mà đo bằng các miếng Lego này nhé…". Thế là các bé lại dùng các miếng Lego để đo.

Cô giáo cho biết, đây là một hoạt động rất đơn giản giúp bọn trẻ biết áp dụng kỹ năng đếm, chúng học cách đo, so sánh tỉ lệ dài ngắn khác nhau, chúng còn học về chiều dài, chiều rộng nữa.

Một hoạt động khác thường được lồng ghép để dạy trẻ toán là làm bánh. Các nguyên liệu như bột, sữa, trứng sẵn có trong bếp. Bà mẹ mở cuốn công thức có hình ảnh ra, vừa đọc vừa chỉ cho bọn trẻ xem. Bọn trẻ nhờ đó mà biết một điều đơn giản rằng "Học chữ còn giúp ta nấu ăn". 

"Nào, để làm chiếc bánh muffin này, chúng ta sẽ cần một cốc rưỡi bột. Một cốc rưỡi là một cốc và nửa cốc nữa. Rồi. Con giúp mẹ đập quả trứng ra nào… Rồi… Con lấy cho mẹ một cốc sữa rồi đổ vào nào. Thêm nửa cốc đường. Một phần tư cốc nho khô. Rồi… giờ chúng ta trộn đều tất cả. Rồi…Bây giờ mình đổ vào các khuôn nhé. Con đoán xem mình sẽ cần bao nhiêu khuôn nào? Năm à? Hay bảy khuôn? Để xem nhé. Chúng ta cần những mười khuôn cơ đấy. Vì mẹ không đổ đầy, chỉ đổ lưng khuôn thôi. Chốc nữa khi ta cho bánh vào lò, bánh sẽ nở ra và phồng lên."

Bọn trẻ ngồi nhìn mẹ cho bánh vào lò, rồi 15 phút sau lon ton ra xem những bánh đang nở phồng lên trong lò. Đến tối, khi ngồi ăn những chiếc bánh này, bà mẹ lại hỏi "Hôm nay, chúng ta làm bánh này. Con có nhớ trong bánh có những gì không?" "Bột". "Sữa". "Đường". Còn gì nữa nhỉ? "Trứng". "Đúng rồi". Bài học đơn giản giúp trẻ hình dung trong món bánh chúng ăn có những nguyên liệu gì.

(*) Nội dung bài viết tham khảo cuốn sách Con là khách quý- tác giả: Kẩm Nhung.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM