Không chỉ các cửa hàng tiện lợi, mà quán ăn nhỏ, tiệm tạp hóa cũng phải dè chừng khi 7-Eleven đổ bộ vào Việt Nam

31/08/2016 10:10 AM | Kinh doanh

Ở Nhật Bản, quê hương của 7-Eleven, chuỗi cửa hàng tiện lợi này đóng vai trò của một cửa hàng ăn uống, tiệm tạp hóa, nơi thu hộ tiền điện nước, nơi đặt máy rút tiền tự động (ATM) và thậm chí là cả quầy photocopy.

Những ngày tháng 9 tại tỉnh Aomori gần Hokkaido phía Bắc nước Nhật. Khi mà phần lớn các tỉnh miền Trung và miền Nam nước Nhật vẫn còn đang hưởng tiết trời thu ấm áp thì tại Aomori đã lạnh lắm rồi. Trời chuẩn bị bước vào mùa đông. Và hình như người ở Aomori cũng không có mùa thu bởi tuyết rơi đến gần nửa năm, nửa năm còn lại trời lúc nào cũng nhàn nhạt, lạnh lẽo.

Daichi Goro làm nghề lái xe tải vận chuyển hàng ở tỉnh Aomori đã nhiều năm. Lúc này đã là 12h đêm, anh thấy đói. Khắp hai bên đường người dân đã đi ngủ hết cả, phần lớn các siêu thị cũng không còn mở cửa. Lái xe thêm quãng nữa anh thấy cửa hàng của 7-Eleven, và như vậy anh đã đến địa chỉ quen của mình.

Bước vào 7-Eleven, không gian ấm áp hẳn khiến anh hài lòng. Anh đánh xe tải vào, dù xe của anh khá dài nhưng bãi đỗ xe của 7-Eleven rất rộng nên anh đỗ thoải mái và tất nhiên không phải trả khoản phí nào.

Anh gọi bát canh oden truyền thống của Nhật vốn được nấu trong một khay rất nóng và vệ sinh cùng với bánh bao, xúc xích, thuốc lá cùng với hai chai nước ngọt. Ngồi ăn xong cũng cảm thấy ấm bụng rồi anh lại lên xe, tiếp tục lái chuyến xe vun vút trong đêm tối cho kịp chuyến hàng sáng mai.

Sau đó vài tiếng tại khu phố đèn đỏ nho nhỏ tại tỉnh Niigata, 5h sáng. Những cô gái bước ra uể oải từ khách sạn gần đó sau một đêm “phục vụ” khách, nhiều cô gái làm công việc dọn dẹp đêm cũng đi ra, nhiều người đàn ông làm những công việc chân tay khác cũng đang rảo bước đến những cửa hàng tiện lợi. Họ mua đồ ăn mới được đưa đến trước đó chỉ chốc lát, rất nóng, vừa miệng, có cả đồ ăn truyền thống, đồ ăn hiện đại, ăn xong rồi tản đi trên con đường bắt đầu ngày mới theo cách riêng của mình.

Nếu như câu chuyện tương đương như trên xảy ra ở Việt Nam, hãy cử thử tưởng tượng một ngày nào đó khi các cửa hàng tiện lợi phát triển bùng nổ và hoạt động đúng với công năng của nó như các nước phát triển. Những người lái xe đường dài và nhiều người lao động phải làm việc về đêm sẽ không còn phải lo ăn đêm tại quán bún phở với cái giá cắt cổ mà có thể được ăn những bát phở nóng, canh măng kèm với cơm hộp trong không gian mát mẻ sạch sẽ của một cửa hàng tiện lợi.

Đó là chưa kể đến khách hàng cũng có thể mang theo hóa đơn điện, hóa đơn nước, điện thoại, gas, rút tiền gửi tiền. Họ sẽ không còn phải đối diện với gương mặt không mấy vui vẻ của các nhân viên thu tiền điện nước, được rút tiền trong máy ATM trong không gian an toàn, mát mẻ.

Ở Nhật, bạn sẽ không thể thấy cây ATM tràn ngập ngoài đường như ở Việt Nam bởi phần lớn hoạt động rút và gửi tiền đã được quy hoạch vào các cây ATM trong hệ thống hàng chục nghìn cửa hàng tiện lợi trên khắp nước Nhật.

Tất nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Hàng bán tại các cửa hàng tiện lợi Nhật có thể đắt hơn vài chục yên, cũng có thể đắt gấp rưỡi đến gấp đôi so với siêu thị thông thường nhưng siêu thị chỉ tập trung ở một số nơi còn cửa hàng tiện lợi ở khắp nơi.

Phí mỗi lần rút tiền trên cây của 7-Eleven lên đến khoảng 24 nghìn đồng Việt Nam trong giờ hành chính và 48 nghìn đồng Việt Nam ngoài giờ hành chính. Với mặt bằng giá cả ở Nhật, số tiền trên có thể tương đương 1 hoặc 2 nắm cơm nhỏ giúp người ta đỡ đói lòng.

Ở Việt Nam phí rút tiền sẽ tương đương với gói mì ăn liền 4-5 nghìn đồng. Tuy nhiên, khi mà sự an toàn và tiện nghi được đảm bảo, sẽ có những khách hàng cũng không ngại bỏ tiền cho khoản phí nói trên.

Các cửa hàng tiện lợi Nhật đảm bảo sự an toàn và tiết kiệm như thế nào?

Hôm nay, sinh viên Mengyao Bai người Trung Quốc và các bạn của mình rất vui khi được chủ cửa hàng tặng cho khá nhiều cơm nắm (onigiri) cũng như một số đồ ăn sẵn khác để ăn trưa. Tất nhiên họ rất hài lòng vì đồ ăn còn rất ngon và mới, chỉ là ông chủ quan niệm nó không đủ mới để ông tiếp tục cho bày trên kệ hàng bán cho khách.

Với nhân viên, không ai suy nghĩ rằng ông chủ đang cho họ ăn đồ ăn thừa, mà họ cảm thấy mình đang không lãng phí đồ ăn và cũng không phải bỏ tiền cá nhân để ăn trưa. Họ thấy vui. Họ được ăn bao nhiêu tùy thích nhưng không được phép mang những đồ thừa còn lại về nhà bởi người quản lý sợ sẽ đi bán lại với giá rẻ hoặc nếu họ cho ai đó ăn khi mà đồ ăn không còn mới sẽ ảnh hưởng đến dinh dưỡng.

Nhiều nhân viên cửa hàng 7-Eleven cho biết có không ít lần họ được lệnh của ông chủ phải đổ đi rất nhiều đồ ăn còn quá mới, họ có thể mang về ăn và chấp nhận mọi rủi ro đến nó nhưng ông chủ không cho phép. Đơn giản, nguyên tắc phải thế. Đó là cách 7-Eleven ứng xử với đồ ăn của khách, luôn phải mới, đảm bảo dinh dưỡng, hợp vệ sinh.

Rất nhiều lần Bai và các bạn bè của anh cũng được chủ cửa hàng cho rất nhiều đồ uống mang về, hoàn toàn miễn phí dù hạn của nó còn khá lâu. Họ cũng rất ngạc nhiên nhưng ông cho biết quy định của 7-Eleven như vậy. Họ cũng thấy tiếc cho ôngvì đồ tương tự ở nước họ có thể dùng để đem bán nhưng dù sao cũng vui vì có đồ mang về.

Bai cho biết vệ sinh an toàn thực phẩm cho khách được đảm bảo tốt nhất có thể. Hàng ngày, khi nhân viên buổi tối hết ca sẽ có nhân viên đến làm đêm. Và làm đêm thường ít việc, chính vì thế nhân viên trực đêm sẽ phải thay phiên nhau lau rửa tất cả các gian hàng bày đồ ăn cho khách.

Tủ đựng đồ chín cũng sẽ được rửa sạch bằng nước, xà phòng sau đó tráng bằng dung dịch diệt khuẩn rồi để khô mới được xếp vào. Dầu ăn dùng để chiên rán cũng hoàn toàn là dầu ăn mới được hãng chở đến. Nhân viên khi chiên rán đều phải rửa tay bằng dung dịch diệt khuẩn. Cuối ngày, các khay rán đồ ăn và đựng đồ rán đều phải rửa sạch, lau bằng dung dịch diệt khuẩn để khô ráo phục vụ cho ngày bán hàng kế tiếp.

Bài sau: Lòng yêu nước của người Nhật thể hiện qua các cửa hàng tiện lợi như thế nào?

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM