Không cần dọa 'bỏ thừa thức ăn sẽ phạt tiền', chủ nhà hàng buffet này vẫn có cách vừa khiến thực khách vui vẻ, vừa không thừa đồ ăn

28/12/2016 07:30 AM | Kinh doanh

Ông chủ nhà hàng buffet này đã tăng tiền phí phục vụ mỗi khách hàng thêm 3 tệ. Sau đó, đặt hàng một số sản phẩm mĩ nghệ có giá khoảng 2-3 tệ để tặng cho thực khách dùng hết thức ăn.

Trong hoạt động kinh doanh, để nâng cao tỉ suất lợi nhuận, mở rộng quy mô kinh doanh, doanh nghiệp thường đặt ra cơ chế quản lý theo nguyên tắc thưởng phạt với mong muốn người khác phải tuân theo luật chơi của mình. Nhưng thực tế thường trái ngược với những gì con người mong muốn.

Ví dụ điển hình nhất là các nhà hàng thường treo những bảng hiệu nhắc nhở như “Tiết kiệm là vinh quang, chấm dứt lãng phí” hay “Thực khách để thừa thức ăn, phạt 10 tệ một người”. Nhưng thực tế, có rất nhiều thực khách để thừa thức ăn mà không thể nào phạt họ được. Lẽ nào không có cách để giải quyết vấn đề này?


Triệu làm thuê ở Bắc Kinh cũng đã nhiều năm, anh tích góp được 1 triệu tệ cùng với chút hiểu biết về thị trường. Triệu tính toán thay vì ở thành phố làm thuê chi bằng mang số tiền này về quê sống những tháng ngày no đủ.

Quê Triệu là một thành phố nhỏ, kinh tế chưa phát triển nên cũng không có nhiều ngành nghề để làm. Người nơi đây thường làm buôn bán nhỏ như bán hàng cơm, quần áo hay quán rượu,...

Khi còn ở Bắc Kinh, Triệu thường cùng bạn bè đi ăn tiệc buffet. Anh thấy hình thức ăn uống này khá thú vị. Ở quê anh chưa có nhà hàng nào hình thức như thế, hơn nữa người dân ở đây cũng thích chạy theo mốt nên có thể kinh doanh loại hình mới này.

Một triệu tệ của Triệu không mua nổi nhà ở thành phố nhưng ở tỉnh lẻ thì số tiền này làm được rất nhiều việc. Sau gần một tháng chuẩn bị, nhà hàng buffet của Triệu đã được khai trương.

Khá may mắn, nhà hàng vừa mới khai trương đã kinh doanh rất tốt. Hình thức kinh doanh độc đáo này giúp cho nhà hàng của Triệu trở nên nổi tiếng. Theo tính toán, mỗi thực khách chỉ phải bỏ ra gần 35 tệ, sau khi trừ tiền mua thực phẩm, tiền thuê mặt bằng kinh doanh và lương cho nhân viên thì vẫn còn lãi 8 tệ/người. Cứ khoảng 200 lượt khách mỗi ngày thì lợi nhuận mỗi tháng sẽ là hơn 48.000 tệ.

Nhưng mấy tháng nay, lợi nhuận không được như dự tính của Triệu. Nhân viên nhà hàng đã quan sát và nhận ra vấn đề nằm ở phương thức tính lợi nhuận của Triệu. Không giống ở thành phố lớn, hình thức tiệc buffet được ưa chuộng, rất ít khách hàng lấy thừa thức ăn mà phải đổ đi. Còn ở tỉnh nhỏ, rất nhiều người chưa quen với tiệc buffet, họ thường lấy nhiều đồ ăn mà chưa ăn hết. Do đó, mỗi tháng, nhà hàng của Triệu đều lãng phí 20.000 tệ tiền mua thực phẩm.

Triệu rất lo lắng. Nếu không kiểm soát được tình hình thì mỗi tháng, nhà hàng sẽ mất 20.000 tệ tiền lãi. Tình trạng lãng phí này cứ tiếp tục thì lợi nhuận hàng tháng sẽ bấp bênh. Thực khách đến nhà hàng đều sợ những món ngon nhất, đắt nhất bị người khác ăn hết nên khi vừa vào nhà hàng, họ đã lấy đầy đĩa đồ ăn. Rồi họ ăn no cả bụng mà vẫn không hết, phần thừa lại chỉ có thể đổ đi, mà toàn là hàng đắt tiền và quý hiếm.

Tuy nhiên, cũng chẳng thể giảm số lượng các món ăn ngon và đắt tiền vì khách đến nhà hàng chủ yếu vì có những món đó. Đồng thời, lượng thức ăn càng ít thì thực khách càng sợ hết phần mình. Họ càng tập trung ăn những món đắt tiền, gây nguy cơ lãng phí càng cao hơn. Đây chắc chắn không phải là cách giải quyết vấn đề.

Hay là thuê một vài nhân viên mặt mũi dữ dằn làm phục vụ, thực khách nào bỏ thừa thức ăn thì sẽ bị phạt 10 tệ theo quy định của nhà hàng? Triệu nghĩ ngợi hồi lâu, đây cũng không phải một cách hay. Kinh doanh nhà hàng phải dựa trên việc tạo không khí thoải mái cho khách hàng. Cho dù nhà hàng có quy định chăng nữa thì cũng chẳng dễ phạt được khách, làm chủ thì không được phép có xung đột với khách hàng. Tuy quy định là thế nhưng nếu để thực khách nhìn thấy hoặc nghe thấy thì liệu còn ai dám đến nhà hàng nữa?

Vậy chẳng lẽ không còn cách nào? Triệu cho rằng trong một thời gian ngắn, người dân quê anh chưa thể làm quen ngay với thói quen ăn tiệc buffet. Nhưng vấn đề này nhất định phải giải quyết, chỉ có điều tìm ra biện pháp hiệu quả thực sự rất khó.

Thông qua hiện tượng để nhìn rõ bản chất, để giải quyết vấn đề này, trước hết phải tìm ra bản chất. Nhìn vào hiện tượng thì đây là một thói quen ăn uống của người dân tỉnh lẻ nhưng vấn đề là làm sao để họ tự giác không bỏ thừa thức ăn. Có hai cách để giải quyết vấn đề:

- Một là, nâng cao trình độ hiểu biết của thực khách, khiến họ có thói quen tốt hơn.

- Hai là hướng dẫn về mặt tư tưởng và khuyến khích bằng vật chất.

Hai biện pháp này có thể thực hiện đồng thời với nhau.

Triệu nghĩ:

- Kiếm tiền không dễ, lợi nhuận kiếm được từ mỗi thực khách chỉ có 8 tệ. Vậy mà còn phải trích phần ra làm tiền thưởng thì có phải là được ít mất nhiều không? Làm ăn thì vẫn phải có lãi chứ.

Triệu suy nghĩ mấy ngày liền vẫn chưa tìm ra cách hiện thực hóa kế hoạch của mình. Anh quyết định đi tìm Cường, bạn thân của mình để bàn bạc. Cường nghe xong, cũng miễn cưỡng đưa ra một vài biện pháp những không khả thi.

Bỗng nhiên, Cường reo lên: “Có rồi! Có cách rồi!”, Triệu vội giục: “Nói đi, có cách gì hay vậy?”

Cường nói:

- Hay là tăng tiền ăn của mỗi thực khách thêm 3 tệ thành 38 tệ, đó cũng là mức giá chấp nhận được. Sau đó, chúng ta sẽ tặng cho mỗi thực khách không để thừa thức ăn một món quà khoảng 2-3 tệ gì đó. Như vậy là không sợ bị lỗ vốn mà vẫn tránh được tình trạng lãng phí, một mũi tên trúng hai đích, đúng không?

Thấy Triệu không có phản ứng gì, Cường nói tiếp:

- Cậu nói xem, thực khách bỏ tiền đi ăn nhà hàng là để mua sự phục vụ và thoải mái. Cậu muốn phạt mỗi thực khách bỏ thừa 10 tệ, tuy là quy định nhưng nào ai cam tâm chịu phạt chứ. Vì điều đó vượt quá sức chịu đựng tâm lý của họ. Đã mất tiền đi ăn tiệm mà lại còn bị phạt vì không tuân thủ quy định nữa thì ai mà chịu được. Còn khi tăng mức giá bữa ăn, thực khách đều biết và đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, họ sẽ chẳng ý kiến gì đâu. Sau khi ăn còn có thể nhận được quà, chắc chắn họ sẽ rất vui vẻ. Đây thực chất là một hiện tượng tâm lý bình thường. Khi cậu lấy mất thứ mà người ta muốn có, họ sẽ thấy khó chịu. Ngược lại, nếu cậu cho họ thứ vượt ngoài dự tính của họ thì chắc chắn họ sẽ rất vui mừng”.

Triệu nghe xong như được mở rộng tầm mắt, Cường thích đọc sách xem ra không uổng. Tâm lý học kết hợp với kinh doanh, quả đã giải quyết vấn đề khó.

Theo gợi ý của Cường, Triệu tăng tiền phí phục vụ mỗi khách hàng thêm 3 tệ. Sau đó, đặt hàng một số sản phẩm mĩ nghệ có giá khoảng 2-3 tệ để tặng cho thực khách dùng hết thức ăn. Ví dụ, nếu là các cặp đôi đến nhà hàng thì sẽ được tặng một đôi búp bê tính nhân; Nếu là gia đình có con nhỏ thì sẽ được tặng đồ dùng học tập như cục tẩy có dáng ngộ nghĩnh…

Cứ thế, một thời gian sau, không những tình trạng lãng phí đã được giải quyết mà công việc kinh doanh cũng ngày càng phát đạt.

Bài học:

Mỗi một loại hình phục vụ, mỗi sản phẩm đều có mức giá nhất định, khách hàng bỏ tiền ra mua hàng hóa và dịch vụ đều mong muốn nhận được chất lượng phục vụ xứng đáng. Khi mua hàng, ai cũng muốn mua được món đồ có giá trị lớn hơn số tiền mình bỏ ra, càng nhiều ưu đãi và phần thưởng càng tốt.

Thật ra, rất nhiều hình thức khuyến mại hoặc phần thưởng đều đã được tính vào giá bán. Mấu chốt trong kinh doanh là phải hiểu được bản chất con người.

Nội dung trích trong cuốn “Kinh nghiệm thành công của ông chủ nhỏ”, tác giả Lão Mạc.

Bảo Dương

Cùng chuyên mục
XEM