“Không bỏ ai lại phía sau” qua ký ức của một 8x

13/04/2019 15:30 PM | Kinh doanh

Vào làm việc khi Viettel chỉ là một công ty nhỏ, chưa có mạng di động, sau 15 năm, ông Phùng Văn Cường cùng tổ chức của mình đều có những thay đổi lớn. Ông Cường may mắn là một trong những kỹ sư đầu tiên của Viettel đi xây dựng mạng di động 098.

Hành trình 15 năm trưởng thành của ông Cường ở Viettel không chỉ là câu chuyện thành công cá nhân, mà còn là hành trình tiêu biểu của thế hệ trẻ tại công ty này. Ông Cường cùng nhiều người thuộc thế hệ 8x tại Viettel cùng các thế hệ đi trước khởi tạo thực tại mới cho ngành viễn thông Việt Nam, đánh dấu bằng sự ra đời và phá thế độc quyền di động ở Việt Nam.

“Không bỏ ai lại phía sau” qua ký ức của một 8x - Ảnh 1.

Một tuần ngủ đêm ở Viettel 4-5 ngày

Tốt nghiệp ĐH Bách khoa (Hà Nội), có khá nhiều lựa chọn nghề nghiệp, nhưng Phùng Văn Cường quyết định nộp hồ sơ vào Viettel vì nghe một người bạn giới thiệu "tương lai đây có thể là một mạng di động rất lớn ở Việt Nam".

Chưa biết trước tương lai ra sao, nhưng khi gia nhập Viettel, Phùng Văn Cường nhớ lại: "Một công ty nhỏ mà lĩnh vực chủ yếu là kinh doanh dịch vụ điện thoại đường dài và dịch vụ voIP, chưa có mạng di động".

“Không bỏ ai lại phía sau” qua ký ức của một 8x - Ảnh 2.

Đó là năm 2004, mức lương khởi điểm mà Cường nhận được khi làm việc cho Viettel là 850.000 đồng/tháng, chia thành 2 kỳ nhận. "4 người nộp hồ sơ vào Viettel ngày đó, giờ chỉ còn mình tôi. Trụ được đến bây giờ thì tôi nghĩ đó là cái duyên số rất lớn của cá nhân mình với công ty", CEO 8x tâm sự.

Cuộc sống, thu nhập vất vả, nhưng kỹ sư Phùng Văn Cường và đồng nghiệp được tiếp cận hệ thống, giải pháp, mạng lưới thiết bị rất hiện đại. Ngày đó, Viettel gần như là con số không về mạng di động, những kỹ sư thuộc thế hệ Cường là những nhân sự đầu tiên "mua máy chủ, mua thiết bị mạng, tự tay đi dây, bấm cáp và cài đặt hết thống".

"Đây là cơ hội rất lớn để chúng tôi trưởng thành nhanh nhanh chóng. Khi đó, Viettel giống như một đại công trường hối hả làm việc. Một tuần, tôi cũng chỉ ngủ ở nhà 2-3 hôm thôi, còn cơ bản là ở lại làm đến 1-2h sáng; sau đó mệt quá thì ngủ lại luôn, thậm chí là ngủ luôn trong phòng máy", ông Cường nhớ lại.

Trước khi mạng di động Viettel ra đời, Việt Nam đã có 3 nhà mạng khác với tổng khoảng 5 triệu thuê bao, trong tổng số 90 triệu dân. Nhận thấy cơ hội thị trường còn rất lớn, toàn công ty quyết tâm làm việc hết mình và Phùng Văn Cường cũng nằm trong số đó.

"Không ai so sánh về thu nhập, về lương nữa. Mọi người đều nghĩ đến tương lai tươi sáng của tổ chức và có cá nhân mình trong đó. Viettel giống như công ty khởi nghiệp, ai cũng làm việc quên mình. Đây là chất keo để gắn kết những người ở Viettel từ ngày đầu tiên đến bây giờ còn trụ lại. Với tôi, những kỷ niệm của thế hệ kỹ sư đầu tiên luôn rất đẹp đẽ và không thể nào quên", CEO 8x tâm sự.

Khởi tạo thực tại mới cho một dịch vụ xa xỉ

Phùng Văn Cường vẫn còn nhớ như in trước khi mạng di động Viettel ra đời, dịch vụ này ở Việt Nam được coi là "rất xả xỉ". Những người giàu, những người tinh hoa trong xã hội mới được dùng".

Bởi vậy, với ông Cường và các đồng nghiệp "2004-2010 là giai đoạn vô cùng đẹp đẽ của chúng tôi. Khi dịch vụ di động của Viettel ra đời, chúng tôi mong muốn mỗi người dân Việt Nam sẽ sở hữu một chiếc điện thoại di động và sim di động", CEO 8x nhấn mạnh.

"Tôi vẫn còn nhớ, trước khi có mạng di động Viettel, mỗi phút gọi là 3.600 đồng, di động còn chia theo vùng. Viettel ra đời có rất nhiều đột phá, không chỉ cước phí rẻ, gọi bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu, mà gọi Hà Nội hay Cà Mau cũng đều một giá", ông Cường nhớ lại.

Với ngành viễn thông Việt Nam, Viettel đã tạo ra một thực tại mới: di động từ rất xa xỉ trở thành bình dân. Thay vì chỉ có giới tinh hoa, người giàu có mới được dùng, với sự góp mặt của nhà mạng quân đội, từ bác xe ôm, chị giúp việc, công nhân, nông dân… đều có thể sử dụng dễ dàng với chi phí phù hợp thu nhập.

Lo trước tương lai 10 năm

Đúc kết thành công của Viettel dưới 10 từ, Tổng giám đốc Phùng Văn Cường chia sẻ: "Cách nghĩ và cách làm khác biệt". Ông Cường lý giải: "Viettel luôn luôn lo trước tương lai của mình, nhìn trước 10 năm sau mình sẽ làm gì? Mình có tồn tại hay không tồn tại".

“Không bỏ ai lại phía sau” qua ký ức của một 8x - Ảnh 3.

Khi đi ra nước ngoài còn bộn bề công việc, Viettel đã nghĩ đến câu chuyện là phải xây dựng một chuyên ngành mới là công nghệ thông tin, các giải pháp công nghệ. Mạnh mẽ nhất là 2009, Tập đoàn Viettel đã bắt đầu đầu tư vào CNTT. Từ câu chuyện phải đi mua, công ty này đã tự làm để cung cấp cho mình, sau đó là mang lại giải pháp cho khách hàng bên ngoài.

Luôn tâm đắc với những triết lý và slogan nổi tiếng của tập đoàn như "Hãy nói theo cách của bạn", "khi công nghệ tiến lên phía trước, không ai bị bỏ lại phía sau", ông Cường tâm sự: "Điều này đã hình thành bộ gen Viettel, di truyền qua nhiều thế hệ. Bộ gen như tôi nói là luôn luôn gắn tâm thức, trách nhiệm của mình với đất nước, với xã hội, trách nhiệm xã hội".

"Viettel rất muốn biến công nghệ hiện đại nhất phức tạp nhất thành các giải pháp đơn giản. ‘Khi công nghệ tiến lên phía trước không ai bị bỏ lại phía sau’ là triết lý mà Viettel đang thực hiện để kéo gần khoảng cách giàu nghèo, giữa nông thôn thành thị…", ông Phùng Văn Cường khẳng định.

Ánh Dương

Từ khóa:  kinh doanh
Cùng chuyên mục
XEM