Không biết gì về công nghệ hay tiếp thị, tỷ phú Jack Ma tiết lộ bí quyết giúp ông tạo dựng nên đế chế Alibaba

26/05/2019 08:30 AM | Kinh doanh

"Tôi không biết gì về công nghệ, cũng chẳng biết gì về marketing. Điều duy nhất tôi biết để tạo nên thành công của mình đó là con người", tỷ phú Jack Ma chia sẻ tại hội nghị Viva Tech.

Jack Ma là người đồng sáng lập, chủ tịch của hãng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba - công ty hiện có vốn hóa khoảng 420 tỷ USD. Theo tạp chí Forbes, hiện tại, ông sở hữu tài sản trị giá 36,5 tỷ USD.

Chia sẻ tại hội nghị Viva Tech diễn ra tại Paris (Pháp) mới đây, Jack Ma cho biết thành công của ông không liên quan gì tới hiểu biết về công nghệ hay kỹ năng kinh doanh.

"Tất cả những gì tôi làm với tư cách một nhà sáng lập là làm cho khách hàng hài lòng. Hãy tập hợp đội ngũ của bạn, làm cho họ hài lòng. Và bạn sẽ được hài lòng", Jack Ma chia sẻ.

Jack Ma xuất thân là một giáo viên dạy tiếng Anh. Ông nảy ra ý tưởng thành lập một công ty công nghệ sau khi lần đầu tiếp xúc với Internet trong chuyến đi tới Mỹ đầu tiên vào năm 1995.

"Bạn của tôi nói rằng "Jack, đây là Internet". Tôi hỏi: "Internet là cái gì?". Anh ấy trả lời rằng: "Để tìm kiếm bất kỳ thứ gì cậu muốn", Jack Ma kể lại.

"Ban đầu, tôi không muốn động vào bởi máy tính là thứ vô cùng đắt đỏ ở Trung Quốc. Nếu làm hỏng nó, tôi sẽ không thể đền nổi", ông chủ Alibaba kể. Nhưng rồi ông tìm kiếm từ đầu tiên: "beer" (bia). Sau đó là từ "China" (Trung Quốc). Tuy nhiên, "không có thông tin gì về Trung Quốc cả", doanh nhân 55 tuổi nhớ lại.

"Vì vậy tôi nói với bạn mình: 'Tại sao không tạo ra thứ gì đó về Trung Quốc?'. Rồi sau đó chúng tôi cùng tạo ra một trang web nhỏ với giao diện xấu xí có tên "China", Jack Ma kể. Đây chính là khởi điểm của Alibaba, bắt đầu là một "chợ thông tin điện tử" và phát triển từ đó.

Mặc dù không có kiến thức về công nghệ, nhưng "tôi biết về con người. Tôi được đào tạo để trở thành giáo viên. Là một giáo viên, bạn muốn học sinh trở thành người tốt hơn mình. Sản phẩm tốt nhất chính là học sinh", Jack Ma chia sẻ tại Viva Tech.

Kỹ năng này đã giúp Jack Ma truyền cảm hứng và khích lệ các nhân viên của Alibaba - nhân tố góp phần mang lại thành công lớn của công ty.

 Không biết gì về công nghệ hay tiếp thị, tỷ phú Jack Ma tiết lộ bí quyết giúp ông tạo dựng nên đế chế Alibaba  - Ảnh 1.

Tỷ phú chia sẻ: "Bạn phải lắng nghe họ. Bạn phải cố gắng để đảm bảo rằng bạn có thể trao quyền cho họ, giúp họ đạt được mục tiêu, làm việc theo nhóm, sau đó bạn có thể hợp tác. Đó chính là cách chúng tôi vận hành công ty mình".

"Hãy dành thời gian cho khách hàng, nhân viên, đội ngũ của bạn. Đừng dành thời gian cho đối thủ hay các nhà đầu tư. Khi bạn dành thời gian cho những người mà bạn phục vụ, và sau đó họ hài lòng thì tức là bạn đã chiến thắng. Tôi phát hiện ra rằng bạn càng quan tâm tới đội ngũ của mình bao nhiêu, thì họ càng quan tâm tới bạn và khách hàng của công ty.

"Tôi đã nói với tất cả nhân viên của mình từ những ngày đầu: 'Đừng làm tôi hài lòng, đừng yêu mến tôi. Mà hãy làm cho khách hàng hài lòng, làm cho họ yêu mến các bạn", Jack Ma chia sẻ tại hội nghị.

Hiểu được tầm quan trọng của đội ngũ nhân viên, những vị trí quan trọng trong công ty luôn được Jack Ma ưu tiên dành cho phụ nữ. Theo tỷ phú, lí do ông làm như vậy là vì phụ nữ phần lớn nhạy cảm và có thể quan tâm tới những người khác nhiều hơn nam giới.

Ông nói: "Phụ nữ thế kỷ 21 rất quyền lực. Ở thế kỷ trước, người ta hay so sánh với nhau dựa trên sức mạnh, còn ở thế kỷ này, người ta lại so sánh về sự khôn ngoan".

 Không biết gì về công nghệ hay tiếp thị, tỷ phú Jack Ma tiết lộ bí quyết giúp ông tạo dựng nên đế chế Alibaba  - Ảnh 2.

Cũng tại hội nghị Viva Tech, Jack Ma tuyên bố sẽ trở lại với công việc giảng dạy khi nghỉ hưu vào tháng 9 tới. Tỷ phú 54 tuổi cho biết ông sẽ rời vị trí chủ tịch công ty vào ngày 10/9/2019 - đúng ngày kỷ niệm 20 năm thành lập công ty.

Ông nói thêm rằng ông muốn dành số tiền đã kiếm được từ Alibaba để thay đổi hệ thống giáo dục tại Trung Quốc, thay vì đưa nó vào tay các nhà đầu tư hay ngân hàng. Ma cho biết ông tự thấy mình vẫn còn trẻ và muốn dành thêm 15 năm nữa trong lĩnh vực giáo dục.

Theo Anh Thơ

Cùng chuyên mục
XEM