Giới khởi nghiệp Paris đưa công nghệ cao vào ngành du lịch như thế nào?

10/07/2015 16:12 PM |

Một số người Paris dám nghĩ dám làm lại đang bận rộn với dự án sử dụng công nghệ như là “cú hích” cho một trong những ngành kinh doanh lớn nhất thành phố này: Du lịch

Trong khi giới tài xế taxi ở Paris cực lực phản đối sự hiện diện của Uber, khiến mọi người dễ liên tưởng rằng đây là thành phố của những người phản đối công nghệ thì một số người Paris dám nghĩ dám làm lại đang bận rộn với dự án sử dụng công nghệ như là “cú hích” cho một trong những ngành kinh doanh lớn nhất thành phố này: Du lịch

Đó là một ứng dụng off-line trên iPhone có tên gọi là “Smarter Paris”, với những thông tin được cập nhật theo thời gian thực về mọi thứ, từ đánh giá các nhà hàng, giải trí, mua sắm tại các cửa hiệu, đến thuê xe đạp, bản đồ, phương tiện đi lại .v.v. Ứng dụng này thậm chí còn có một chức năng đọc nội dung hướng dẫn đó ra nếu như bạn không muốn tự đọc. Tóm lại, bạn được sở hữu một sổ tay hướng dẫn gọn nhẹ trong tầm tay cho chuyến du lịch của mình.

Thị trường vẫn còn ở trên giấy

“Thị trường cho các hướng dẫn du lịch hiện vẫn còn trên giấy”, Remi Morlot, đồng sáng lập của Smarter Paris cho biết. Morlot không sai. Hiện tại hàng ngàn du khách đến thành phố này vẫn còn đang “chúi mũi” vào những tập sách hướng dẫn tên tuổi như Fromer hay Lonely Planet, vì có lẽ họ sợ bị tính phí khi sử dụng ứng dụng trên.

Morlot đã thuyết phục các nhà lãnh đạo của Văn phòng du lịch Paris hợp tác với mình, cùng chia sẻ thông tin, tài nguyên và tìm cách kiếm nguồn đầu tư mạo hiểm mới. Đến thời điểm này, Smarter Paris đã tung ra ứng dụng dành cho Apple Watch, giúp du khách có thể truy cập ngay tới những gì đang diễn ra xung quanh họ, và dự kiến cuối năm nay họ sẽ có phiên bản dành cho Android.

Morlot bắt đầu dự án này vào năm 2013 và tung ra ứng dụng trên vào cuối tháng 12 năm ngoái. Khi được hỏi: “Thế tại sao anh không tạo ra một website về Paris?”, anh trả lời: “Vì đã có những website như thế rồi, và tất cả chúng đều có nội dung lỗi thời, chẳng có gì hấp dẫn hay mới mẻ cả. Tôi lấy làm tiếc cho những người đến Paris và được bảo rằng quán này, chỗ kia là nơi duy nhất để làm hay thưởng thức chuyện gì đó. Có nhiều chỗ hơn như thế, chứ không quanh đi quẩn lại chỉ có nhà hàng Bateaux Mouches, bảo tàng Louvre, tháp Eiffel và nhà thờ Đức Bà.”

Do đâu anh bắt tay vào việc xây dựng ứng dụng này? “Tôi hỏi mọi người họ thật sự thích ứng dụng du lịch nào và phải khó khăn lắm họ mới cho tôi biết một cái tên, vì thế tôi quyết định làm một điều gì đó,” anh trả lời. Và “điều gì đó” của anh là tập hợp 5 người bạn lại và tạo ra

1.000 trang thông tin cùng 1.500 bức ảnh gốc trong vòng một năm. “Một số website lớn hơn có thể có những thông tin tương tự, nhưng hầu hết họ đều dùng lại của những nơi khác, còn của chúng tôi đều là bản gốc.” Smarter Paris được viết bằng tiếng Anh trước, sau đó được dịch ra tiếng Pháp. “Và điều khiến cho ứng dụng của chúng tôi khác biệt là khả năng thay đổi rất nhanh: 100% off-line nhưng liên tục được cập nhật,” anh “khoe”.

Morlot là trụ cột về công nghệ thông tin (IT) cho cả nhóm, vì anh từng học nó vào năm 1997, và có 4 năm làm việc trong phòng IT của ngân hàng Caisse des Depots trước khi chuyển sang Siebel, Société Générale và có 2 năm làm tại một phòng thí nghiệm dược ở East Coast, Mỹ. “Nhưng tôi chưa bao giờ làm việc tại thung lũng Silicon,” anh nói với giọng tiếc nuối.

Bỏ tiền túi ra đầu tư

Vốn đầu tư ban đầu là từ tiền túi của họ. Mô hình kinh doanh không có gì phức tạp: Có doanh thu từ việc bán ứng dụng này (1500 lượt đã được bán trong 3 tháng đầu tiên qua đường truyền miệng và giới thiệu của các blogger chuyên về du lịch) và doanh thu từ Premium.

Họ cũng có kế hoạch tung ra những chuyến du lịch có người hướng dẫn và những sự kiện một khách một hướng dẫn viên để người dùng Smarter Paris có trải nghiệm khác biệt với Paris và người dân ở đây. “Tôi thấy điều này rất có ích cho những du khách có trình độ muốn một trải nghiệm khác ở Paris, hay những người trẻ muốn có một điều gì đó khác biệt,” Morlot tâm sự.

Mục tiêu hiện tại của Smarter Paris chủ yếu là người dân ở các quốc gia nói tiếng Anh, nhưng anh vẫn chú ý đến những thị trường mới nổi. “Tôi thấy Brazil là một thị trường đang lên, dễ “làm việc” hơn là Trung Quốc. Văn phòng du lịch Pháp cũng xác nhận rằng du khách Brazil đến Paris đang tăng lên, vì thế Bồ Đào Nha có thể là ngôn ngữ tiếp theo cho ứng dụng của chúng tôi, thay vì là tiếng Hoa,” anh chia sẻ.

Chi phí thấp, nhiều người sử dụng là cách tiếp cách cận khách hàng chính của anh ở thời điểm hiện tại. Trang Facebook của Smarter Paris đã có có 20.000 “like” trong những tháng đầu tiên, và website www.smarterparis.com cũng đang tăng doanh số. Thật vậy, giao tiếp với cộng đồng mạng xã hội là một trong những điều đầu tiên mà anh nghĩ đến. “Tôi có thể thuê ai đó coi trang Facebook, nhưng rồi sau đó mọi chuyện sẽ như thế nào?” vì thế anh quyết định tự mình đảm nhiệm luôn.

“Tôi biết rằng khi bắt đầu một doanh nghiệp, bạn phải có thể tự làm mọi thứ. Và bạn phải giỏi mọi thứ để hiểu được mọi thứ. Sự cống hiến và động lực chính là chìa khóa đến thành công. Nếu bạn muốn doanh nghiệp của mình thành công, bạn phải làm việc với công suất 200%. Nếu không, bạn sẽ thất bại,” anh nói.

Và Remi Morlot đang làm việc với công suất... 300%.

Lê Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM