Các công ty khởi nghiệp đang "lợi dụng" lẫn nhau?

23/09/2015 08:00 AM |

Do buộc phải phát triển bằng bất cứ giá nào, các công ty khởi nghiệp luôn có những nhu cầu đặc biệt và chính điều này đã tạo ra cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ.

Vào tháng 1, trên trang bìa tạp chí Fortune để hình ảnh một chú kỳ lân để đại diện cho kỷ nguyên mới của những công ty tư nhân với giá trị hàng tỷ USD. Những tưởng đó đã là thời kỳ đỉnh điểm nhưng thực tế cho đến nay số lượng những chú kỳ lân như vậy vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở. Những công bố huy động vốn ngày một nhiều với số tiền lớn hơn trong năm 2015 – ngay cả khi tâm lý bất an lan tràn trên thị trường chứng khoán về một vụ nổ bong bóng khởi nghiệp.

Tháng 1, chỉ có 80 công ty khởi nghiệp được gọi là “kỳ lân”. Kể từ sau đó, đã có thêm 59 công ty nữa. Trong năm 2010, các công ty khởi nghiệp trải qua 29 vòng huy động vốn và số tiền thu về được khoảng trên 100 triệu USD. Đến nửa đầu năm nay, số tiền này đã tăng gấp 4 lần.

Hậu quả của việc có quá nhiều công ty khởi nghiệp là tạo ra ảnh hưởng sâu và rộng khắp. Một vài người tin rằng nó sẽ khiến dịch vụ thuê nhà và văn phòng tại San Francisco bùng nổ – đến mức có thể vượt qua New York lần đầu tiên kể từ sau bong bóng dotcom. Một số khác lại cho rằng nó khiến nhân tài trong Vịnh Area trở nên đắt giá hơn bao giờ hết. CEO Yelp là Jeremy Stoppelman gần đây nói rằng sự bùng nổ những chú kỳ lân công nghệ khiến chi phí lương tăng cao hơn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho các công ty khởi nghiệp đang ngày càng giàu hơn. Họ cung cấp dịch vụ cho nhiều công ty lớn nhỏ, từ Cater2.me, ZeroCater tới những công ty khởi nghiệp tỷ đô như GitHub và Eventbrite. Do buộc phải phát triển thật nhanh bằng bất cứ giá nào, các công ty khởi nghiệp luôn có những nhu cầu đặc biệt và chính điều này đã tạo ra cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ.

Công ty thiết kế Ohio tại San Francisco là đơn vị tạo ra những đồ nội thất văn phòng thủ công cho khách hàng là những công ty khởi nghiệp như Square và Uber. Doanh số bán hàng của họ đã tăng gấp 25 lần trong suốt thời kỳ bùng nổ những chú kỳ lân, theo nhà sáng lập David Pierce. “Tôi cảm thấy dường như công ty của mình đang cung cấp xẻng và dụng cụ đào cho các thợ đào vàng”.

Ohio Design không phải là công ty duy nhất được hưởng lợi. Custom Spaces – một công ty bất động sản thương mại vốn làm việc với nhiều công ty khởi nghiệp như Airbnb và Dropbox đã trở nên giàu có nhờ những công ty mới – những đối tượng có nhu cầu cao về việc xây văn phòng.

Cũng như vậy, TaskUs – một công ty khởi nghiệp đã huy động được số vốn lên tới 15 triệu USD nhờ cung cấp những dịch vụ thuê ngoài cho Uber và hỗ trợ văn phòng Philippines.

HomePolish là một công ty thiết kế nội thất chuyên cung cấp nhu yếu phẩm cho các công ty khởi nghiệp như lều, bàn chơi ping-pong... cho các khách hàng như Blue Apron và Gilt Groupe.

Tuy nhiên, chưa ngóc ngách nào của nền kinh tế lại cảm nhận được ảnh hưởng của sự sinh sôi nảy nở những "chú kỳ lân" một cách sâu sắc như các quỹ đầu tư. Năm ngoái, các quỹ đầu tư đã rót 56,4 tỷ USD cho các công ty khởi nghiệp, mức cao nhất kể từ năm 2001 theo CB Insights.

Ngoài ra, việc cạnh tranh ngày càng gay gắt khiến các công ty phải khác biệt chính họ bằng những dịch vụ khởi nghiệp thân thiện. Ví dụ như cung cấp nhân sự, tuyển dụng, marketing và hỗ trợ thiết kế cho các công ty… Thậm chí, một công ty khởi nghiệp mới thành lập còn có tên là "Unicorn Capital Partners" như để chỉ về "sự bắt đầu của kỷ nguyên những chú kỳ lân công nghệ".

Nhìn chung, dù có đang diễn ra bong bóng công nghệ đi chăng nữa thì các nhà đầu tư có vẻ vẫn không quá lo lắng.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM