Khởi nghiệp với 1.000 USD, một cựu tourguide đã nghĩ ra cách khiến nhà giàu thế giới 'móc hầu bao' gấp 3 lần khi đi du lịch tại Việt Nam

01/08/2018 15:06 PM | Kinh doanh

Năm 2014, mức chi tiêu của khách hàng tại Luxury Travel là 350-500 USD/ngày, gấp 3 lần mức chi tiêu trung bình của khách quốc tế đến Việt Nam.

Theo hãng nghiên cứu Allied Market Research, thị trường du lịch cao cấp toàn cầu được dự đoán đạt mốc 1.153 tỷ USD năm 2022 với mức tăng trưởng kép 6,4% trong giai đoạn từ 2016-2022. Du lịch cao cấp được xem là thị trường ngách cung cấp dịch vụ trải nghiệm như máy bay phản lực tư nhân, spa, thực đơn đặc biệt, cho thuê đảo tư nhân, du thuyền cá nhân hướng tới người có thu nhập cao trên thế giới.

Giai đoạn 2016-2022 du lịch cao cấp cũng là mảng tăng trưởng nhanh nhất trong ngành công nghiệp không khói thế giới. Theo thống kê của International Exhibition of the Luxury Travel Market, phân khúc này chỉ chiếm 3% tổng lượng khách du lịch nhưng lại chiếm 20% doanh thu toàn ngành.

Tuy nhiên tại Việt Nam, du lịch cao cấp vẫn chưa phát triển mạnh khi chi tiêu của du khách trung bình khá thấp. Mới đây Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết mỗi khách quốc tế đến địa phương này chi tiêu khoảng 145 USD/ngày với thời gian lưu trú trú trung bình là 5,21 ngày. Làm sao để tăng nguồn thu cho du lịch là bài toán không chỉ riêng Tp. Hồ Chí Minh. Theo đó, Sở này sẽ nâng cao dịch vụ du lịch hạng sang cũng như các hình thức du lịch y tế, du lịch kết hợp hội nghị MICE.

Một điều khá thú vị là cách đây 4 năm, một doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội đã có mức chi tiêu khách từ 350-500 USD/ngày, gấp 3 lần mức chi tiêu trung bình của khách quốc tế đến Việt Nam. Cách làm của Luxury Travel Viet Nam có thể xem là mô hình đáng học hỏi.

Theo tạp chí Forbes, năm 2004, Phạm Mạnh Hà sau 7 năm làm việc tại vị trí hướng dẫn viên du lịch và nhân viên bán hàng tại Buffalo Tours đã quyết định khởi nghiệp với số vốn 1.000 USD. Buffalo được thành lập năm 1994 bởi doanh nhân Trần Trọng Kiên. Đây là công ty đầu tiên và hiện dẫn đầu về du lịch inbound tại Việt Nam cũng như tại châu Á.

Hà vốn là cử nhân quản trị kinh doanh, có cả bằng tiếng Anh và Pháp. Quá trình làm việc tại Buffalo khiến Phạm Mạnh Hà nhận ra nhu cầu về du lịch trải nghiệm đặc biệt hướng tới nhóm du khách cao cấp nhưng thị trường chưa có công ty nào đáp ứng. Với ý tưởng lập công ty du lịch chú trọng vào trải nghiệm cao cấp, đề cao cá nhân hóa, Hà quyết định lập trang Vietvoyage.com chào bán các tour du lịch cao cấp, thiết kế riêng, hướng đến nhóm người này.

Khởi nghiệp với 1.000 USD, một cựu tourguide đã nghĩ ra cách khiến nhà giàu thế giới móc hầu bao gấp 3 lần khi đi du lịch tại Việt Nam - Ảnh 1.

CEO Phạm Mạnh Hà.

Trước khi khởi nghiệp du lịch, Hà cũng là hướng dẫn viên du lịch tại một công ty du lịch lớn. Bởi vậy nguồn khách ban đầu của Vietvoyage.com chủ yếu đến từ Internet và giới thiệu từ bạn bè, những mối quan hệ từ thời Hà dẫn tour cho các đại sứ và gia đình họ. 

Chia sẻ với Forbes cách đây khá lâu, Phạm Mạnh Hà còn nhanh nhạy tiếp cận các câu lạc bộ dành cho giới có tiền, xem báo, gửi thư chúc mừng đến chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của công ty nước ngoài mới mở tại Việt Nam và giới thiệu về mình.

Lật ngược lại lịch sử, 2004 là năm chuyến bay thương mại đầu tiên Việt Nam - Mỹ được nối lại sau hơn 30 năm gián đoạn và là năm hội nghị cấp cao Á – Âu (ASEM) lần thứ 5 tổ chức thành công tại Hà Nội. Những sự kiện này khiến ngành du lịch đón thêm nhiều đoàn khách tìm hiểu đầu tư, kinh doanh cũng như tham dự hội nghị, hội thảo (MICE). Ra đời đúng thời điểm nên công ty của Phạm Mạnh Hà nhanh chóng phát triển. Một năm sau Vietvoyage đổi tên thành Luxury Travel nhằm chuyển tải rõ hơn về mô hình kinh doanh của mình.

Sang năm 2007 khi lượng công ty lữ hành nở rộ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Luxury Travel quyết định chuyển hướng sang kinh doanh B2B thay vì dựa vào Internet như trước đây. Công ty này bắt đầu tham gia vào các hội chợ du lịch quốc tế để bán sản phẩm cho các hãng lữ hành cao cấp. Ví dụ như năm 2013, Luxury tham dự hội chợ World Travel Market Latin America. Đây là sự kiện hàng đầu về du lịch tại khu vực Mỹ Latin trong 3 ngày chuyên về B2B.

"Với những nỗ lực tiếp thị của mình, chúng tôi sẽ thu hút nhiều khách du lịch muốn trải nghiệm Việt Nam và bán đảo Đông Dương theo phong cách sang trọng. Chúng tôi làm nổi bật những trải nghiệm du lịch như khởi hành 2 chuyến hàng tháng, chọn 10 chuyến đi hàng đầu tại Việt Nam và khu vực lân cận, các dịch vụ khách sạn 4-5 sao, dịch vụ hàng không của Qatar và Emirates để bán buôn cho các nhà điều hành tour trên khách Châu Mỹ Latin", giám đốc bán hàng và tiếp thị của của Luxury Travel cho biết.

Nhà sáng lập Phạm Mạnh Hà cũng cho biết chuyển hướng B2B được xem là bước ngoặt giúp công ty này tăng trưởng 30% trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.

Bên cạnh chọn hướng kinh doanh, mang đến trải nghiệm mà không công ty nào có thể bắt chước được khiến Luxury Travel vững chân trên thị trường du lịch. Phạm Mạnh Hà và đội ngũ của mình từng xoay xở để thực hiện thành công ước mơ được đi xích lô trong phố cổ, đặt vòng hoa trước lăng Bác của một đoàn khách cao cấp từ hoàng gia Trung Đông trong thời điểm diễn ra bầu cử, hạn chế di chuyển trong khu vực này. Hay công ty này từng mời giáo sư sử học Lê Văn Lan đến thuyết trình về lịch sử Việt Nam cho đoàn khách tham quan kiến trúc cổ tại Hà Nội.

Một điểm khác tại Luxury Travel là mỗi nhân viên sẽ đảm nhiệm toàn bộ tour từ đặt phòng khách sạn, máy bay, ăn ở cho đến liên lạc, hướng dẫn khách trong khi ở các công ty khác mỗi nhân viên sẽ đảm nhận một khâu nhất định. Việc tập trung vào 1 người duy nhất giúp kích thích sự nỗ lực của nhân viên chăm sóc khách chu đáo từ đầu đến cuối. Bù lại nhân viên cũng được khen thưởng hậu hĩnh khi mang đến trải nghiệm tốt cho khách hàng.

Hiện nay Luxury Travel khai thác du lịch tại thị trường Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar cũng như có văn phòng đại diện tại Mỹ, Anh, Đức và Úc. Theo giới thiệu trên trang của Luxury Travel, tỷ lệ quay lại của khách là trên 60%. Mục tiêu của Luxury Travel đến năm 2020 sẽ trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực du lịch cao cấp tại Việt Nam và sau đó là châu Á, kèm theo đó là khả năng IPO trong tương lai.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM