Khởi nghiệp nhưng 2 lần bị anh em 'dứt áo ra đi', vị CEO này nghiệm ra triết lý quản trị: Hãy thả ra và giao trách nhiệm thay vì chăm chăm nhìn máy tính xem nhân viên làm gì

22/02/2018 08:07 AM | Kinh doanh

Nhờ theo đuổi triết lý 'lạt mềm buộc chặt' thay vì chăm chăm theo dõi nhân viên, kết quả giờ đây Adtop đã có một đội ngũ gắn bó với nhau suốt 4 năm - một khoảng thời gian mà startup nào cũng phải ngưỡng mộ.

Một cách quen thuộc, startup được định nghĩa là những doanh nghiệp khởi nghiệp có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Để phục vụ yêu cầu này, nhiều yếu tố được lưu tâm đến khi xây dựng một công ty truyền thống thường bị bỏ qua ở startup. Ví dụ trong số đó là chuyện dụng nhân làm sao cho khéo léo, hay là tạo ra văn hóa chung cho cả một tập thể như thế nào.

Thế nhưng, nếu nghe được câu chuyện dưới đây của CEO một startup tại Việt Nam, nhiều nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp có thể sẽ phải giật mình. Đó là anh Nguyễn Văn Vững đến từ công ty Adtop với màn thuyết trình tại sự kiện Kawai Startup Fair 2018.

Anh đã kể lại việc mình phải nếm trải cảnh các nhân viên lũ lượt rời khỏi công ty, hoặc là chính tay anh phải ‘thay máu’ những đồng nghiệp anh em của mình, để lại một mình Vững ở lại Adtop chiến đấu.

Khởi nghiệp nhưng 2 lần bị anh em dứt áo ra đi, vị CEO này nghiệm ra triết lý quản trị: Hãy thả ra và giao trách nhiệm thay vì chăm chăm nhìn máy tính xem nhân viên làm gì - Ảnh 1.

Nguyễn Văn Vững được giới thiệu tại sự kiện Kawai Startup Fair 2018

Điều đáng tiếc là tình cảnh khó khăn đã đến với Vững không chỉ 1 mà là tới 2 lần. Phải nói rằng nếu với một doanh nghiệp lớn, ngày buồn nhất là lúc ngân hàng đến ‘xiết nợ’ và công ty phá sản thì đối với startup, ngày buồn nhất có lẽ là lúc nhà sáng lập phải nhìn những người anh em kề vai sát cánh cùng mình rời bỏ con thuyền với một ước mơ lớn mà tất cả đã từng chung tay.

"Đầu tiên, khi bắt đầu mở công ty là sau đó mình đã thay máu 1 lần. Lúc đó, những người công ty tuyển vào đi gần hết, gần như chỉ còn lại mỗi mình. Và thế hệ F2 thì cũng gần như thế. Như thế trong 2 năm đầu tiên, mình thay máu 2 lần" - Nguyễn Văn Vững bồi hồi kể lại.

Giờ đây sau những trải nghiệm đau đớn, Vững đã làm lại Adtop với thế hệ thứ 3. "Bây giờ công ty đã có F3. Ở thế hệ này, mình tập trung vào vấn đề phát triển văn hóa và gây dựng đội ngũ để đến giờ đã có những người gắn bó hơn 4 năm liền. Chính những con người đó đã tạo nên thành công của công ty cho đến lúc này" - CEO Adtop nói.

Đến lúc này, Adtop đã là một tên tuổi có ‘số má’ trong ngành quảng cáo trực tuyến Việt Nam với doanh thu nhiều triệu USD. Trong không gian của những người trẻ startup ở Kawai Startup Fair, Vững cởi mở chia sẻ cách mình đã vượt qua thất bại tới 2 lần như thế nào. 

Bài học lớn nhất, dường như nằm chính ở văn hóa công ty. "Từ đây, mình thấy văn hóa rất quan trọng. Mình sẽ chia sẻ văn hóa của tụi mình xem có mang đến cho các bạn gợi ý gì không". Triết lý của Adtop chính là theo đuổi sự ưu tú của bản thân" - Vững mở đầu màn chia sẻ.

'Theo đuổi sự ưu tú, thành công sẽ chạy theo', hay là 'hãy cứ làm việc hết mình đi, lương thưởng không phải nghĩ'

"Triết lý của công ty mình là: Theo đuổi sự ưu tú của bản thân, thành công sẽ theo đuổi bạn" - CEO Nguyễn Văn Vững nói.

Thưc sự, bạn có thể đã từng nghe thấy câu nói này trong bộ phim ‘3 chàng ngốc’ – câu chuyện về 3 chàng trai tuy học cùng nhau tại một trường về kỹ thuật nhưng cuối cùng mỗi người đều đã dám theo đuổi sự đam mê của mình một cách nhiệt thành và đạt được thành công.

Có lẽ cũng dựa trên tư tưởng từ bộ phim kia, CEO Nguyễn Văn Vững giải thích triết lý ‘theo đuổi sự ưu tú' của công ty mình’ là việc khuyến khích nhân viên làm việc hết mình vì một tầm nhìn lớn.

Giờ đây ở Adtop, người ta thấy những nhân viên làm việc ‘điên cuồng trong say mê mà không cần phải thúc ép’. Họ cũng chẳng cần phải lo lắng về chuyện lương thưởng, vì 'Adtop sẵn sàng trả lương còn cao hơn những gì bạn làm được'.

Khởi nghiệp nhưng 2 lần bị anh em dứt áo ra đi, vị CEO này nghiệm ra triết lý quản trị: Hãy thả ra và giao trách nhiệm thay vì chăm chăm nhìn máy tính xem nhân viên làm gì - Ảnh 2.

Một triết lý mà có lẽ nhiều bạn trẻ đều đã từng nghe đến

"Có nghĩa là khi bạn làm việc với tôi, làm việc trong công ty của tôi, bạn đừng quan tâm đến vấn đề lương. Lương chỉ đánh giá rằng bạn cống hiến như thế nào cho công ty, bạn đã tạo ra giá trị bao nhiêu. Còn tất nhiên khi bạn có cái đó, chúng tôi sẵn sàng trả lương tương xứng, thậm chí còn cao hơn so với những cống hiến của bạn" - Vững khẳng định.

Với văn hóa này, cách triển khai công việc tại Adtop sẽ là đánh giá hoàn toàn theo KPI: Công ty sẽ không can thiệp vào cách các nhân viên làm việc, chì quan tâm đến giá trị họ tạo ra. Vì tất cả đều hướng đến tầm nhìn lớn nên những mâu thuẫn trong công ty đều được giải quyết đơn giản.

"Việc của tụi mình là giao KPI và việc của họ là triển khai những thứ đó, làm cách nào là việc của họ, miễn là đạt được KPI theo yêu cầu. Như thế đội ngũ của mình gắn kết với nhau và làm việc điên cuồng. Trong họp hành có thể xích mích nọ kia nhưng sau đó đâu vẫn vào đấy, mọi người vẫn làm việc rất chuyên nghiệp" - CEO Vững Nguyễn kể lại.

Để nhân viên ra đi để 'theo đuổi sự ưu tú', rồi đồng ý nhận lại khi  nhân viên muốn trở về để tự thử thách 

Một chiếc xe tốt muốn chạy thì vẫn cần xăng và để triết lý 'theo đuổi sự ưu tú' có thể được ứng dụng thành công tại Adtop, có những tính từ đã trở thành tôn chỉ mà tất cả nhân viên Adtop tuân theo. Đó chính là 'cởi mở' và 'trách nhiệm'.

CEO Nguyễn Văn Vững đặt vấn đề: "Văn hóa của tụi mình là sự cởi mở, Mình quan niệm chúng ta đến được với nhau là cái duyên. Chúng ta ở được với nhau là cái duyên lớn hơn. Vậy câu chuyện là chúng ta nên giữ được cái duyên cho lâu dài. Nhưng chắc chắn sẽ có lúc tôi và 2 ông co-founder không nhìn chung 1 hưỡng mãi mãi. Vậy, chúng ta phải giải quyết như thế nào?"

Theo CEO Adtop thì nút thắt đó sẽ được giải quyết chính bởi sự cởi mở giữa các nhân viên trong công ty. Anh nói: "Chúng ta phải nói cho nhau nghe tôi nghĩ như thế này, như thế kia. Ở công ty của mình, mọi người đều cởi mở. Không ai được phép giấu bất kỳ một cái gì, nếu như việc đó là cần, là tốt cho người khác"

Khởi nghiệp nhưng 2 lần bị anh em dứt áo ra đi, vị CEO này nghiệm ra triết lý quản trị: Hãy thả ra và giao trách nhiệm thay vì chăm chăm nhìn máy tính xem nhân viên làm gì - Ảnh 3.

Màn chia sẻ tại Kawai Startup Fair

Theo dòng hồi tưởng, anh Vững kể lại câu chuyện về sự cởi mở đã giúp công ty anh có được một nhân viên tốt như thế nào. Đó là thời điểm một nhân viên thế hê F3 của Adtop có ý định nghỉ việc và đã nói với Vững. 

Anh đồng ý để cho nhân viên này ra đi vì người này còn khá trẻ và Vững nghĩ rằng đến với những môi trường mới sẽ giúp cậu ta phát triển bản thân của mình, hay chính là có thể 'theo đuổi sự ưu tú'. Sau đó, khi đã 'đủ lớn' và cậu nhân viên có ý xin trở lại làm việc bởi công ty đã trưởng thành và có nhiều thử thách hơn, Vững cũng đồng ý cho cậu ta trở lại đồng hành với Adtop.

Đừng chăm chăm 'nhìn máy tính giám sát xem nhân viên đang làm gì', hãy thả ra và 'lạt mềm buộc chặt'

Tính từ không thể thiếu cuối cùng trong triết lý 'theo đuổi sự ưu tú' tại công ty này là trách nhiệm Nói rộng hơn, đó chính là cách 'quản nhân viên' dựa trên trách nhiệm tại Adtop - một phương thức 'lạt mềm buộc chặt', chẳng cần đến quy định phức tạp hay những hình phạt tài chính.

CEO Nguyễn Văn Vững cho rằng việc đặt trách nhiệm lên từng thành viên trong công ty chính là cách quản lý linh hoạt nhất. Với những nhân viên làm việc hết mình nhưng lại không thích sự gò bó, đây chính là cách quản lý rất phù hợp. 

"Yếu tố tiếp theo đó là trách nhiệm. Sự thật là nhân sự của các bạn không muốn bạn kèm cặp họ mãi. Họ không muốn bạn ngồi chăm chăm nhìn máy tính để xem các bạn ấy làm gì. Làm thế không giải quyết được cái gì cả, lại tạo ức chế cho cả hai. Vì thế, cách quản lý tốt nhất là thả ra và đặt trách nhiệm lên họ" - CEO Adtop lấy ví dụ.

Khởi nghiệp nhưng 2 lần bị anh em dứt áo ra đi, vị CEO này nghiệm ra triết lý quản trị: Hãy thả ra và giao trách nhiệm thay vì chăm chăm nhìn máy tính xem nhân viên làm gì - Ảnh 4.

Đừng giám sát nhân viên, hãy 'lạt mềm buộc chặt'

Cách quản lý 'thả ra và đặt trách nhiệm' này sau một thời gian có thể tạo ra một bộ lọc tự nhiên để giữ lại những người thực sự hợp với Adtop. "Những kẻ cơ hội không bị kèm cặp sát sao và cũng không đạt được tiêu chuẩn trách nhiệm thì đáng bị thải loại. Ngược lại, những người làm việc có tâm, đạt được trách nhiệm công ty giao phó sẽ là những người xừng đáng đi con đường dài với Adtop" - Nguyễn Văn Vững nói.

Thước đo tốt nhất để đo lường trách nhiệm nói trên không gì khác chính là sự phản hồi của khách hàng về nhân viên đó. Vị CEO chia sẻ rằng mình không bao giờ quan tâm xem họ làm việc vào thứ 7 hay Chủ nhật, tối hay ban ngày; anh chỉ quan tâm đến việc mà họ làm được.  

"Thước đo của tụi mình dựa trên thước đo của khách hàng. Khách hàng phàn nàn nghĩa là họ đang có vấn đề. Khách hàng không phàn nàn, dòng tiền mang về vẫn có tức là họ đang làm tốt. Quay trở lại, các bạn có thể thả lỏng quyền quản lý ra, nhưng rồi nên lọc ra những con người có trách nhiệm. Đó chính là yếu tố văn hóa trách nhiệm trong công ty mình" - Anh Vững tổng kết.

Nhất Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM