Khoảng cách xa nhất trên thế giới này là con ngồi cạnh cha mẹ, mà cha mẹ lại chỉ chú ý đến cái điện thoại

10/04/2016 11:27 AM | Sống

Đừng vì chiếc điện thoại di động mà làm hỏng con.

“Khoảng cách xa nhất trên thế giới này là con ngồi cạnh cha mẹ mà cha mẹ lại chỉ chú ý đến cái điện thoại”. Không biết những cha mẹ trẻ bây giờ khi nghe con trẻ nói như vậy có cảm thấy buồn không?

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 vừa qua, Tú và các bạn cùng lớp 2A được cô giáo giao cho bài tập như sau: "Với lòng biết ơn mẹ của mình, các em hãy viết nhật ký về một việc mà em sẽ làm cho mẹ trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. (Gợi ý: em có thể hát một bài hát, nói những câu chúc tốt lành, hoặc đấm lưng, rửa chân cho mẹ mình…)".

Tú nghe lời cô giáo và quyết định về nhà hiếu thảo với mẹ. Sau đó một ngày, Tú đã viết một bài nhật ký:

“Hôm nay là ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, con muốn làm một việc thật hữu ích để cám ơn mẹ vì con biết, mẹ đã cố gắng làm việc rất vất vả để kiếm tiền nuôi con ăn học. Đầu tiên, con đã kể cho mẹ nghe một câu chuyện cười nhưng dường như mẹ không thích câu chuyện mà con kể vì mẹ chỉ chăm chú xem điện thoại, con thấy hơi buồn một chút.

Nhưng không sao, con nghĩ chắc mẹ thích con chúc mừng hơn nên con đã chúc mẹ thật nhiều, thật nhiều câu chúc tốt lành nhất, thế nhưng mẹ vẫn chỉ nhìn vào điện thoại, con lại thấy buồn hơn chút nữa.

Con nghĩ hay là cách này lại không được rồi, con sẽ đấm lưng cho mẹ vậy, nhưng mắt mẹ vẫn chỉ nhìn chăm chú vào điện thoại, khuôn mặt không hề xuất hiện một nụ cười nào, con chợt thấy rất buồn, rất buồn. Mẹ, ngày Quốc tế phụ nữ của con buồn quá”.

Đọc xong bài nhật ký của Tú, giáo viên đã đưa ra lời nhận xét như sau: “Tôi thật sự ngạc nhiên về khả năng quan sát của bọn trẻ, không ngờ rằng trong thế giới của những đứa trẻ, việc người lớn luôn chăm chăm vào điện thoại di động lại là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng”.

Đối với một học sinh lớp 2, toàn bộ bài văn là một chuỗi cảm xúc với cung bậc vô cùng tinh tế. Thế giới của bọn trẻ vô cùng trong sáng nên lời viết ra là những gì chân thực nhất, và vô tình lại phản ánh thực tại của xã hội ngày nay.

Mẹ Tú khi đọc nhật ký của con đã cảm thấy vô cùng xấu hổ và có lỗi với con trai của mình. Cô chia sẻ, hàng ngày sau khi đi làm về, cô và chồng mình thường thích chơi điện thoại, lướt facebook, đọc tin tức, chơi game.

Thi thoảng con trai muốn cô dạy học, cô còn cảm thấy thiếu kiên nhẫn. Cô không ngờ rằng hành động của mình có tác động lớn đến sự trưởng thành của con trẻ như vậy. Sau việc này, cô đã quyết định không chơi điện thoại mà sẽ dành nhiều thời gian cho con trai mình hơn.

Trẻ em cần có cha mẹ bên cạnh, “bên cạnh” ở đây không có nghĩa là bạn ngồi cạnh con để lướt facebook, chơi game. Mà là ở bên cạnh con để nói chuyện cùng con, lắng nghe các câu chuyện ngô nghê của chúng, lắng nghe lời nói từ trái tim của con mình, cùng con học tập, vui chơi, chia sẻ thành công, cùng tìm tiếng nói chung với người thân yêu “nhỏ bé” của chúng ta.

Rất nhiều các bậc phụ huynh phàn nàn về việc con cái họ chỉ thích chơi điện thoại, vậy bạn có từng nghĩ xem trước khi con mình thích chơi điện thoại thì chúng thích chơi cái gì chưa? Và nguyên nhân tại sao con bạn lại thích chơi điện thoại? Phải chăng dù vô tình hay cố ý, chính bạn đã trở thành hình mẫu sai cho con trẻ, tạo nên thói quen xấu đó cho con mình.

Công nghệ ngày nay vô cùng tiên tiến và không ngừng phát triển, bên cạnh việc giúp thế hệ trẻ tiếp cận thông tin nhanh và chính xác hơn, chúng lại mang đến những hệ lụy không hề nhỏ.

Hãy tắt điện thoại hoặc đặt chúng sang một bên khi bạn đã về nhà, đưa con bạn đi chơi, gặp gỡ tiếp xúc với những đứa trẻ cùng tuổi. Hãy đưa chúng đi giao lưu và khám phá thế giới “thật”, đừng để chúng hay chính bản thân bạn trở thành “con nghiện” của một thế giới “ảo”.

Hằng Phương

Cùng chuyên mục
XEM