Khoan đã, không có chuyện nhà sản xuất Trung Quốc nhái được tính năng cao cấp nhất của AirPods đâu

15/03/2019 17:18 PM | Công nghệ

Một blogger người Nga khiến các iFan giật mình khi tuyên bố có "AirPods nhái với khả năng hỗ trợ chip Apple W1"...

Nếu đã từng bỏ ra 3-4 triệu đồng để sở hữu AirPods thì một tin tức mới đến từ Trung Quốc có thể khiến bạn giật mình: khi đi dạo tại Thâm Quyến, một blogger mang tên Nikolay Tanev đã tìm thấy một cặp AirPods "nhái" có khả năng kết nối với iPhone dễ dàng không kém gì hàng thật. Đưa hộp đựng cặp tai "nhái" này đến gần iPhone, màn hình tự động hiện AirPods và kết nối không cần cài đặt như tai nghe Bluetooth thông thường.

Liệu tinh hoa của Apple trên AirPods đã bị phát hiện, bị "nhái"? May mắn, câu trả lời là không – để hiểu vì sao, bạn cần hiểu rõ về AirPods hơn đã.

Khoan đã, không có chuyện nhà sản xuất Trung Quốc nhái được tính năng cao cấp nhất của AirPods đâu - Ảnh 1.

Giật mình: "AirPods nhái với khả năng hỗ trợ chip Apple W1..."

Tính năng riêng và chung

Điểm thu hút lớn nhất của AirPods không phải là chất lượng âm thanh mà là những tính năng đem đến trải nghiệm tiện dụng, liền mạch chưa từng có trên bất kỳ một bộ tai nghe không dây nào khác. Ví dụ, nếu đang nghe AirPods trên iPhone và muốn chuyển sang iPad, bạn chỉ cần thiết bị phát là AirPods ngay trên iPad của mình thay vì phải gỡ kết nối khỏi iPhone rồi kết nối lại trên iPad như tai Bluetooth thông thường. Hoặc, khi đặt tai nghe vào trong tai thì nhạc sẽ tự động chơi, tháo khỏi tai thì tự động ngừng. Nếu không thấy tai nghe, bạn có thể dùng app Find My iPhone để tìm.

Khi bán AirPods, Apple cũng nhắc rất nhiều đến một con chip làm mới hoàn toàn mang tên W1. Lý do khiến các nhà sản xuất smartphone Android/tai nghe vẫn chưa thể tạo ra một trải nghiệm ngang tầm AirPods là bởi họ không có con chip như W1. Nếu khẳng định của blogger Nga kia là đúng sự thật, chắc chắn Apple sẽ phải lo lắng: giá trị lớn nhất của AirPods nằm ở những tính năng hay ho mà W1 mang tới, chứ không phải ở chất lượng âm thanh.

Khoan đã, không có chuyện nhà sản xuất Trung Quốc nhái được tính năng cao cấp nhất của AirPods đâu - Ảnh 2.

Bạn có biết W1 là niềm tự hào của Apple?

May mắn là sự thật lại không phải như vậy...

Vẫn là tai nghe Bluetooth

Không phải tính năng thông minh nào của AirPods cũng đòi hỏi W1. Về bản chất, AirPods là tai nghe Bluetooth có thêm một con chip thông minh. iPhone, iPad hay Mac cũng có Bluetooth. Giao thức Bluetooth cho phép tính toán khoảng cách giữa 2 thiết bị, và bởi vậy iPhone có thể phát hiện khi nào đang có AirPods ở gần.

Trong quá trình ghép đôi thực tế, điều bạn cần làm là mở case sạc AirPods và đưa đến gần iPhone. Lúc này, 2 thiết bị chưa được kết nối, bạn phải nhấn nút "Connect" trên iPhone thì quá trình ghép đôi mới được thực hiện thành công.

Khoan đã, không có chuyện nhà sản xuất Trung Quốc nhái được tính năng cao cấp nhất của AirPods đâu - Ảnh 3.

Quá trình "phát hiện" và kết nối chỉ sử dụng duy nhất đến Bluetooth, không cần W1.

Thực tế, Apple còn sử dụng khả năng tính toán khoảng cách giữa 2 con chip Bluetooth để thực hiện nhiều tác vụ khác. Ví dụ, bạn có thể đưa Apple Watch đến gần máy Mac để unlock máy mà không cần nhập mật khẩu hay passcode vào macOS – trong tình huống này, qua Bluetooth, macOS phát hiện được rằng có một chiếc Apple Watch ở gần, và chiếc Apple Watch đó thuộc về bạn. Hoặc, tính năng gửi file AirDrop sử dụng Bluetooth để phát hiện máy ở gần, và sau đó dùng Wi-Fi để gửi file.

Có thể làm giả

Một điểm đáng chú ý là Android đã có tính năng ghép đôi nhanh từ trước AirPods rất lâu, thông qua chip NFC. Để kết nối loa di động có hỗ trợ NFC với smartphone Android, người dùng chỉ cần "chạm" phần NFC trên điện thoại vào loa. iPhone cũng có NFC, song lý do chủ yếu để kết nối này có mặt trên iPhone là để hỗ trợ cho Apple Pay. Từ iOS 10 trở đi, NFC trên iPhone cũng có thể dùng để nối với loa/tai nghe như smartphone Android trước đó.

Song, AirPods không hề có chip NFC. Tất cả những gì Apple sử dụng chỉ là kết nối Bluetooth mà thôi. Bluetooth lại là tiêu chuẩn mở, nên bất cứ thứ gì Apple có thể làm với Bluetooth, các nhà sản xuất khác đều có thể mò ra. Trong tình huống của cặp AirPods nhái đến từ Thâm Quyến, có lẽ là nhà sản xuất đã suy đoán được toàn bộ phương thức mà iPhone dùng để "tìm kiếm" những chiếc AirPods đang ở gần. Tái hiện lại phương thức phát hiện này cũng không phải là bất khả thi, bởi một lần nữa, Apple chỉ dùng Bluetooth cho khâu kết nối mà thôi.

Khoan đã, không có chuyện nhà sản xuất Trung Quốc nhái được tính năng cao cấp nhất của AirPods đâu - Ảnh 4.

Nhà sản xuất LK-TE9 đã "mò" ra được phương thức phát hiện và kết nối AirPods, vốn là Bluetooth hoàn toàn.

Như thế, trước khi kết nối, iPhone đã xác định (sai lầm) rằng cặp tai nghe Trung Quốc lại là AirPods xịn. Sự nhầm lẫn này sẽ tiếp diễn cho đến sau khi người dùng đã thực sự kết nối, nhưng chỉ 1 khâu này thôi không có nghĩa ràng họ tái hiện được đầy đủ trải nghiệm AirPods xịn. Như trong video đã đề cập, cặp AirPods nhái sẽ luôn luôn hiện pin ở mức 31%. Nhà sản xuất Trung Quốc đã không tìm được phương thức truyền tải thời lượng pin chính xác từ tai nghe đến iPhone như AirPods "xịn".

Không có chuyện "nhái" được W1

Đoạn video của Nikolay Tanev cũng không hề điểm qua những tính năng khác trên LK-TE9. Tài liệu hướng dẫn sử dụng được đưa vào khung hình video cũng không hề đả động đến những tính năng này. Như vậy, có thể khẳng định rằng, khâu "phát hiện" qua Bluetooth là tất cả những gì nhà sản xuất LK-TE9 có thể tái hiện được. Như chính Tanev đã thừa nhận, Apple có thể chặn được cặp tai nghe nhái qua một bản cập nhật iOS trong tương lai.

Khoan đã, không có chuyện nhà sản xuất Trung Quốc nhái được tính năng cao cấp nhất của AirPods đâu - Ảnh 5.

Đoạn video mô tả sản phẩm "nhái" chẳng hề nói đến những tính năng tân tiến đòi hỏi W1.

Còn lại, chúng ta có thể chắc chắn với nhau rằng cặp tai nghe nhái này sẽ không có những tính năng đòi hỏi W1, ví dụ như chuyển nhanh từ iPad sang iPhone mà không cần gỡ/ghép đôi hoặc kết nối với bất kỳ thiết bị nào gắn với tài khoản iCloud của bạn sau khi kết nối lần đầu với 1 thiết bị duy nhất. Muốn thực hiện được các tính năng này, tai nghe "nhái" phải có chip copy y hệt W1, hoặc phải có W1 "hàng tuồn" bên trong.

Thiết kế và gia công chip là một trong những ngành công nghiệp đắt đỏ nhất thế giới. Liệu vài nhà sản xuất vô danh từ Trung Quốc có nên đối mặt với những cơn thịnh nộ vài tỷ đô để bán ra những cặp tai nghe nhái giá vài chục đô? Dĩ nhiên là không rồi.

Theo Liam

Cùng chuyên mục
XEM