Khoa học nói rằng uống nước nóng mới giúp giải nhiệt chứ không phải nước lạnh

11/08/2016 15:19 PM | Sống

Mặc dù theo nghiên cứu đồ uống ấm, nóng hiệu quả hơn trong quá trình giải nhiệt tuy nhiên điều này chỉ áp dụng với môi trường phù hợp để có hiệu quả tối ưu nhất.

Điều này nghe có vẻ điên rồ nhưng thực ra truyền thống uống các loại đồ uống nóng trong những ngày trời oi ả lại rất phổ biến trên thế giới – những nước tiêu thụ trà nóng nhiều nhất trên thế giới hầu hết đều nằm ở khu vực nhiệt đới hoặc sa mạc, và đây cũng là loại đồ uống phổ biến nhất ở Ấn Độ.

Và giờ đây, các bằng chứng ngày càng ủng hộ ý tưởng giải nhiệt này: Uống đồ uống nóng có thể thực sự giúp bạn giảm nhiệt độ cơ thể.

Vào năm 2012, tiến sĩ Ollie Jay, một giảng viên kỳ cựu về khoa học vận động và thể thao tại Đại học Sydney, đã công bố loạt bài nghiên cứu để xem việc uống đồ uống nóng có thực sự làm giảm lượng nhiệt đang lưu lại trong cơ thể so với uống đồ uống lạnh hay không.

Trong nghiên cứu đầu tiên, các tình nguyện viên được yêu cầu đạp xe ở tốc độ vừa phải trong 75 phút dưới cái nóng 24°C (75 °F), độ ẩm tương đối 23% và uống nước có nhiệt độ ở các mức 1.5˚C, 10˚C, 37˚C, hoặc 50˚C.

Nhiệt độ cơ thể của các tình nguyện viên có vẻ hơi tăng một chút khi uống nước 50˚C so với nước 1.5˚C và 10˚C, nhưng khi các nhà nghiên cứu xem xét hiệu ứng của nhiệt độ đồ uống đối với lượng nhiệt trong cơ thể (một chỉ số tốt hơn về nhiệt độ tổng thể của cơ thể), kết quả rất khác biệt: Sau khi uống nước có nhiệt độ cao, lượng nhiệt trong toàn cơ thể thực ra lại thấp hơn so với uống nước có nhiệt độ thấp.

Lý do cho kết quả này hóa ra lại liên quan đến việc đổ mồ hôi bị ảnh hưởng ra sao bởi nhiệt độ của đồ uống. Họ nhận thấy việc uống nước 50˚C khiến mồ hôi toát ra trên toàn cơ thể nhiều hơn (khoảng 570ml so với khoảng 465 ml với nước 1.5˚C). Việc đổ mồ hôi – và quan trọng hơn là sự bốc hơi của mồ hôi – là một trong những cách chủ yếu để điều hòa nhiệt độ cơ thể và duy trì cân bằng nhiệt ở người.

Do lượng nhiệt tăng lên sau khi uống đồ uống nóng, nên có một sự bù trừ về tổng lượng mồ hôi toát ra và nó còn lớn hơn cả lượng nhiệt được hấp thụ vào ban đầu. Mồ hôi càng toát ra nhiều thì lượng nhiệt càng giảm đi.

Trong một nghiên cứu khác cũng được thực hiện bởi chính các nhà khoa học này, những người tham gia được cho uống nước có nhiệt độ 37˚C hoặc nước đá khi đang vận động. Kết quả cũng cho thấy lượng nhiệt thất thoát sau khi uống nước đá là ít hơn so với uống nước 37˚C.

Điều này rất có ý nghĩa đối với những ai hay phải hoạt động trong trời nóng: Điều cốt yếu là, uống nước đá có thể làm tăng lượng nhiệt trong cơ thể và ảnh hưởng không tốt đến khả năng chống chịu của con người trong thời tiết nóng bức.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là nghiên cứu này được thực hiện dưới điều kiện cho phép mồ hôi bốc hơi hoàn toàn nhờ duy trì một dòng khí luân chuyển liên tục và độ ẩm không khí thấp. Kết quả chắc chắn sẽ khác đi nếu việc bốc hơi mồ hôi bị hạn chế, như trong thời tiết ẩm chẳng hạn.

Trên thực tế, uống đồ uống lạnh có thể sẽ có lợi hơn trong những trường hợp như vậy vì chúng giảm thiểu sự toát mồ hôi vô ích nhờ làm cho mồ hôi đọng thành giọt và rơi xuống, nhờ thế giúp ích cho quá trình bổ sung nước của cơ thể.

Vì thế tùy thuộc vào điều kiện môi trường của bạn, lựa chọn một tách trà nóng để giải nhiệt cũng không phải là một ý tồi.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM