Khoa học chứng minh: Nói bậy có thể giúp tăng sức mạnh tức thì

10/05/2017 07:45 AM | Sống

Khoa học cho rằng, trong lần tới nếu cần tăng sức mạnh cơ bắp tức thì để làm thứ gì đó, chỉ cần nói thêm !@#$%& trước khi làm là đủ.

Lần tới gặp khó khăn, có lẽ sử dụng những từ ngữ bậy một chút cũng không sao, nhưng hãy chắc chắn là bạn làm việc đó khi ở một mình. Vì sao ư? Khoa học mới đây đã chứng minh rằng nói bậy giúp cho con người tăng cường sức mạnh trong một khoảng thời gian ngắn.

Vài thử nghiệm, thống kê trước đây cho thấy việc gào thét hay nói bậy khi bị đau đôi khi lại làm giảm cơn đau đôi chút. Các nhà khoa học tin rằng nó có liên quan tới hệ thần kinh của con người cùng bản năng "chiến đấu hoặc chạy trốn" khi đối mặt với hiểm nguy. Tuỳ thuộc vào cách thức bạn chọn đối mặt với hiểm nguy, não bộ cùng tim sẽ phản hồi theo những cách thức khác nhau và đôi lúc mang lại lợi ích cho cơ thể.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Keele và Đại học Long Island cho rằng nói bậy còn giúp tăng cường sức mạnh trong khoảng thời gian ngắn. Để làm rõ hơn luận điểm này, họ đã yêu cầu 81 người tham gia vào một bài thử nghiệm để kiểm tra sức mạnh bản thân.

Một số phải đạp xe nhanh hết mức có thể trong 30 giây trong khi số còn lại phải tập với một thiết bị tập tay và bóp nó mạnh hết mức có thể.

Sau đó họ thống kê kết quả của những người tham gia theo 2 điều kiện: một là khi họ vừa làm những hành động trên vừa chửi thể (cứ 3 giây lại chửi một câu) và điều kiện còn lại là không nói bậy, không nói gì hoặc nói những từ đẹp đẽ, có tính trung lập.

Đúng như dự đoán, những người tham gia nói bậy có kết quả cao hơn hẳn khi họ không nói bậy hoặc sử dụng những từ ngữ đẹp đẽ. Điểm đặc biệt hơn các nhà nghiên cứu tìm thấy là nhịp tim, huyết áp của họ không hề thay đổi cho dù họ có nói bậy hay không. Phát hiện này đi ngược lại với thử nghiệm "bị đau" phía trên.

Đại diện nhóm nghiên cứu tại Đại học Long Island, ông David Spierer cho rằng có lẽ việc nói bậy không ảnh hưởng nhiều tới thần kinh hay nhịp tim như những nghiên cứu trước đó. Thay vào đó, nhà nghiên cứu này cho rằng nó tách chúng ta khỏi bản năng và bằng cách nào đó khiến chúng ta nỗ lực hơn, sử dụng nhiều năng lượng hơn cho hành động lúc đó.

Spierer cho rằng nó sẽ là thứ có ích mỗi khi con người cần tăng cường sức mạnh cơ bắp hoặc dồn sức làm một thứ gì đó cực nhanh.

"Nếu bạn có ý định mở một hộp đồ ăn rất chặt, tôi không nói rằng chỉ với nói bậy bạn có thể mở được nó luôn. Thế nhưng tôi cho rằng việc nói bậy sẽ giúp bạn quên bớt đi phần nào khó khăn, những thứ mình đang làm từ đó có nhiều năng lượng, sức mạnh hơn để làm nó.

Nó giống như việc một vận động viên tham gia thi đấu và anh ta gặp vấn đề, nếu bằng cách nào đó anh ta quên hoặc chú ý ít hơn tới vấn đề, kết quả của anh này sẽ cao hơn rõ rệt.", Spierer phát biểu.

Về lý do vì sao những từ ngữ bình thường kể cả nó có tính cổ động như "cố lên", "thắng đi"... không có tác dụng bằng, Spierer cho rằng mỗi người có cách phản ứng khác nhau với việc nói bậy. Trong thí nghiệm, Spierer chỉ ra có những người nói... còn bậy hơn cả nói bậy.

Điểm chung của chúng đều là những từ ngắn, lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian ngắn và được nói với âm lượng trung bình, không quá to như tiếng hét nhưng cũng không bé như tiếng thì thầm. Spierer nói thêm, "Nó không giống với việc lăng mạ người khác khi ta phải nói to, chỉ cần nói với âm lượng vừa đủ thôi là được".

Nghiên cứu trên vẫn chưa được công bố trên bất kì tạp chí khoa học nào thế nhưng đã được thử nghiệm tại Hội nghị khoa học cộng đồng Anh tại Brighton, Anh tuần vừa rồi.

PV

Cùng chuyên mục
XEM