Khoa học chứng minh: Cứ dọa "khóa mồm" người khác trên Facebook, ngoài đời thật sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề!

23/02/2017 15:14 PM | Khoa học

Nếu một kẻ bắt nạt trên mạng không được ngăn chặn và điều trị thì khi đó khả năng để họ dừng lại và trở thành một người khác và lành mạnh hơn là rất mong manh và hành vi bắt nạt của họ sẽ tiếp tục đến khi "buông tay nhắm mắt".

Bắt nạt trên mạng đang trở nên ngày càng phổ biến và những hậu quả của nó không còn xa vời nữa. Hành vi bao gồm: dọa đấm, dọa đánh, và thậm chí là... cắt gân.

Không đâu xa, ngay trên mạng xã hội Facebook, bạn có thể cảm nhận nó hằng ngày, đã từng là nạn nhân hay thậm chí đã từng (có thể vô tình) hành xử bắt nạt trên mạng.

Vậy những kẻ bắt nạt trên mạng có hình hài thế nào?

Trên thực tế, nhóm người này đến từ mọi nhóm kinh tế - xã hội, mọi độ tuổi, mọi giới, mọi chủng tộc và mọi nền văn hoá.

"Những kẻ bắt nạt thường là những người từng bị bắt nạt hoặc bạo hành. Đôi lúc, họ trải qua những hoàn cảnh mà họ không thể đương đầu, khiến họ cảm thấy bất lực và mất kiểm soát", Amy Cuddy - chuyên gia tâm lý đến từ Đại học Harvard cho hay.

Nhiều khi, một kẻ bắt nạt trên mạng cảm thấy họ không thể tìm bất kỳ phương tiện nào khác để hoà nhập, hoặc tạo được chỗ thích hợp của riêng họ trong đời thực, vì vậy họ trở nên "mạnh mẽ" theo cách riêng nhằm đạt được sự tôn trọng.

Họ cho rằng, dọa đấm, dọa đánh những người xung quanh là cách để đạt được mong muốn. Tuy nhiên, họ không nhận ra rằng mọi người là "bạn bè" với họ để không trở thành đối tượng bị họ bắt nạt. Tất cả đều do sợ hãi.

Một khả năng khác cho thái độ bắt nạt đó là bản thân những kẻ bắt nạt trên mạng cảm thấy họ không có sự kiểm soát trong cuộc sống của họ. Có thể cuộc sống gia đình của họ bị mất kiểm soát và họ không được lắng nghe hoặc đánh giá cao bởi gia đình của họ.

Do đó, để bù đắp cho sự không được coi trọng ở gia đình, kẻ bắt nạt tìm kiếm giá trị trên mạng. Dù đó là những lời giải thích hợp lệ, thì đôi lúc, lời giải thích duy nhất đó là kẻ bắt nạt là một người xấu xa và độc ác, chỉ cảm thấy vui khi họ có thể làm hại những người khác.

Những kiểu người này hiếm khi cảm thấy ăn năn và chấm dứt việc bắt nạt, nhất là trên mạng Internet - nơi họ luôn có thể ẩn danh.

Trong đó, điểm chung của những kẻ bắt nạt người khác trên mạng đó là luôn muốn được thống trị và đổ lỗi cho người khác về những điều tồi tệ xảy ra trong cuộc sống của mình.

Dọa đánh, dọa đấm người khác trên mạng sẽ phải chịu hậu quả ngoài đời thực!

Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng thực sự có những ảnh hưởng tiêu cực từ chuyện bắt nạt trên mạng lên bản thân những kẻ bắt nạt ngoài đời thực.

"Những kẻ bắt nạt có thể chịu đựng những ảnh hưởng về lâu dài của việc bắt nạt nếu hành vi của họ không được nêu ra. Nghiên cứu xác minh rằng những kẻ bắt nạt có khả năng bị kết tội gấp hai lần so với bạn bè đồng trang lứa của họ và có khả năng trở thành những người phạm nhiều tội gấp bốn lần", chuyên gia Amy Cuddy cho biết.

Một kẻ bắt nạt có thể ghét chính cái cách họ đối xử với các nạn nhân, nhưng lại cảm thấy chính đáng khi làm thế, vì họ cũng từng bị những người khác bạo hành, bắt nạt.

Cảm giác này có xu hướng lấn át cảm giác thấu cảm, tạo ra một sự rối loạn đối với kẻ bat nạt. Cảm giác xung đột, mâu thuẫn về hành vi của họ cũng là một nguồn gây ra stress khiến họ muốn bắt nạt người khác nhiều hơn.

Nếu một kẻ bắt nạt trên mạng không được ngăn chặn và điều trị thì khi đó khả năng để họ dừng lại và trở thành một người khác và lành mạnh hơn là rất mong manh và hành vi bắt nạt của họ sẽ tiếp tục đến khi "buông tay nhắm mắt".

Mạnh Duy

Cùng chuyên mục
XEM