Khó tìm được nơi nào "nuông chiều" người hút thuốc lá như Nhật Bản

25/03/2018 21:00 PM | Sống

Tất nhiên, sự "nuông chiều" ấy cũng vấp phải vô vàn ý kiến phản đối từ dư luận thế giới.

Người ta biết đến Nhật Bản với núi Phú Sỹ, rượu Sake, hay những công dân chăm chỉ, đoàn kết tại một quốc gia có nền khoa học kỹ thuật phát triển bậc nhất toàn cầu.

Tuy nhiên,ít ai ngờ rằng Nhật Bản còn là quốc gia có lượng người hút thuốc trong top đầu thế giới. Thậm chí, thuốc lá còn được một bộ phận người dân nơi đây tôn sùng, bất chấp tác hại rõ rệt của nó đối với sức khỏe.

"Thiên đường" cho những người mê khói

Tại Nhật, chỉ những người dưới 20 tuổi bị cấm, còn các đối tượng khác được thoải mái hút thuốc. Gần như mọi nơi công cộng đều được trang bị khu vực dành riêng cho người hút thuốc. Và thậm chí, có cả một lễ hội được tổ chức để tìm ra "hoa hậu thuốc lá" tại Hadano-shi tỉnh Kanagawa hàng năm.

Khó tìm được nơi nào nuông chiều người hút thuốc lá như Nhật Bản - Ảnh 1.

Trong thực tế, thuốc lá có thể được mua rất dễ dàng với giá thành khá rẻ, có một nguồn cung cấp phong phú của máy bán hàng tự động, ước tính có hơn 60.000 máy bán hàng thuốc lá tự động trên các đường phố Nhật Bản. Ngoài ra, còn có hẳn một bảo tàng mang tên Thuốc lá và Muối (Tobacco & Salt) gần nhà ga Shibuya tại Tokyo, trưng bày nhiều loại thuốc lá qua nhiều thời kỳ.

Phòng hút thuốc, điểm hút thuốc xuất hiện ở bất kỳ trên một con đường, nhà hàng, khách sạn nào. Tất nhiên, ngoại trừ những nơi đó ra thì mặc nhiên những nơi khác là không được hút. Tuy vậy, được tạo mọi điều kiện để thỏa mãn niềm yêu thích của mình như thế, thì chẳng cớ gì mọi người lại không tự giác chấp hành.

Khó tìm được nơi nào nuông chiều người hút thuốc lá như Nhật Bản - Ảnh 2.

Thực sự chúng ta chỉ thấy biển cấm thuốc lá, chứ không có biển "cho hút thuốc" như thế này bao giờ

Thêm vào đó, việc hút thuốc không đúng nơi quy định cũng sẽ bị phạt rất nặng. Hình phạt đủ sức răn đe và ngay cả người hút dù rất muốn thỏa mãn cơn "nghiện" nhưng vẫn phải học cách kiềm chế vì không muốn động đến luật pháp.

Họ có thể là những người "nghiện" thuốc nặng nhưng họ không bao giờ để rơi tàn thuốc xuống nền. Không có gạt tàn nhưng trong túi họ lúc nào cũng có những mảnh giấy và túi nilon để đựng.

Quốc gia dẫn đầu trong phát triển khoa học công nghệ ở thế kỉ 21, nhưng nói đến những quy định hút thuốc thì Nhật Bản vẫn đang "lạc trôi" ở thế kỉ 20

Vấn đề đặt ra là khi cả thế giới đang hòa mình vào cuộc cách mạng "không khói", giảm thiểu tối đa số người hút thuốc vì những ảnh hưởng tiêu cực của thuốc lá tới cộng đồng, thì ở Nhật người hút thuốc vẫn được "nuông chiều" đến vậy?

Thực tế, Chính Phủ Nhật Bản tại Tokyo đang "vật vã" với nạn hút thuốc nơi công cộng trước thềm Olympic 2020 mà quốc gia này đăng cai tổ chức. Theo tờ Reuters, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và các tổ chức nước ngoài đang gây sức ép, buộc thủ đô Nhật ra lệnh cấm hút thuốc lá tại tất cả các địa điểm công cộng trước thềm đại hội, nhằm tạo ra một môi trường thể thao lành mạnh.

Tuy nhiên dự luật đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các chính trị gia, chủ các nhà hàng và đặc biệt là từ tập đoàn thuốc lá Japan Tobacco. Năm 2015, Japan Tobacco đóng góp 700 triệu USD tiền thuế vào ngân sách nhà nước, và Chính phủ Nhật nắm 30% cổ phần công ty này.

Nhiều nhà hoạt động cộng đồng trên thế giới vẫn bày tỏ thái độ không hài lòng với cách điều luật có vẻ còn quá hời hợt với việc hút thuốc tại Nhật Bản, cho rằng quốc gia này đang "dung túng" cho một vấn nạn toàn cầu cần loại bỏ.

Thật khó có thể phủ nhận sự thật này khi mà trong tòa nhà Bộ Y tế Nhật vẫn có máy bán thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Nhật xếp hạng chót trên toàn cầu xét về độ nghiêm khắc của luật chống thuốc lá.

Khó tìm được nơi nào nuông chiều người hút thuốc lá như Nhật Bản - Ảnh 3.

Ở những nơi công cộng có hẳn buồng riêng cho người hút thuốc

Trước sự phản đối dữ dội, Bộ Y tế Nhật đã thu hẹp đề xuất, cho phép hút thuốc tại các địa điểm rộng ít nhất 30m2, có hệ thống thông hơi đầy đủ.

Nhưng vẫn chưa xong, vì những người phản đối vẫn cho rằng dự luật sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà hàng, xâm phạm tự do cá nhân và là cú "đòn giáng" vào doanh thu tỉ đô từ thuốc lá.

Chủ tịch Ủy ban y tế LDP bà Naomi Tokashiki thừa nhận cần phải có luật để bảo vệ những người hút thuốc thụ động, nhưng vẫn cho rằng cần giữ gìn bản sắc văn hóa tôn trọng người khác của người dân Nhật. "Người Nhật luôn chu đáo và quan tâm đến mọi người. Hãy đặt niềm tin rằng người hút thuốc sẽ chú ý, không để ảnh hưởng tới người khác, thay vì ra một luật hà khắc như vậy" - bà Tokashini chia sẻ.

Suy cho cùng, việc loại bỏ thuốc lá trong một sớm một chiều là điều vô cùng khó khăn và liên đới tới nhiều lĩnh vực, bộ phận trong cả một quốc gia, vậy đâu sẽ là cách giải quyết phù hợp cho những quốc gia "nghiện thuốc" như Nhật Bản?

Tham khảo: NPR, ABC

Hải Yến

Cùng chuyên mục
XEM