Khó thở như ở Trung Quốc: 1 mét vuông đất có cả tá camera, tương lai lắp 2,3 tỷ camera, cứ 2 chiếc giám sát 1 người nơi công cộng không còn xa!

20/08/2019 14:31 PM | Xã hội

Trong 10 thành phố có camera giám sát nhiều nhất thế giới, có tới 8 thành phố là của Trung Quốc. 2 thành phố còn lại là London và Atlanta.

Theo một trang web của Anh, các thành phố Trung Quốc được đánh giá là được giám sát nhiều và chặt chẽ nhất trên thế giới. Nếu các camera được lắp đặt theo tỷ lệ theo đúng kế hoạch, chỉ sang năm thôi, cứ mỗi 2 người tại đất nước tỷ dân sẽ bị giám sát bởi 1 chiếc camera ở nơi công cộng.

Trong bảng xếp hạng dựa vào số lượng camera quan sát trên 1.000 người, Trung Quốc có 8 trong số 10 thành phố bị giám sát nhiều nhất thế giới. 2 thành phố duy nhất không phải của Trung Quốc lọt vào top 10 là London ở vị trí thứ 6 và Atlanta ở vị trí thứ 10.

Báo cáo của Comparitech cung cấp thông tin cho nghiên cứu và so sánh các dịch vụ công nghệ đã đưa Trùng Khánh lên vị trí số 1 với gần 2,6 triệu camera, tương đương 168 chiếc camera giám sát 1.000 dân. Trong khi đó, Thâm Quyến giữ vị trí thứ 2 với 159 camera/1.000 người. Urumqi, thủ phủ của khu tự trị Tân Cương ở phía tây bắc Trung Quốc xếp thứ 14 với 12,4 camera/1.000 dân.

Các thành phố châu Á khác có tên trong danh sách này là Singapore ở vị trí thứ 11 với 15,25 camera và New Delhi của Ấn Độ ở vị trí 20 với 9,6 camera.

Khó thở như ở Trung Quốc: 1 mét vuông đất có cả tá camera, tương lai lắp 2,3 tỷ camera, cứ 2 chiếc giám sát 1 người nơi công cộng không còn xa! - Ảnh 1.

Một chiếc camera ở Trùng Khánh.

Theo nhiều báo cáo, hiện Trung Quốc có khoảng 200 triệu camera quan sát đang hoạt động, con số được dự đoán sẽ tăng 213% vào năm 2022, lên tới 626 triệu camera. Tuy nhiên, báo cáo của Comparitech còn dự đoán tỷ lệ này có thể cao hơn nữa do nhu cầu ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Comparitech cho biết: "Thành phố Thâm Quyến có kế hoạch lắp đặt 16,6 triệu camera trong những năm tới, tăng đột biến so với 1,9 triệu camera như ở thời điểm hiện tại. Nếu toàn bộ Trung Quốc tăng số lượng camera quan sát lên 2,3 tỷ theo tỷ lệ của Thâm Quyến, điều đó đồng nghĩa với việc mỗi người dân nước này sẽ bị giám sát bởi gần 2 camera".

Khó thở như ở Trung Quốc: 1 mét vuông đất có cả tá camera, tương lai lắp 2,3 tỷ camera, cứ 2 chiếc giám sát 1 người nơi công cộng không còn xa! - Ảnh 2.

Tài xế lái xe tuân thủ luật lệ hơn khi có camera lắp đặt ở các cột đèn giao thông.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng số lượng camera tỷ lệ nghịch với cảm giác an toàn của người dân, dựa trên so sánh với số liệu về tội phạm đối chiếu bởi Numbeo, một cơ sở dữ liệu do người dùng đóng góp từ các thành phố trên thế giới.

Sarah Wang đến từ Trùng Khánh cho biết cô có cảm xúc lẫn lộn khi thấy tên thành phố của mình trong danh sách. Dù vậy, theo cô, camera quan sát cũng đem lại những lợi ích nhất định. Cô chia sẻ: "Việc có quá nhiều camera khiến tôi cảm thấy mình bị giám sát. Tuy nhiên, nhìn vào mặt tích cực, có thể tôi sẽ tìm được kẻ trộm điện thoại của mình ở nơi công cộng".

Yang Guo, một cư dân ở Thâm Quyến cho biết những lợi ích có thể dễ dàng nhìn thấy của camera quan sát tại thành phố của anh là trong giao thông đường bộ. Người lái xe có nguy cơ bị phạt nếu camera ghi lại bất cứ hành vi vi phạm nào của họ, chính vì vậy, người đi bộ sẽ cảm thấy an toàn hơn khi tham gia giao thông. Yang nói rằng anh thấy "ổn" với camera giám sát, miễn là chúng chỉ có mặt ở những nơi công cộng.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã bị chỉ trích vì hệ thống giám sát hàng loạt cùng việc áp dụng quá mức công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác định người đổ rác sai quy định hay đối tượng tình nghi trong đám đông.

Những người phản đối nói rằng hệ thống này làm tăng lượng dữ liệu được thu thập và chia sẻ về người dân và các công ty. Ngoài ra, họ lo ngại về vai trò của nó trong việc phát triển hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc nhằm điều chỉnh hành vi của các cá nhân và tổ chức thông qua hệ thống tính điểm và danh sách đen.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM