Khó ngăn chặn tội phạm liên quan đến tín dụng đen

04/09/2018 15:10 PM | Xã hội

Tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen với lãi suất rất cao làm khánh kiệt kinh tế của người vay nhưng việc đấu tranh, ngăn chặn vẫn còn rất khó khăn...

Dù báo cáo của các cơ quan tư pháp được Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét là "kín như bưng", song các nhóm nghiên cứu vẫn chỉ ra không ít vấn đề cần quan tâm.

Sáng 4/9, trong phiên họp toàn thể, sau khi nghe các  báo cáo về tình hình tội phạm, báo cáo của Toà án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Uỷ ban Tư pháp nghe ý kiến của các nhóm nghiên cứu về các nội dung trên trước khi thảo luận

Thất thoát lớn từ đất đai, tài sản công

Về công tác phòng chống tội phạm nói chung, trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh, đã có một số tội phạm xảy ra ngay trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm, có sự tiếp tay hoặc tham gia của một số sĩ quan cấp cao trong lực lượng công an.

Một số cá nhân, doanh nghiệp đã móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại một số địa phương để tạo nhóm lợi ích hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ để tạo các tổ chức bình phong nhằm tạo ảnh hưởng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước, ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý nhà nước tại địa phương, sự lành mạnh trong môi trường kinh doanh.

Đáng chú ý, có một số vụ việc liên quan đến một số sĩ quan công an, quân đội đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới bị phát hiện, xử lý, nhóm nghiên cứu lưu ý.

Vấn đề khác cũng được nhóm nghiên cứu nhấn mạnh là tình trạng mua bán, chuyển nhượng tài sản công, nhất là đất đai với giá rẻ cho tư nhân không thông qua bán đấu giá, không đúng thẩm quyền xảy ra tại một số địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố lớn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát lớn cho tài sản, đất đai của nhà nước.

Rồi, tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018, một số đối tượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để làm sai lệch kết quả thi tại tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình gây bất bình trong xã hội, làm mất lòng tin của người dân, nhất là giới trẻ vào sự công bằng, nghiêm minh, khách quan...

Nhận định tiếp theo là hiện tượng đánh bạc và tổ chức đánh bạc diễn ra rất công khai trên mạng viễn thông, Internet, lôi kéo nhiều người tham gia, lợi dụng mạng viễn thông, internet, mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các thủ đoạn như giả mạo người có thẩm quyền của cơ quan chức năng, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền; lừa đảo bằng cách thông báo trúng thưởng qua mạng xã hội; kinh doanh đa cấp... vẫn diễn ra tràn lan nhưng chưa được ngăn chặn.

Tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen với lãi suất rất cao dễn đến tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật diễn ra rất phức tạp ở nhiều địa phương. Đáng lưu ý, hiện tượng này đang có xu hướng mở rộng tới vùng nông thôn, vùng đồng  bào dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp... làm mất trật tự an ninh ở địa phương, làm khánh kiệt kinh tế của người vay nhưng việc đấu tranh, ngăn chặn vẫn còn rất khó khăn.

Về nguyên nhân, Ủy ban Tư pháp lưu ý, công tác quản lý cán bộ trong lực lượng chức năng nói chung và lực lượng phòng, chống tội phạm nói riêng vẫn còn sơ hở. Tổ chức bộ máy có nhiều điểm chưa hợp lý, dẫn đến một số cán bộ, sĩ quan lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Xem xét báo cáo của Viện trưởng Viện  Kiểm sát nhân dân Tối cao, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng toà án nhân dân trả hồ sơ cho viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung chiếm tới 21,5% (178/826 vụ) trong khi tỷ lệ trả hồ sơ nói chung với các loại tội phạm chỉ là 2,54%.

Nhóm nghiên cứu đề nghị Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đánh giá kỹ các nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn tới tỷ lệ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung loại tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng lớn như vừa qua và giải pháp khắc phục hạn chế này.

Chậm bồi thường làm giảm niềm tin của nhân dân

Theo báo cáo của Toà án Nhân dân Tối cao, từ 1/10/2017 đến 31/7/2018 các toà án đã giải quyết được 354.145 vụ việc trong tổng số 475.610 vụ việc đã thụ lý.

Nhìn chung, việc xét xử các loại vụ án hình sự bảo đảm đúng người đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp chỉ rõ, Toà án nhân dân tối cao chưa báo cáo cụ thể và đầy đủ về kết quả giải quyết các trường hợp có đơn kêu oan kéo dài trong nhiệm kỳ Quốc hội 13 và đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14. Mặc dù vấn đề này đã được Uỷ ban Tư pháp nêu trong báo cáo thẩm tra năm 2017.

Liên quan đến trách nhiệm bồi thường của nhà nước, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng trong năm 2018, Viện Kiểm sát nhân dân chỉ giải quyết được 3 trường hợp trên tổng số 19 trường hợp đã thụ lý, đạt tỷ lệ 15,8% (giảm 8 vụ, 36,6% so với cùng kỳ năm 2017).

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, trong 16 trường hợp chưa được xử lý thì có 07 vụ đã kéo dài qua nhiều năm, thậm chí hàng chục năm. Cụ thể , 1 vụ thụ lý từ năm 2005, 1 vụ thụ lý từ năm 2015 và 5 vụ thụ lý từ năm 2016. Việc giải quyết chậm trễ, kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị oan và giảm niềm tin của người dân vào tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật.

Nhóm nghiên cứu đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao báo cáo cụ thể về 7 trường hợp chậm bồi thường nêu trên và có biện pháp giải quyết dứt điểm trong năm 2019.

Theo Nguyên Vũ

Cùng chuyên mục
XEM