Kho báu du lịch Hội An của Quảng Nam từng là thương cảng sầm uất bậc nhất châu Á như thế nào?

29/03/2017 20:44 PM | Xã hội

Nằm ở bên bờ sông Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam, Hội An là một mảnh đất có bề dày lịch sử cách mạng và văn hóa, và từng là nơi “đất lành chim đậu” trên thương trường quốc tế với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo Hoài Phố, Hội An…

Với những đặc điểm địa lý thuận lợi, từ đầu Công nguyên, Hội An đã tồn tồn tại và phát triển nền văn hóa Sa Huỳnh. Các nhà khảo cổ học phát hiện ra sự xuất hiện của hai loại đồng tiền cổ của Trung Quốc thời Hán là Ngũ thù và Vương Mãng. Điều này chứng minh rằng ngay từ hơn 2000 năm trước, Hội An đã có tiềm năng phát triển ngoại thương.

Vào thế kỷ 9 và 10, dưới thời vương quốc Chăm Pa, Hội An có tên gọi Lâm ấp Phố. Vùng đất này trở thành một thương cảng phát triển, với các thương gia từ Ả Rập, Ba Tư, Trung Quốc nườm nượp kéo đến để buôn bán và trao đổi vật phẩm.

Có một khoảng thời gian dài, cảng của người Chiêm – Lâm ấp Phố là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự hưng thịnh của kinh thành Trà Kiệu và thánh địa Mỹ Sơn.

Đặc điểm sông nước thuận lợi cũng với nhiều yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã giúp cho thương cảng Hội An hồi sinh và phát triển hưng thịnh từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Do sự hấp dẫn của cảng thị này và sự hình thành từ trước của “con đường tơ lụa” và “con đường gốm sứ” trên biển, thương nhân các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Xiêm (Thái Lan), Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… tấp nập tới Hội An để thực hiện giao thương.

[A Tùng] Kho báu du lịch Hội An của Quảng Nam từng là thương cảng sầm uất bậc nhất châu Á như thế nào? - Ảnh 1.

Theo các tài liệu lịch sử, số lượng thuyền vào thương cảng đông đến nỗi buồm của chúng được ví “như rừng tên xúm xít” (trích trong Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán), còn hàng hóa thì “không thứ gì không có” và số lượng thì “cả trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được” (trích từ Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn).

Trong thời kỳ này, Hội An là đô thị và thương cảng quốc tế phồn vinh bậc nhất cả nước và khu vực Đông Nam Á, là cơ sở kinh tế quan trọng cho các vua chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Các khu nhà ở của kiều dân, đặc biệt là khu định cư của người Nhật tách khỏi phần còn lại của thương cảng bằng 1 cây cầu – đã xuất hiện khi các thương nhân bỏ lại những người đại diện ở lại để chờ hướng gió thuận lợi rồi mới quay về.

[A Tùng] Kho báu du lịch Hội An của Quảng Nam từng là thương cảng sầm uất bậc nhất châu Á như thế nào? - Ảnh 2.

Từ cuối thế kỷ 19, do nhiều yếu tố bất lợi khác nhau như chính sách bế quan tỏa cảng của vua Nguyễn, sự xuất hiện của Đà Nẵng và đầu tư của Pháp vào thương cảng này đã khiến cho Hội Ân suy thoái dần và đánh mất đi vị thế của mình. Tuy nhiên, trong cái rủi cũng có cái may, chính nhờ thoát khỏi trung tâm của sự chú ý, Hội An đã tránh được quá trình “đô thị hóa” và bảo tồn được một quần thể kiến trúc đô thị cổ hết sức độc đáo, tuyệt vời cho đến ngày nay.

[A Tùng] Kho báu du lịch Hội An của Quảng Nam từng là thương cảng sầm uất bậc nhất châu Á như thế nào? - Ảnh 3.

Ngày 4 tháng 12 năm 1999, UNESCO công nhận Hội An là một trong các di sản Văn hóa thế giới. Dù không còn là một thương cảng lớn như thời kỳ hưng thịnh, Hội An đã trở thành trung tâm du lịch của không chỉ các tỉnh miền Trung mà của cả nước. Theo trang web du lịch nổi tiếng thế giới TripAdvisor, Hội An của Việt Nam đứng thứ 13 trong số 25 địa điểm du lịch tốt nhất thế giới năm 2017.

K.Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM