Khi tự kỉ luật khiến cho cuộc sống của bạn tồi tệ hơn: Ám ảnh deadline công việc, burn out, sách self-help và ước mơ trở thành người thành công

10/01/2019 08:15 AM | Sống

Trong một số trường hợp, việc đi sâu để cải thiện bản thân có thể sẽ gây phản tác dụng hoặc thậm chí gây hại cho chính bản thân bạn.

Câu chuyện bắt đầu với lí do đến từ Internet. Mỗi lần online, có vẻ Bénédicte Kinkolo lại được truyền cảm hứng từ vô vàn những người lạ với câu chuyện thành công của họ: người này start-up thành công, người kia giành giải thưởng cao quý, rồi có người mỗi tháng kiếm được hàng triệu đô la... 

Kinkolo, khi đó là sinh viên năm thứ hai tại Đại học King ở London, thực sự bị những câu chuyện thành công, những con người thành công trên mạng xã hội tác động rất mạnh. Cô khao khát được trở thành người thành công và nổi tiếng như họ. Đôi khi, cô bị hai chữ "thành công" cuốn hút đến mất trí. Cô ao ước một ngày mình sẽ được mọi người nhắc tên trên mạng xã hội vì sự ảnh hưởng của cô, mặc dù cô không biết chắc mình nên làm gì để thành công. 

Vì thế, để bắt đầu chuỗi ngày trở thành người thành công, Kinkolo đã mua rất nhiều sách để đọc vì có thể sách sẽ chỉ cho cô biết mình nên làm gì. Phần lớn những triệu phú đô la đều khuyên người trẻ bây giờ cần phải đọc thật nhiều sách thì mới mong có ngày thành danh. 

Kinkolo không nằm ngoài lời khuyên ấy, cô cũng lao vào đọc những cuốn sách self-help, bắt đầu thức dậy sớm để tập yoga và thiền định, lên kế hoạch rõ ràng cho bản thân mình. Để tối đa hóa thời gian của mình càng nhiều càng tốt, cô lập một danh sách việc cần làm hàng ngày và tuân theo nó một cách cứng nhắc; thậm chí, cô còn tải thêm các ứng dụng để nhắc nhở mình khi thời gian thực hiện việc cần làm sắp kết thúc.

Một ngày trước khi bước vào tuần thi cuối kì, khi Kinkolo tất tưởi chạy đến thư viện trường đại học, mải mê tìm các loại sách theo danh sách đã viết và đánh dấu những thứ quan trọng trong ứng dụng, cô đã lỡ một bước và ngã xuống cầu thang. Kết quả, cô bị gãy xương mắt cá chân. 

Khi tự kỉ luật khiến cho cuộc sống của bạn tồi tệ hơn: Ám ảnh deadline công việc, burn out, sách self-help và ước mơ trở thành người thành công - Ảnh 1.

Những tưởng khó khăn này sẽ ngăn cản Kinkolo chạm tới con đường thành công. Nhưng không, vì sức mạnh và cảm hứng được những người nổi tiếng truyền đến cô quá mạnh, Kinkolo vẫn cố gắng làm việc bình thường như to-do list đã đề ra. Trong cô vẫn giữ tâm niệm, khó khăn thế nào thì cũng không được lùi bước, "việc hôm nay chớ để ngày mai". 

Cô không ngại chân băng bó, cô chỉ đợi bác sĩ ra khỏi phòng và lấy máy tính xách tay từ túi da ra, tiếp tục làm việc. Ứng dụng trên điện thoại của cô gái trẻ vẫn không ngừng nhắc cô cần hoàn thành xong công việc trước 23h...

Mùa hè này, sau khi tốt nghiệp đại học và cật lực "cày" xong hai tấm bằng với năng suất điên cuồng, Kinkolo, hiện 23 tuổi, cuối cùng lại rơi vào tình trạng burn out, hay còn gọi là hội chứng cháy sạch. Nói cách khác, burn out chính là stress cấp độ cao, khủng hoảng tinh thần. Những người có biểu hiện này thường bị kiệt sức, năng suất lao động giảm sút, với nhiều triệu chứng như mất ngủ, chóng mặt, ù tai, lo sợ mà không rõ nguyên nhân.

Vì thế, Kinkolo đã quyết định nghỉ ngơi, trở về quê nhà ở Paris sống với bố mẹ trước khi cô ấy tìm ra những gì mình muốn làm tiếp theo. Kinkolo không ngờ rằng mình lại sống những ngày không quy củ, không có danh sách lập kế hoạch sẵn, không có ứng dụng nhắc nhở deadline mà tuyệt vời đến vậy. Cô có thể gần gũi thiên nhiên, sống bừa bộn một chút, nói chuyện với rất nhiều người mà không sợ thời gian trôi vô ích. Một cố gắng nữa, trong thời gian nghỉ tại nhà, Kinkolo đã tìm đến một nhà trị liệu để cố gắng thay đổi quan điểm của mình về thành công và cách theo đuổi mục tiêu. 

Khi tự kỉ luật khiến cho cuộc sống của bạn tồi tệ hơn: Ám ảnh deadline công việc, burn out, sách self-help và ước mơ trở thành người thành công - Ảnh 2.

Jeremy Montemarano, một nhà trị liệu tâm lý ở Spring, Texas cho biết: "Sự cám dỗ từ những bài báo kể chuyện người thành công thường xuất phát từ các phương tiện truyền thông kết hợp với các bài báo được chỉnh sửa cẩn thận. Khi bạn được sống trong một vùng tiện nghi, tiếp xúc nhiều với mạng xã hội, chắc chắn bạn sẽ bị ảnh hưởng không nhiều thì ít." 

Trong một số trường hợp, việc đi sâu để cải thiện bản thân có thể sẽ gây phản tác dụng hoặc thậm chí gây hại cho chính bản thân bạn. 

Trớ trêu thay, một trong những cạm bẫy lớn nhất của việc bắt tay vào nhiệm vụ tự cải thiện bản thân là nó có thể cản trở bất kỳ thay đổi lớn trong cuộc đời bạn. Ai rồi cũng phải trải qua những bước ngoặt lớn trong cuộc đời, đó là điều bắt buộc nhưng việc lặp đi lặp lại những thói quen được liệt kê trên to-do list chắc hẳn sẽ khiến bạn đôi khi cảm thấy mình đang lùi bước. Bạn không thể ngụy biện rằng thói quen tốt sẽ giúp bạn tránh khỏi những vận hạn lớn làm thay đổi cuộc đời bạn. Dù bạn sống quy củ đến đâu thì vận hạn hay xui xẻo đến vẫn là việc của nó.

Kinkolo đã nhận ra rằng những ngày lặp đi lặp lại của mình thật thiếu ý nghĩa và thậm chí, có những đêm, thói quen mỗi ngày đã len lỏi cả vào giấc mơ của cô. Với Kinkolo, cô cảm thấy ám ảnh với việc kiểm tra mọi thứ mình đang làm trong danh sách đã xong hay chưa, đã đúng deadline đề ra hay chưa hơn là nghĩ về chất lượng công việc cô đang làm và những gì cô cảm nhận về công việc đó.

Với nhiều người, tự cải thiện bản thân, tự tạo thay đổi cho bản thân là một điều tốt; nhưng cũng với nhiều người, như Kinkolo, đó là một ám ảnh thực sự...

Sinh Hồng

Cùng chuyên mục
XEM