Khi thực hiện bất cứ kế hoạch gì, muốn thành công phải nhớ: Không lên kế hoạch to, nên dễ thực hiện và tuyệt đối không dính dáng tới người thân yêu

07/08/2019 13:02 PM | Sống

Người thân là người ta yêu quý tới mức… chẳng cần sĩ diện nữa. Giống như khi ta bé, mẹ la mắng ta có sợ gì đâu! Nhưng thầy giáo ở trường hét một phát là im răm rắp thực hiện.

Có bao giờ bạn tự hỏi, mình đã quyết tâm học tiếng Anh nhưng chưa bao giờ thành công? Mình quyết tâm sẽ biết cách đan khăn len như rồi lại thất bại? Mình quyết định sẽ dọn sạch ban công trồng cây và rồi chẳng bao giờ thực hiện?

Chuyện như vậy xảy ra đầy trong đời chúng ta. Đời tôi thì còn lộn xộn hơn thế nữa.

Tôi hứa với bản thân đủ việc, và rồi không bao giờ thực hiện. Bốn năm trước tôi lên kế hoạch đi tàu Siberia đến Mông Cổ. Xong sau đó bỏ cuộc không làm. Bảy năm trước tôi dự định thi IETLS, tôi chỉ mới thực hiện cuộc thi đó ba năm trước, khi "nước đến chân" mới nhảy. Mười năm trước, tôi dự định sẽ viết về một chủ đề trong ba tháng – cuối cùng tôi chả bao giờ thực hiện nó.

Nhưng qua vô vàn thất bại và hư hỏng đó, cuối cùng tôi cũng có vài thành tựu. Tôi đọc về mô thức chung của sự chây ỳ, và cố né không cho bản thân rơi vô đúng tuyến đường đó. Sau một thời gian làm được vài chuyện, tôi nhận thấy vài kinh nghiệm cá nhân như sau:

Khi thực hiện bất cứ kế hoạch gì, muốn thành công phải nhớ: Không lên kế hoạch to, nên dễ thực hiện và tuyệt đối không dính dáng tới người thân yêu - Ảnh 1.

Không thực hiện kế hoạch một mình nữa 

Ta thường dễ dãi tha thứ cho bản thân nếu ngày hôm đó không làm việc, nhất là với những việc có quy mô lớn. Sau một tuần, ba tuần, một tháng không làm gì, thể nào bạn cũng vứt cái kế hoạch đó qua một bên vĩnh viễn.

Cách để không tự tha thứ cho bản thân là ta khiến chính mình thấy "nhục", "xấu hổ" trước một người nào đó mình tôn trọng. Khi tôi bắt đầu luyện thi IELTS lại, thay vì ngồi rị mọ tự học, tôi nhờ một em bạn giáo viên dạy. Khi em nhận dạy, em biến việc này thành một "hợp đồng" – nghĩa là em sẽ đúng giờ giảng bài, tôi phải học và nộp bài tập.

Nếu không làm, tôi tự thấy xấu hổ với em. Nếu bỏ qua bài tập, em sẽ hỏi: "Sao chị chưa làm bài?" – Cách thúc ép này có vẻ tế nhị, nhưng nó ảnh hưởng sâu sắc tới… sĩ diện của tôi.

Và vì muốn giữ sĩ diện với em, tôi rất cố gắng ngồi vào bàn học bài và làm bài trước buổi học. Ngoài những kiến thức mới, thì sự cam kết mà em bắt buộc tôi theo đã khiến tôi hoàn thành việc này.

Cần nhớ, để thực hiện cách này, bạn cần tìm ra ai đó sẵn sàng không kiêng dè gì bạn, và bạn cần phải biết xấu hổ nếu sai hẹn với người ấy. Cách này chẳng hề hiệu quả gì nếu bạn chọn người đi cùng là người yêu, bạn gái, bạn trai, anh ruột, em gái. Nhiều trường hợp bạn gái cực kỳ giỏi Anh mà bạn trai nhờ cô dạy xong sau đó tám năm vẫn chả học được gì. Người thân là người ta yêu quý tới mức… chẳng cần sĩ diện nữa. Giống như khi ta bé, mẹ la mắng ta có sợ gì đâu! Nhưng thầy giáo ở trường hét một phát là im răm rắp thực hiện.

Vì vậy, đừng dùng người thân yêu vào việc này. Coi bộ không hiệu quả gì lắm đâu!

Khi thực hiện bất cứ kế hoạch gì, muốn thành công phải nhớ: Không lên kế hoạch to, nên dễ thực hiện và tuyệt đối không dính dáng tới người thân yêu - Ảnh 2.

Không có kế hoạch to nữa

Kế hoạch to thường làm ta bối rối. Đầu tiên ta mất hướng không biết bắt đầu từ đâu. Với những người chưa quen lập kế hoạch làm việc thì có kế hoạch to là cách nhanh nhất để … khỏi làm gì hết.

Tôi chọn các kế hoạch rất bé, nhưng chúng nằm trên đường đến kế hoạch bự. Tôi tự lượng sức là mình lười, mình chậm, thôi mình bắt đầu từ cái nhỏ trước. Giống như các dấu chấm trên một đường thẳng, bạn thực hiện từng dấu chấm là sau đó có thể nối tất cả lại thành con đường.

Ví dụ: Tôi không nói rằng: Năm nay tôi muốn tập thể dục giảm 10kg.

Thay vào đó, kế hoạch của tôi là: 

Tuần này tôi sẽ tập chạy 5km trong ba ngày trong tuần, thứ Hai, Tư Sáu – lúc 4h30 chiều. 

Tôi tập skateboard vào tối thứ Ba, Năm – 8h tối 

Tôi tự nấu ăn tất cả các bữa tối từ thứ Hai đến thứ Bảy.

Đến tuần tiếp theo, tôi lại có 1 kế hoạch hơi khác đi để không chán và nhiệm vụ nhỏ xíu dễ làm nên tuần nào cũng làm được.

Thay vì nói rằng: Tôi sẽ viết một quyển sách, tôi dành ra một tuần để làm dàn bài thành 15 bài – mỗi bài 2.000 chữ. Nếu viết đủ 15 bài, tôi đã có 30.000 chữ – gần đủ cho một tập sách.

Từ đó, tôi chỉ cần chia ra, mỗi tuần tôi chỉ viết 3 bài – vị chi là 6.000 chữ. Cần 5 tuần tôi sẽ hoàn thành mớ này. Thêm 1 tuần cho lười nhác nữa là 6 tuần.

Và để mỗi tuần viết 6.000 chữ – thì mỗi ngày tôi (nếu chăm chỉ quá) thì ngồi làm 1.000 chữ. Nếu lười lắm thì chỉ làm ba ngày, mỗi ngày 2.000 chữ.

Lưu ý: Cách thực hiện kế hoạch siêu nhỏ này chỉ có tác dụng nếu bạn đặt ra mục tiêu cực dễ. Như năng lực làm việc của tôi có thể viết khoảng 3.000 từ mỗi ngày nếu rất gấp. Nhưng vì tôi quen lười, nên tôi chỉ đưa mục tiêu đến 1.000 từ – là rất dễ thực hiện.

Khi thực hiện bất cứ kế hoạch gì, muốn thành công phải nhớ: Không lên kế hoạch to, nên dễ thực hiện và tuyệt đối không dính dáng tới người thân yêu - Ảnh 3.

Dễ thực hiện và sự tưởng thưởng

Bạn có biết vì sao mỗi lần mình được thăng chức mình rất vui? Mỗi khi gặp người yêu bạn rất hạnh phúc? Mỗi khi bạn đạt một mốc trong thành tựu, bạn sẽ hạnh phúc cả ngày? – Cơ thể ta có một loại hóa chất "tưởng thưởng" tên là dopamine, khiến ta hạnh phúc, sung sướng, thỏa mãn và cảm thấy được khích lệ.

Nó có thể xuất hiện khi bạn sử dụng thuốc (nếu bạn nghiện). Nó cũng xuất hiện nếu bạn làm một việc và có thành tựu, bạn khoái quá sẽ cố gắng làm tiếp. Cũng như khi bạn làm một việc và được ca ngợi, bạn sẽ tiếp tục muốn làm việc đó.

Tôi cố gắng tạo ra không gian cho niềm vui "tưởng thưởng" này một cách cố ý.

Khi lập mục tiêu siêu bé và dễ thực hiện, ngày nào tôi cũng làm xong. Và tôi luôn cảm thấy mình thật giỏi, thật xứng đáng. Niềm vui đó khiến tôi tiếp tục làm việc vào hôm sau. Hãy nhớ, nếu bạn lập mục tiêu quá khả năng, và bạn bỏ cuộc một ngày, hai ngày, ba ngày, bạn sẽ mất niềm hứng khởi và bỏ cuộc toàn bộ.

Ngoài ra, tôi cũng tìm cho mình vài người bạn… khen ngợi. Đó là người đọc kiểm thảo nội dung tôi viết. Ngoài việc góp ý, bạn ấy thường khen tôi (cái này tôi không ép, tự nguyện khen). Vì vậy tôi thấy có nhu cầu muốn "nộp bài" cho bạn này đều đặn.

Khi chơi thể thao, tôi có vài bạn cũng chơi. Thỉnh thoảng tôi gửi cho họ ảnh tôi tập, clip tôi tập. Họ xem xong và bảo "giỏi quá, tuần trước em chưa làm được cái này mà giờ đã thành thạo rồi". Sự khen ngợi nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng nó thực sự giúp ta dịch chuyển tới trước.

Vì vậy, nếu bạn đang có một kế hoạch bự, hãy nghĩ ra cách tự khích lệ mình để mỗi khi hoàn thành xong một gói công việc, đều thấy như mình có bước tiến không tưởng trong đời!

Có người bạn từng hỏi tôi là tuần nào cũng tập lặp đi lặp lại mấy cái đó mà không chán hả – thì thực ra mỗi tuần bài tập của tôi đều có biến đổi chút ít, và những bạn tập cùng đã được tôi báo về việc này, vì vậy họ sẽ chú ý đến góp ý phần này hơn, so với những thứ khác.

Khi thấy tiến bộ, tôi càng ham thực hiện việc đó.

Cuối cùng, bạn cần nhớ rằng: dù có kế hoạch đi tới đâu, nếu bạn không xách mông lên và thực hiện thì nó cũng không thành cái gì đâu!

Khải Đơn

Cùng chuyên mục
XEM